VIP Tin 24/7: Phố Wall gặp nhiều khó khăn trong tuần. USD tăng mạnh ‘quật ngã’ Vàng – Dầu

ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 12/05

  • Nga: CPI tháng 4 tăng 0,4% hàng tháng và tăng 2,3% hàng năm, thấp hơn dự báo là 0,5% và 2,4% tương ứng.
  • Mỹ: Chỉ số giá xuất khẩu tăng 0,2% hàng tháng và giảm 5,9% hàng năm.
  • Mỹ: Chỉ số giá nhập khẩu tăng 0,4% hàng tháng và giảm 4,8% hàng năm.
  • Mỹ: Kỳ vọng lạm phát 5 năm của Michigan tháng 5 sơ bộ tăng lên 3,2% – cao hơn dự báo là 2,9%.
  • Mỹ: Kỳ vọng tiêu dùng của Michigan tháng 5 sơ bộ đạt 53,4 – thấp hơn dự báo là 59,8.
  • Mỹ: Tâm lý tiêu dùng của Michigan tháng 5 sơ bộ đạt 57,7 – thấp hơn dự báo là 63.
  • Mỹ: Chỉ số tình trạng hiện tại của Michigan tháng 5 sơ bộ đạt 64,5 – thấp hơn dự báo là 67.
  • Mỹ: Kỳ vọng lạm phát của Michigan tháng 5 đạt 4,5% – cao hơn dự báo là 4,4%.

Chứng khoán Mỹ kết tuần trong sắc đỏ

Thị trường chứng khoán Mỹ mở phiên cuối tuần trong sắc xanh nhưng ngay lập tức chịu áp lực bán và giảm liên tục cho tới giữa phiên chiều. Các chỉ số chính hồi phục trong 1 tiếng cuối ngày và đóng phiên gần sát mức tham chiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch 12/05, chỉ số Dow Jones hạ 8,89 điểm (tương đương 0,03%) xuống 33.300,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,35% còn 12.284,74 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,16% xuống 4124,08 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng khu vực PacWest tiếp tục giảm thêm 2,9%. PNC mất 1% và Zions Bancorp giảm 1,1%. Vào ngày 11/5, cổ phiếu nhiều ngân hàng khu vực đã đi xuống khi PacWest công bố tiền gửi tháo chạy trong tuần đầu tiên của tháng 5.

Trong khi đó, Western Alliance – một ngân hàng khu vực khác – đã phục hồi trong hai phiên gần đây sau thông tin tiền gửi tăng lên.

Xét theo nhóm ngành trên S&P 500, có 7 nhóm ngành tăng, dẫn đầu là Tiện ích và Tiêu dùng thiết yếu. Ở chiều giảm, cổ phiếu Tiêu dùng không thiết yếu thể hiện tệ nhất, mất gần 1%.

Trong tuần thứ hai của tháng 5, S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 0,29% và 1,1%. Trong khi đó, Nasdaq đã tăng 0,4%.

Tỷ giá

Đóng phiên 12/05, Chỉ số DXY tiếp đà tăng 0,63% lên 102,705 – xác lập 2 cây nến xanh liên tiếp lên cao nhất 1 tháng. Tính cả tuần, chỉ số DXY tăng 1,4% – chấm dứt mạch giảm 2 tuần trước đó.

  • Cặp EUR/USD sụt 0,61% về 1,08489. Theo tuần, đồng EUR mất 1,53% – là tuần giảm mạnh nhất của đồng tiền chung từ cuối tháng 9/2022.
  • Cặp GBP/USD mất tiếp 0,50% còn 1,24469. Tính cả tuần, cặp GBP/USD mất 1,45% – chấm dứt mạch tăng kỉ lục 10 tuần trước đó.
  • Cặp USD/JPY bứt mạnh 0,90% chạm 135,744. Theo tuần, cặp USD/JPY tăng 0,68%.

Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm chốt phiên thứ Sáu tại 3,470% (+2,42% trong ngày) và tăng 0,84% theo tuần.

Dầu thô thiết lập mạch giảm 3 tuần

Thị trường năng lượng chịu áp lực bán mạnh vào cuối tuần, lu mờ hoàn toàn đà tăng đầu tuần khi đồng USD lên cao nhất 1 tháng.

Đóng cửa phiên 12/05, hợp đồng dầu Brent lùi 81 xu (tương đương 1,1%) xuống 74,17 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 83 xu (tương đương 1,2%) còn 70,04 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đóng cửa giảm 1,5% so với tuần trước.

Đồng thời, lo ngại Mỹ – quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới – sẽ bước vào suy thoái đang ngày một lớn, với các cuộc đàm phán về trần nợ của chính phủ Mỹ bị hoãn lại và mối lo ngại gia tăng về một ngân hàng khu vực khác đang bị khủng hoảng khiến triển vọng nhu cầu dầu ảm đạm.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí tự nhiên giảm trong tuần này xuống mức thấp nhất trong gần một năm, do số giàn khoan khí giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 2/2016. Số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 2 xuống 586 giàn trong tuần này, thấp nhất kể từ tháng 6/2022, trong khi giàn khí đốt giảm 16 xuống 141 giàn, thấp nhất kể từ tháng 4/2022.

Thị trường vàng chịu áp lực

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất một tuần và ghi nhận tuần giảm, bởi USD mạnh lên và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/05, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,24% xuống 2.010,84 USD/oz, sau khi giảm tới 0,7% vào đầu phiên.

Hợp đồng vàng tương lai mất 0,2% còn $2016,40/oz.

Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust bán ra 0,3 tấn trong phiên thứ Sáu. Hiện lượng vàng nắm giữ vàng của quỹ ở mức 937,54 tấn.

Kết luận

Trong tuần thứ hai của tháng 5, chúng ta thấy được sự thay đổi rõ nét tâm lí thị trường. Trước rủi ro về suy thoái, trần nợ, khủng hoảng ngành ngân hàng, nhà đầu tư có xu hướng tìm tới USD như một nơi trú ẩn an toàn thay vì vàng và yên Nhật như giai đoạn trước. Đà tăng tuần tốt nhất của đồng USD trong hơn 3 tháng theo chúng tôi xuất phát từ việc một số quan chức Fed khá diều hâu khi chia sẻ rằng họ sẵn sàng tăng thêm lãi suất để kiềm chế lạm phát nếu CPI vẫn ở mức cao dai dẳng.

Trong thời gian tới, nhà đầu tư, đặc biệt là các trader vàng, cần bám sát tình hình kinh tế toàn cầu, bình luận của các quan chức Ngân hàng trung ương để có thể đưa ra các chiến lược linh hoạt cho mình. Về vàng, thị trường đóng tuần ngay trên trung bình động 20 ngày nên rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn đang lớn hơn nhiều giai đoạn trước. Cần hết sức thận trọng!

Giavang.net

Read Previous

Thống đốc NHNN: Sẽ cân nhắc các điều kiện để giảm lãi suất điều hành

Read Next

Bảng giá vàng sáng 13/5: Mua vào “đóng băng”, bán ra tăng 100.000 đồng/lượng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular