VIP Tin 24/7: Ngược chiều thế giới, Nhẫn 9999 và SJC đồng loạt tăng giá trong tuần này

Tóm tắt

  • Giá vàng thế giới “bốc hơi” gần 3% trong tuần này.
  • Vàng nhẫn ngược chiều tăng giá nhưng đà tăng khá khiêm tốn.
  • Cả tuần lình xình, SJC chốt tuần vẫn có nhịp tăng tốt nhất.
  • Vàng thế giới đã vượt đỉnh cũ tại sao SJC vẫn “một mình một chợ”?

Nội dung

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần tại ngưỡng 2.010,8 USD/ounce, giảm khoảng 0,3% trong tuần này. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.565 VND/USD) đứng tại 57,54 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn SJC 9,7 triệu đồng và cao hơn vàng nhẫn khoảng 200.000 đồng. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 57,67 triệu đồng/lượng, với tỷ giá USD giao dịch ở mức 23.465 VND/USD.

Giá vàng thế giới giảm do đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng hơn 0,6% trong phiên ngày thứ Sáu (12/5) và chốt tuần ở mức hơn 102,7 điểm, cao nhất trong 1 tháng trở lại đây.

Cả tuần, Dollar Index tăng gần 1,5% đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2. Đồng USD tăng giá gây áp lực lên giá vàng, vì vàng được định giá bằng đồng bạc xanh.

USD đang phát huy mạnh vai trò kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh bấp bênh vì khủng hoảng trần nợ và khủng hoảng ngân hàng Mỹ. “Sự thiếu niềm tin vào nền kinh tế đang dẫn tới nhu cầu mua đồng USD, một tài sản được coi là an toàn hơn, và gây ra mối bi quan về nhu cầu tiêu thụ dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.

Các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 4 do Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần này cho thấy lạm phát đang dịu đi, nhưng tốc độ giảm chậm chạp, khiến nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó cắt giảm lãi suất trong năm nay. Chừng nào Fed còn giữ lãi suất cao, giá vàng còn chịu sức ép mất giá, vì vàng là một tài sản không mang lãi suất. Triển vọng này cũng hỗ trợ tỷ giá đồng USD.

Thị trường vẫn đang rất lo lắng với chính sách tiền tệ của Fed. Lý do là Thống đốc Fed Michelle Bowman, mới đây tuyên bố nếu lạm phát vẫn cao và thị trường lao động vẫn mạnh, lãi suất vẫn cần tăng mạnh hơn.

Dù vậy, các yếu tố gồm nguy cơ suy thoái, khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng trần nợ Mỹ đang tiếp tục khuyến khích giới đầu tư mua vàng phòng ngừa rủi ro.

Theo giới phân tích, giá vàng có thể sẽ tiếp tục đi xuống trong bối cảnh các đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lập pháp về việc nâng trần nợ công của Mỹ bị hoãn lại.

Ông Brian Lan – Giám đốc điều hành GoldSilver Central nhận định: “Các nhà đầu tư đang tập trung xem xét những bất ổn xung quanh các cuộc đàm phán về nợ và mong đợi Fed tạm dừng tăng lãi suất. Điều này khiến giá vàng giảm”.

Chuyên gia phân tích của Công ty giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ) – ông Edward Moya – lưu ý đồng USD không thể tăng giá trong dài hạn vì thị trường đang lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái vào cuối năm 2023. Điều này có thể thúc đẩy nhà đầu tư tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào giá vàng thế giới để phòng ngừa rủi ro.

SJC ít bị ảnh hưởng bởi đà giảm của giá vàng thế giới

Vàng miếng SJC tại công ty CP SJC Sài Gòn chốt phiên cuối tuần (13/5) tại mốc 66,55 – 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua và 250.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (8/5).

Diễn biến của giá vàng SJC trong tuần này. Nguồn: Vip.giavang.net

Kết thúc một tuần có đà tăng khá tốt, nhưng giá vàng SJC biến động rất khiêm tốn giữa các phiên giao dịch trong tuần với mức tăng/giảm đan xen trong khoảng 50-150.000 đồng mỗi lượng. Như vậy, cũng tương tự các tuần gần đây, giá vàng miếng vẫn trong trạng thái lình xình, do nhu cầu trên thị trường thiếu sôi động.

Chênh lệch mua – bán của SJC ổn định trong khoảng 500-600.000 đồng/lượng trong tuần, đến phiên cuối tuần (13/5) mức chênh tăng 100.000 đồng lên ngưỡng 700.000 đồng. Nếu theo như “kịch bản” của các tuần gần đây, khi giá vàng mở cửa phiên thứ Hai của tuần tới, chênh lệch mua – bán của SJC sẽ được hẹp về lại ngưỡng 600.000 đồng.

