Phiên 20/10, kinh tế Mỹ đón nhận một số thông tin kinh tế quan trọng
- Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần giảm còn 214 nghìn đơn, thấp hơn dự báo là 230 nghìn đơn. Số liệu trước đó cũng được điều chỉnh xuống 226 nghìn đơn.
- Số đơn đề nghị tiếp tục trợ cấp thất nghiệp là 1,385 triệu đơn, cao hơn dự báo là 1,375 triệu đơn.
- Chỉ số sản xuất Fed Philadelphia tháng 10 ở mức -8,7, tệ hơn dự báo là -5,0.
- Doanh số bán nhà hiện tại tháng 9 giảm 1,5% so với tháng trước.
- Doanh số bán nhà hiện tại tháng 9 đạt 4,71 triệu căn, cao hơn dự báo là 4,7 triệu căn. Số liệu tháng 8 được điều chỉnh giảm còn 4,78 triệu căn.
Phố Wall đuối sức về cuối phiên, xu hướng dòng tiền có sự phân hóa.
Phiên giao dịch thứ Năm thị trường chứng khoán Mỹ có diễn biến tương tự ngày thứ Tư: khởi sắc ở đầu phiên nhưng chịu áp lực bán trong nửa cuối phiên. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 90 điểm, tương đương 0,3%, và dừng ở gần 30.334 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,8% còn 3665,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,61% xuống 10.614,84 điểm.
Một số báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ đã kìm hãm đà giảm của thị trường, với cổ phiếu AT&T và IBM lần lượt vọt 7,7% và 4,7%, sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng trong quý gần nhất.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Tesla sụt hơn 6% sau khi hãng sản xuất xe điện cho biết vào tối ngày thứ Tư (19/10) rằng công ty dự kiến không đạt được mục tiêu giao hàng trong năm 2022.
Các nhóm ngành đa phần gặp khó khăn, chỉ có Viễn thông – Năng lượng và Công nghệ có sắc xanh dù tăng rất khiêm tốn.
Dầu thô đi ngang sau ngày biến động
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 14 xu lên 92,57 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI nhích 16 xu lên 85,71 USD/thùng.
Cả hợp đồng dầu Brent và dầu WTI vào đầu phiên đều tăng hơn 2 USD/thùng.
Giá dầu biến động nhe trong phiên giao ngày thứ Năm (20/10) vì hai yếu tố trái chiều là lo ngại về lạm phát làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu và tin tức Trung Quốc đang xem xét nới lỏng các biện pháp cách ly COVID-19 đối với du khách.
Dòng tiền chưa quay trở lại vàng
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay hạ 0,09% xuống $1626,75/oz, trước đó hợp đồng này đã chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2022. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,14% còn $1631,9/oz.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Trọng tâm chú ý rõ ràng vẫn là lãi suất và kỳ vọng nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”.
Vàng vẫn chịu áp lực lớn từ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức đỉnh nhiều năm.
Quỹ SPDR chưa ngừng bán vàng. Thông tin này phản ứng tâm lí rời xa vàng của nhà đầu tư tổ chức khi lãi suất tăng trên toàn cầu. Hôm qua, quỹ tín thác hàng đầu thế giới đã bán ra 1,74 vàng – đưa lượng nắm giữ về mốc 930,99 – thấp nhất nhiều tháng.
Giavang.net tổng hợp