ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 16/05
- Mỹ: Quan chức Fed Barkin: Nếu nâng lãi suất là cần thiết để hạ lạm phát xuống thấp hơn, thì tôi hoàn toàn đồng ý.
- Mỹ: Quan chức Fed Barkin: Bài học hàng đầu từ việc điều hành lãi suất thập niên 1970 là đừng dừng lại quá nhanh.
- Mỹ: Quan chức Fed Williams: Sẽ cần thời gian để Fed xác định xem tác động của tăng lãi suất tới nền kinh tế.
- Mỹ: Quan chức Fed Williams: Lạm phát đang giảm dần dần và đúng hướng.
- Mỹ: Doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 0,4% hàng tháng và tăng 1,6% hàng năm, thấp hơn nhiều dự báo là tăng 0,8% và 4,2% tương ứng. Số liệu tháng 3 điều chỉnh theo hướng tệ đi, giảm 0,7% hàng tháng và 2,42% hàng năm.
- Mỹ: Doanh số bán lẻ lõi tháng 4 tăng 0,4% hàng tháng. Số liêu tháng 3 được điều chỉnh thành giảm 0,5%.
- Mỹ: Kiểm soát bán lẻ tháng 4 đạt 0,7% – cao hơn dự báo 0,3%.
- Châu Âu: GDP quý I tăng 0,1% hàng quý và tăng 1,3% so với cùng kì năm ngoái.
- Châu Âu: Cán cân mậu dịch tháng 3 đạt 25,6 tỷ EUR.
- Châu ÂU: Chỉ số cảm tính kinh tế của Zew tháng 5 đạt -9,4.
Chứng khoán Mỹ giảm, cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng ít nhất
Thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch không mấy tích cực trong ngày thứ Ba khi nhà đầu tư lo ngại các quan chức Fed vẫn còn khá diều hâu và kì vọng hạ lãi suất sẽ khó trở thành sự thực trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch 16/05, chỉ số Dow Jones hạ 336,46 điểm (tương đương 1,01%) còn 33.012,14 điểm về dưới đường trung bình động 50 phiên lần đầu tiên kể từ ngày 30/3/2023. Cùng chiều, chỉ số S&P 500 lùi 0,64% xuống 4.109,90 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,18% xuống 12.343,05 điểm.
Home Depot, một thành viên trong chỉ số Dow Jones, đã giảm 2,15% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý đáng thất vọng và cắt giảm dự báo cả năm do người tiêu dùng hoãn các dự án cải tạo nhà ở lớn.
Các nhóm ngành chịu áp lực lớn trong phiên 16/05, đặc biệt là cổ phiếu năng lượng và bất động sản nhạy cảm với lãi suất. Ở chiều tăng, cổ phiếu công nghệ và viễn thông trên S&P 500 cũng chỉ nhích nhẹ.
Tỷ giá
Đóng phiên 16/05, Chỉ số DXY hồi phục 0,18% lên 102,604.
- Cặp EUR/USD mất 0,11% về 1,08618.
- Cặp GBP/USD sụt 0,33% còn 1,24865.
- Cặp USD/JPY tiếp tục tăng 0,19% chạm 136,362 – xác lập 4 cây nến xanh liên tục.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm chốt phiên thứ Hai tại 3,540% (+0,91% trong ngày).
Dầu thô giảm nhẹ, các yếu tố hỗ trợ vẫn khá nhiều
Đà hồi phục của dầu mới chỉ xuất hiện được một phiên đã nhanh chóng bị đảo ngược vì USD tăng và thông tin bán lẻ Mỹ, Trung Quốc không như kì vọng.
Đóng cửa phiên 16/05, hợp đồng dầu Brent lùi 26 xu xuống 74,97 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 17 xu còn 70,94 USD/thùng.
Tuy nhiên, về cơ bản, giá dầu vẫn được hỗ trợ. Dữ liệu tổng hợp từ Wood Mackenzie cho biết lượng tiêu thụ nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 6 được dự báo sẽ tăng 1,5% so với tháng trước đó.
Trong khi đó, IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 200,000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Cơ quan này cho biết sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã vượt qua kỳ vọng, với nhu cầu đạt kỷ lục 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2023.
Đồng thời, tin tức Bộ Năng lượng Mỹ sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô giao tháng 8 trong một động thái nhằm bắt đầu lấp đầy kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) cũng khiến giới đầu cơ dầu tăng phần nào yên tâm.
Vàng mất ngưỡng $2000 – SPDR trở lại bắt đáy
Đà tăng của USD và Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đã khiến vàng rơi mạnh trong ngày thứ Ba, thủng mốc $2000. Các quan điểm diều hâu của quan chức Fed khiến nhà đầu cơ giá vàng giảm có thêm động lực đặt lệnh bán.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/05, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,47% xuống $1990,89 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 1,38% còn $1994,70/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust sau 3 phiên bán vàng liên tục ở vùng giá trên $2000 đã mua lại 0,86 tấn trong ngày 16/05.
Kết luận
Dòng tiền trở lại với USD khi nhà đầu tư lựa chọn đồng bạc xanh vừa là nơi trú ẩn an toàn nhưng cũng là tài sản được hỗ trợ bởi thông điệp có phần diều hâu của quan chức Fed. Với các số liệu kinh tế mới công bố, chắc hẳn Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 nhưng cũng sẽ chưa vội hạ lãi suất trong ngắn hạn.
Đối với vàng, đây là phiên đầu tiên quý kim đóng nến dưới trung bình động 20 ngày sau khi trải qua một xu hướng tăng giá ấn tượng. Triển vọng ngắn hạn của vàng đã chuyển từ trung lập sang giảm, cảnh báo các rủi ro phía trước. Anh/Chị nên tiếp tục bám sát các dữ liệu kinh tế và quán sát các biến động chính trị để đưa ra chiến lược hợp lí cho mình.
Giavang.net