SJC tăng giá trong khi vàng thế giới giảm nên chênh lệch giữa hai thị trường có chiều hướng gia tăng, từ mức 9,4 triệu đồng cuối tuần trước lên 9,7 triệu đồng cuối tuần này – vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 14 triệu đồng thời điểm đầu năm.

Vàng nhẫn 9999 cùng chiều với SJC

Cụ thể, nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần đứng tại mốc 56,35 – 57,35 triệu đồng/lượng (MV – BR), tăng 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần (8/5).

Diễn biến của giá vàng nhẫn 9999 trong tuần này. Nguồn: Vip.giavang.net

Mặc dù tăng giá nhưng do vàng thế giới giảm nên đà tăng của vàng nhẫn cũng bị hạn chế, do vậy mà mức tăng của kim loại quý này có biên độ hẹp hơn vàng miếng.

Về khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới, trong tuần này vàng nhẫn duy trì mức chênh khá thấp với vàng thế giới – dưới 1 triệu đồng. Chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn vẫn neo quanh mốc 1 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch chiều thứ Năm (11/5), giá nhẫn tròn trơn 9999 tại BTMC đã leo lên mức 56,7 – 57,7 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra – vượt mức đỉnh trước đó 57,6 triệu đồng/lượng vào hồi tháng 3/2022. Cũng trong phiên 11/5, giá nhẫn 9999 tại một số thương hiệu khác như SJC, Phú Quý, Doji cũng neo ở mức cao – khoảng 57,4-57,5 triệu đồng/lượng giá bán ra.

Tuy nhiên, ngay phiên sáng ngày hôm sau (12/5) vàng nhẫn đã “hạ nhiệt” và không duy trì đc mức đỉnh khi vàng thế giới giảm sâu.

Vàng thế giới đã vượt đỉnh cũ tại sao SJC vẫn “một mình một chợ”?

Tuần trước – ngày 4/5, giá vàng thế giới đã có lúc vượt lên đỉnh cao nhất – gần 2.080 USD/ounce, thời điểm đó giá vàng SJC giao dịch tại ngưỡng 67,2-67,3 triệu đồng/lượng (giá bán ra), vàng nhẫn 9999 giao dịch ở ngưỡng 57,3-57,4 triệu đồng/lượng (giá bán).

Vàng Nhẫn vẫn thường có sự điều chỉnh theo biến động của giá vàng thế giới, nên khi vàng thế giới tăng mạnh thì vàng nhẫn cũng tăng theo.

Không giống như những lần phản ứng trước của vàng SJC khi rất “nhạy cảm” với đà tăng mạnh của vàng thế giới và thường hạn chế đà giảm khi vàng thế giới “lao dốc”, khiến chênh lệch giữa hai thị trường tăng mạnh – có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng.

Lý giải cho vấn đề này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính nhận định, thanh khoản nền kinh tế Việt Nam đang bị “bóp nghẹt” khiến thu nhập của người dân và doanh nghiệp giảm mạnh.

“Người dân không còn tiền để nghĩ để việc mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Không chỉ người dân và doanh nghiệp, những người đầu tư vàng thực sự cũng không có tiền mặt. Mức độ nhạy cảm của họ với giá vàng hiện nay suy giảm rất nhiều”, ông Nghĩa nhận định.

Hiện mức chênh lệch giá vàng SJC hai chiều mua vào – bán ra khoảng 600.000 đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch thường thấy ở những giai đoạn biến động mạnh lên tới cả triệu đồng/lượng.

Ông Nghĩa cho rằng chênh lệch mua – bán đang bị thu hẹp dần thể hiện mức độ co giãn của nhu cầu so với giá cả suy giảm, điều này thể hiện nhu cầu rất yếu. Trong khi lãi suất rất cao, người nào còn tiền cũng không nghĩ tới việc mua vàng để trú ẩn mà tìm đến kênh tiết kiệm.

Với tình hình địa chính trị và những bất ổn kinh tế hiện tại, tôi cho rằng giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng. Còn giá vàng trong nước sẽ ít nhạy cảm hơn với giá vàng thế giới, những biến chuyển cũng sẽ chậm chạp hơn bởi tình trạng kẹt thanh khoản có thể còn kéo dài”, ông Nghĩa nhận định.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Dự báo tuần 15-19/5: Số chuyên gia phố Wall đặt cược tăng/giảm ngang bằng – Vàng sẽ tiếp tục giằng co?

Read Next

Bảng giá vàng sáng 15/5: SJC ‘thờ ơ’ với diễn biến của giá vàng thế giới

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular