Các số liệu kinh tế có tầm ảnh hưởng trong phiên thứ Năm bao gồm:
- Chỉ số CPI châu Âu tháng 2 sơ bộ tăng 0,8% hàng tháng và tăng 8,5% so với cùng kì năm ngoái (cao hơn dự báo là 8,2%).
- Chỉ số CPI lõi tháng 2 sơ bộ tăng 0,8% hàng tháng và tăng 5,6% so với cùng kì năm ngoái (cao hơn dự báo là 5,3%).
- Tỷ lệ thất nghiệp châu Âu tăng lên 6,7% trong tháng 1.
- Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tại Mỹ đạt 190 nghìn đơn, thấp hơn dự báo là 195 nghìn đơn.
- Số đơn xin tiếp tục trợ cấp thất nghiệp ở mức 1,655 triệu đơn – tốt hơn dự báo là 1,665 triệu.
- Phí tổn nhân công đơn vị quý IV tăng 3,2% so với quý trước, cao gấp đôi dự báo là 1,6%.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào phiên chiều
Khởi động phiên giao dịch thứ Năm, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục xu hướng điều chỉnh của ngày trước đó bởi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm ủng hộ Fed tiếp tục nâng lãi suất. Tuy nhiên, lực mua đã quay lại vào phiên chiều sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Atlanta, Raphael Bostic, cho biết ông “kiên quyết” ủng hộ việc duy trì mức nâng lãi suất 25 điểm cơ bản.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tăng 341,73 điểm (tương đương 1,05%) lên 33.003,57 điểm.
Chỉ số S&P 500 tiến 0,76% lên 3.981,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,73% lên 11.462,98 điểm.
Cổ phiếu Salesforce đã thúc đẩy Dow Jones, leo dốc 11,5% nhờ kết quả lợi nhuận quý 4/2022 mạnh mẽ và triển vọng trong tương lai.
Dầu thô hưởng lợi từ tin Trung Quốc
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã tăng trưởng vào tháng trước với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, dữ liệu công bố hôm 1/3, thêm bằng chứng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19.
Nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng này do các nhà máy lọc dầu tận dụng lợi thế giá rẻ, theo Reuters.
Nhờ các tin hỗ trợ, dầu thô kết phiên thứ Năm trong sắc xanh. Cụ thể, hợp đồng dầu Brent tiến 33 xu (tương đương 0,41%) lên 81,08 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 32 xu (tương đương 0,41%) lên 78,01 USD/thùng.
Vàng gặp áp lực chốt lời
Dù chịu áp lực chốt lời sau 3 phiên tăng nhưng theo đánh giá của chúng tôi, giá vàng vẫn đang tương đối mạnh. Trước áp lực của lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ rất cao, với lợi suất kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 4% và lợi suất kì hạn 2 năm chạm mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, vàng vẫn giữ được vị thế hiện tại là tương đối tốt. Đồng thời, chỉ số DXY phiên hôm qua tăng 0,57% lên 104,96 cũng đang là yếu tố cản trở kim quý mở rộng đà tăng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay hạ 0,02% xuống $1836,39/oz, sau khi tăng trong 3 phiên trước đó. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,15% còn $1842,7/oz.
Giá vàng được kì vọng sẽ không giảm sâu, thậm chí có thể tăng trong thời gian tới khi nỗi lo về việc Fed nâng lãi suất 50 điểm được xoa dịu bởi quan điểm của ông Raphael Bostic.
Việc SDPR ngừng bán tháo cũng là một tin tốt cho vàng. Hôm qua, quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới đã ngừng xu hướng bán tháo sau khi xả ròng 4 tấn trong 2 phiên trước đó.
Tỷ giá
Số liệu lạm phát châu Âu hôm qua tăng khá mạnh, ủng hộ ECB nâng lãi suất 50 điểm trong cuộc họp tháng 3. Tuy nhiên, trước sức mạnh của đồng USD, cặp EUR/USD vẫn mất 0,65% về 1,05968 – xóa bỏ hầu hết bước tăng ngày 01/03.
Đồng bảng cũng chung kịch bản với đồng EUR, cặp GBP/USD mất 0,71% còn 1,19432.
Trong khi BOJ tiếp tục phát đi tín hiệu kéo dài nới lỏng tiền tệ, đồng Yên Nhật mất giá so với đồng USD là dễ hiểu. Hôm qua, cặp USD/JPY nhích 0,46% lên 136,757.
Kết luận
Tâm lí thị trường chung phiên hôm qua đã có sự thay đổi rõ rệt khi quan chức Fed Bostic bày tỏ quan điểm nên nâng lãi suất 50 điểm cơ bản. Động thái này được đánh giá là ”ôn hòa” trong thời điểm hiện tại.
Dòng tiền có xu hướng trở lại tài sản rủi ro và vàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro xuất phát từ lợi suất trái phiếu quá cao và sự đảo ngược đường cong lợi suất đang cảnh báo suy thoái sớm xảy ra ở Mỹ.
Giavang.net tổng hợp