ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 11/05
- Anh: Ngân hàng trung ương Anh BOE nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,5% như dự báo.
- Mỹ: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tăng lên 264 nghìn, cao hơn dự báo là 245 nghìn.
- Mỹ: Đề nghị tiếp tục trợ cấp thất nghiệp giảm còn 1,813 triệu đơn – thấp hơn dự báo là 1,820 triệu đơn.
- Mỹ: Chỉ số PPI lõi tháng 4 tăng 0,2% hàng tháng và tăng 3,2% hàng năm (thấp hơn dự báo là 3,3%).
- Mỹ: Chỉ số PPI tháng 4 tăng 0,2% hàng tháng và tăng 2,3% hàng năm – thấp hơn dự báo tương ứng là 0,3% và 2,4%.
- Mỹ: Bảng cân đối kế toán của Fed ở mức 8.503 tỷ USD, thấp hơn mức trước đó là 8.504 tỷ USD.
Chứng khoán Mỹ trái chiều, cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 11/5 hầu như là tiêu cực, trừ nhóm cổ phiếu liên quan tới công nghệ viễn thông. Dường như rủi ro về ngành ngân hàng đang trở lại và đây sẽ là một mối nguy lớn với phố Wall.
Đóng cửa phiên giao dịch 11/05, chỉ số S&P 500 lùi 0,17% xuống 4.130,62 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 221,81 điểm (tương đương 0,66%) còn 33.309,51 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,18% lên 12,328.51 điểm.
Cổ phiếu Disney giảm hơn 8% sau khi gã khổng lồ ngành truyền thông công bố kết quả kinh doanh tài chính quý II. Nỗi lo của nhà đầu tư về các ngân hàng khu vực một lần nữa lại bùng lên. PacWest Bancorp, ngân hàng đang được chú ý, cho biết vào ngày thứ Năm rằng lượng tiền gửi đã giảm 9.5% trong tuần kết thúc ngày 05/5/2023. Cổ phiếu PacWest bốc hơi 22% và ngân hàng cho biết có khả năng thanh khoản ngay lập tức ở mức 15 tỷ USD, nếu cần.
Thị trường lình xình khi các nhóm ngành có sự phân hóa. Cổ phiếu năng lượng bị bán mạnh khi dầu thô liên tục giảm.
Tỷ giá
Đóng phiên 11/05, Chỉ số DXY tăng mạnh 0,64% lên 102,066 – đây là phiên tốt nhất của DXY từ giữa tháng 3/2023.
- Cặp EUR/USD sụt 0,59% về 1,09153.
- Cặp GBP/USD rơi mạnh 0,91% còn 1,25097 sau khi từng chạm mức đỉnh 1 năm 1,26798 hôm thứ Năm.
- Cặp USD/JPY tăng 0,19% về 134,531.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm chốt phiên thứ Tư tại 3,388% (-1,60% trong ngày).
Dầu WTI về mốc 70USD sau 2 phiên giảm sâu
Áp lực từ đà tăng của đồng USD khiến cho các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này như dầu thô và vàng giảm.
Đóng cửa phiên 11/05, hợp đồng dầu Brent lùi 1,43 USD (tương đương 1,87%) xuống 74,98 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,67 USD (tương đương 2,32%) còn 70,88 USD/thùng.
USD tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 1/5 so với rổ các đồng tiền chủ chốt, sau khi số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp gần đây củng cố khả năng Fed dừng tăng lãi suất nhưng không kỳ vọng sẽ giảm lãi suất vào cuối năm.
USD mạnh lên khiến dầu đắt hơn cho các nước khác. Lãi suất tăng có thể gây áp lực lên nhu cầu dầu bởi làm tăng chi phí vay.
Vàng mất gần 1%
Các số liệu kinh tế ủng hộ vàng nhưng USD lại tăng giá khiến cho quý kim điều chỉnh. Quan trọng hơn là các số liệu ngụ ý Fed sẽ dừng tăng lãi suất chứ chưa đủ tệ để Fed sớm nghĩ tới việc xoay trục.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/5, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,75% xuống $2014,30/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,8% còn $2020,50/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust bán ra 1,15 tấn trong phiên thứ Năm. Hiện lượng vàng nắm giữ vàng của quỹ ở mức 937,84.
Kết luận
Phản ứng của thị trường tài chính phiên thứ Năm khiến nhà đầu tư tương đối bất ngờ, đặc biệt là sự lên giá của đồng USD dù các tin kinh tế không được khả quan. Bên cạnh đó, rủi ro ngành ngân hàng cũng đang trở lại trong bối cảnh Mỹ sắp tới hạn nợ 1/6 khiến cho tâm lí thị trường ngày càng trở nên thận trọng hơn.
Hiện tại, hầu hết thị trường đã định giá xong việc Fed dừng tăng lãi suất ở cuộc họp tháng 6 nhưng nhà đầu tư cần phải đặt câu hỏi về việc kì vọng ‘xoay trục’ có quá sớm hay không. Đây là nguyên nhân khiến vàng – dầu rời đỉnh ngắn hạn. Trong thời gian tới, giới thương nhân cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, chính trị để có thể đưa ra chiến lược giao dịch phù hợp hơn.
Giavang.net