ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 07/07
- Mỹ: Thu nhập trung bình theo giờ tháng 6 tăng 0,4% hàng tháng và tăng 4,4% hàng năm – cao hơn dự báo là 0,3% và 4,2% tương ứng.
- Mỹ: Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ tháng 6 chỉ tăng 209 nghìn, thấp hơn dự báo là 225 nghìn. Số liệu tháng 5 được điều chỉnh giảm còn 306 nghìn từ mức 339 nghìn trước đó.
- Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp tháng 6 ở mức 3,6% như dự báo, giảm so với mức 3,7% của tháng 7.
- Canada: Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5,4%, cao hơn dự báo là 5,3% và mức 5,2% của tháng 5.
- Canad: Thay đổi việc làm tháng 6 đạt 59,9 nghìn – cao hơn gấp đôi dự báo là 20 nghìn.
Dow Jones bất ngờ giảm mạnh vào cuối phiên
Chứng khoán Mỹ mở phiên trong trạng thái giằng co quanh tham chiếu và tăng trong phần lớn thời gian của ngày cuối tuần khi báo cáo NFP tháng 6 hỗ trợ tâm lí nhà đầu tư. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ xuất hiện tại phút chót, các chỉ số lại đóng phiên trong sắc đỏ.
Cụ thể, chốt phiên 07/07, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 187 điểm, tương đương 0,55%, xuống còn 33.735 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,29%, chốt phiên tại 4.399 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,13%, đóng cửa ở mức 13.661 điểm.
Dòng tiền tập trung vào cổ phiếu năng lượng do giá dầu tăng trưởng khá ấn tượng trong tuần này. Nhóm năng lượng tăng 2,06% – là lực đỡ chính giúp chỉ số S&P không giảm sâu trong ngày cuối tuần.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận một tuần tiêu cực. S&P sụt 1,16%, trong khi Nasdaq Composite mất 0,92% trong tuần đầu tháng 7. Chỉ số Dow Jones cắm đầu 1,96%, đánh dấu tuần có kết quả tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2022.
Tỷ giá
Đóng phiên 7/7, Chỉ số DXY sụt sâu 0,82% về 102,266.
- Cặp EUR/USD tăng mạnh 0,74% chạm ngưỡng 1,09682 – cao nhất từ ngày 28/6.
- Cặp GBP/USD vọt 0,77%, giao dịch tại 1,28375 – gần sát mức cao nhất ngày 16/6.
- Cặp USD/JPY sụt 1,38% đóng phiên ở 142,068.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đóng phiên 07/07 tại 4,070% (+0,87% trong ngày) – cao nhất từ đầu tháng 3.
Dầu thô xác lập tuần tăng khá ấn tượng
Sau 2 tháng dao động trong khoảng 73 – 77 USD/thùng, dầu Brent đã chuyển sang vùng quá mua (overbought) về mặt kỹ thuật lần đầu tiên kể từ giữa tháng 4/2023.
Kết thúc phiên thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 1,95 USD (tương đương 2,6%) lên 78,47 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2,06 USD (tương đương 2,9%) lên 73,86 USD/thùng.
Đó là mức đóng cửa cao nhất của hợp đồng dầu Brent kể từ ngày 01/05 và hợp đồng dầu WTI kể từ ngày 24/05. Cả 2 hợp đồng dầu đều vọt 5% trong tuần này.
Giá dầu tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (07/07) lên mức cao nhất trong 9 tuần, do những lo ngại về nguồn cung lấn át lo ngại rằng việc nâng lãi suất hơn nữa có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.
Vàng tăng tốt sau tin NFP, xác nhận tuần tăng sau 3 tuần giảm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,8% lên $1926,54/oz và tăng 0,4% từ đầu tuần đến nay.
Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,9% lên $1932,50/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR trở lại xu hướng bán ròng trong phiên 7/7, lượng nắm giữ của quỹ duy trì giảm còn 915,26 tấn (giảm 2,6 tấn).
Kết luận
Số việc làm phi nông nghiệp Mỹ được tạo ra trong 6 thấp hơn hơn dự báo, trái ngược với những gì bảng lương tư nhân ADP công bố ngay 1 ngày trước đó khiến nhà đầu tư khá bất ngờ. Tuy nhiên, về cơ bản, thị trường vẫn định giá theo kịch bản Fed nâng lãi suất cơ bản 0,25% vào cuối tháng 7 vì nền kinh tế Mỹ cơ bản vẫn khá kiên cường trước mức lãi suất cao nên chứng khoán và vàng chưa thể có các bước tăng trưởng đột phá.
Sang tuần thứ hai của tháng 7, nhà đầu tư cần tiếp tục bám sát các số liệu kinh tế quan trọng để đánh giá triển vọng lãi suất trong tương lai của Fed. Nền kinh tế Mỹ bắt đầu xuất hiện những vết rạn nhất định và việc đưa ra các chính sách lãi suất tiếp theo sẽ phụ thuộc vào sự chịu đựng của nền kinh tế.
Giavang.net