Thị trường vàng trong nước đang diễn biến khác biệt so với nhiều năm trước. Theo thông lệ, sức mua vàng vào dịp cuối năm âm lịch thường tăng mạnh, giá vàng cũng tăng tương ứng, nhưng năm nay sức mua vàng miếng SJC lại giảm.
Thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,40 – 67,20 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với đầu tuần trước (9/1/2023). Còn so sánh với phiên đầu tháng 1/2023, SJC cũng chỉ tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán – mức tăng không mấy đáng kể sau nửa tháng biến động.
Trong khi đó, vàng nhẫn SJC 9999 đã tăng 600.000 đồng/lượng so với đầu tuần trước và tăng vọt 1 triệu đồng/lượng so với phiên đầu tháng 1/2023. Hiện giá mua – bán đang giao dịch tại mốc 54,25 – 55,25 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng đang bị “thất thế” trước vàng nhẫn
Ngày 24 tháng chạp, khảo sát trên địa bàn TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận giao dịch vàng nhẫn, vàng trang sức có sôi động nhưng chỉ diễn ra tại một vài tiệm vàng ở một số khu vực. Riêng vàng SJC gần như không có người mua.
Tại các tiệm vàng ở khu vực chợ Tân Định, chợ Bến Thành (quận 1), chợ An Đông (quận 5), TP Thủ Đức…, nhân viên bán hàng gần như ngồi chơi. Thỉnh thoảng một vài khách hàng đến tìm hiểu vàng trang sức để chuẩn bị mua trong vài ngày tới nhằm làm đẹp, hoặc mua cầu may trong những ngày đầu năm.
Nhân viên một tiệm vàng ở TP Thủ Đức cho hay nhu cầu mua vàng năm nay giảm mạnh. Phần lớn khách hàng chọn mua vàng trang sức, vàng miếng Thần Tài, các loại vàng hình con mèo (linh vật của Quý Mão). Giá các loại vàng này tăng – giảm tùy vào biến động của giá vàng thế giới và sức mua trong nước.
Trong khi đó, các tiệm vàng của Công ty Mi Hồng ở khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chật kín khách hàng từ sáng đến tối. Nhân viên bán hàng cho biết vàng miếng SJC rất ít người mua, còn các loại vàng nhẫn, vòng vàng, dây chuyền… có giá từ 3-5 triệu đồng bán rất chạy.
Tương tự, tại các tiệm vàng Kim Phát Bình, Kim Thành, Kim Phát I (quận Gò Vấp) không khí giao dịch khá sôi động. Nhân viên bán hàng phải làm việc liên tục để tư vấn, thông báo giá vàng, giao hàng cho khách mua vàng nhẫn, vàng trang sức.
Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, do giá vàng trang sức biến động cùng nhịp với giá vàng thế giới nên đông đảo người dân chọn mua là dễ hiểu.
“Nhu cầu mua vàng SJC vẫn có trên thị trường nhưng mức giá khoảng 67 triệu đồng/lượng là quá cao nên người dân chưa dám mua vào vì lo ngại giá sẽ giảm mạnh trong trường hợp doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công vàng SJC. Vì vậy, thị trường chuộng vàng nhẫn 24K, vàng trang sức, giúp phân khúc vàng này sôi động”, ông Phương phân tích.
Nghị định 24 khiến thị trường không còn những “cơn sốt” vàng miếng
Kể từ khi Nghị định số 24 ban hành năm 2012 có hiệu lực, thị trường không còn những “cơn sốt” vàng miếng như trước đây, nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ tháng 5/2012 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức không còn nhập khẩu vàng nguyên liệu sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP kiểm soát thị trường vàng miếng.
Cụ thể, kể từ khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.
Theo đó, thị trường được tổ chức, sắp xếp lại chặt chẽ. Tính hấp dẫn của vàng miếng và hoạt động đầu cơ vào vàng miếng cũng giảm đáng kể. Mạng lưới kinh doanh vàng miếng cũng được thu hẹp mạnh.
Thay vào đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống nhà xưởng sản xuất và mở rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Tổng sản lượng của các doanh nghiệp đạt hơn 11 triệu sản phẩm/năm.
Giavang.net tổng hợp