Các nhà chức trách Mỹ đã có các biện pháp can thiệp khẩn cấp vào ngày Chủ nhật (12/3) để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau khi lo ngại về sự lây lan từ vụ phá sản của Silicon Valley Bank dẫn đến việc bán tháo tài sản của Mỹ vào cuối tuần trước, và các cơ quan quản lý nhà nước đã đóng cửa Signature Bank có trụ sở tại New York vào ngày 12/3.
Phố Wall đóng phiên trái chiều
Thị trường chứng khoán Mỹ mở phiên thứ Hai trong sắc đỏ với các chỉ số giảm sâu nhất ngay thời điểm mở cửa. Sau đó, lực mua cải thiện rõ rệt và các chỉ số hầu hết giao dịch trong sắc xanh từ giữa phiên sáng. Tuy vậy, đóng phiên, S&P 500 và Dow Jones lại bất ngờ đóng cửa dưới tham chiếu. Cụ thể, chỉ số Dow Jones mất 90,50 điểm (tương đương 0,28%) còn 31.819,14 điểm. Chỉ số này, vốn đã giảm phiên thứ 5 liên tiếp vào ngày thứ Hai, đã sụt hơn 284 điểm vào đầu phiên.
Chỉ số S&P 500 lùi 0,15% xuống 3.855,76 điểm, sau khi có thời điểm giảm tới 1,37%. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,45% lên 11.188,84 điểm.
Sau thông tin hai ngân hàng SVB và Signature đóng cửa cuối tuần qua, cổ phiếu các nhà băng lớn như JPMorgan Chase và Citigroup mất lần lượt 1,8% và 7,5%, Bank of America sụt 5,8%.
Cổ phiếu các ngân hàng khu vực nhỏ thậm chí còn giảm mạnh hơn, First Republic Bank cắm đầu gần 62% trong một ngày, PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorp sụt tương ứng 21% và 47%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản bật tăng mạnh nhất trên S&P 500 trong khi ngành tài chính vẫn rất bi đát, mất tới 3,78%.
Tỷ giá
USD gặp khó khăn khi Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh bởi đặt cược Fed ”tạm dừng nâng lãi suất”.
Chỉ số DXY phiên 13/03 giảm tới 0,97%, đóng cửa tại 103,624.
- Cặp EUR/USD vọt 0,86% lên 1,0731.
- Cặp GBP/USD bật 1,26% lên 1,2182.
- Cặp USD/JPY lùi 1,4% về 133,173.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm rơi nhanh xuống 3,541% và đóng phiên tại 3,573% (giảm 3,51%).
Dầu thô gặp khó khăn vì lo ngại khủng hoảng tài chính
Dù được hưởng lợi khá nhiều từ sự suy giảm của đồng USD nhưng nhà đầu tư vẫn lựa chọn bán tháo dầu vì sợ khủng hoảng tài chính sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 2,01 USD (tương đương 2,4%) xuống 80,77 USD/thùng. Hợp đồng này trước đó đã giảm xuống mức đáy trong phiên là 78,34 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 01/2023.
Hợp đồng dầu WTI mất 1,88 USD (tương đương 2,5%) còn 74,80 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI trước đó đã giảm xuống 72,30 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
“Thật ngạc nhiên khi chứng kiến giá dầu giảm mạnh trong ngày hôm nay khi xét đến thực tế là Fed nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tăng lãi suất mạnh mẽ và điều đó sẽ khiến đồng USD suy yếu”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết.
Vàng tăng không ngừng nghỉ, SPDR chạy đua gom gần 12 tấn vàng
Thị trường vàng liên tục chinh phục các mức cao mới khi đón nhận được quá nhiều yếu tố hỗ trợ: USD và lợi suất giảm, đặt cược Fed chưa vội nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay tiến 2,44% lên $1921,63/oz, mức cao nhất kể từ đầu tháng 02/2023. Hợp đồng vàng tương lai cộng 2,6% lên $1916,50/oz.
Dòng tiền lớn cũng trú ẩn vào vàng. Sau nhiều phiên giao dịch với khối lượng nhỏ giọt, hôm qua, SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới đã mua vào tới 11,85 tấn. Lượng vàng nắm giữ của quỹ hiện tăng mạnh lên 913,27 tấn.
Kết luận
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục dõi theo các diễn biến mới về ngành ngân hàng tại Mỹ. Như thông lệ, vàng là địa điểm dừng chân lí tưởng của nhà đầu tư trước những bất ổn khó đoán. Sau phiên tăng hơn 2% – vàng đã nhanh chóng trở lại đỉnh tháng 2 và được dự báo sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới nếu các cơ quan quản lý Mỹ chưa thể trấn an được người dân. Tuy vậy, ngay trong hôm nay 14/03, một số liệu cực kì quan trọng sẽ được công bố, đó là CPI tháng 3. Số liệu lạm phát Mỹ vẫn sẽ có ảnh hưởng nhất định tới quyết định chính sách tiền tệ tháng 3 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang và nhà đầu tư cần hết sức chú ý thông tin này.
Lạm phát tại Mỹ thời gian qua đã giảm nhưng biên độ giảm đã thu hẹp, đồng thời lạm phát lõi vẫn rất cao, khẳng định áp lực giá trong nền kinh tế vẫn rất lớn. Hiện tại, Fed đang phải đứng trước bài toán khó: Làm sao để tiếp tục thắt chặt tiền tệ mà không gây ra suy thoái, đặc biệt là sau khi hai ngân hàng tại Mỹ đóng cửa, cảnh báo rủi ro tín dụng của toàn hệ thống.
Giavang.net tổng hợp