VIP Tin 24/7: Kết tuần đi ngang, kết tháng giảm mạnh nhưng SJC vẫn có 1 năm ‘rực rỡ’

Tóm tắt

  • Vàng thế giới giảm trong năm 2022 trước động thái nâng lãi suất của Fed.
  • Năm 2022, đầu tư vàng nhẫn gần như không có lãi.
  • Nắm giữ SJC, nhà đầu tư lãi hơn 4 triệu đồng cho mỗi lượng vàng.

Nội dung

Vàng miếng SJC

Dừng chân tại mốc 66,00 – 67,00 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra, giá vàng SJC trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 đi ngang chiều bán nhưng lại giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua so với mở cửa phiên đầu tuần (26/12), khiến cho chênh lệch mua – bán tăng lên 1 triệu đồng, từ mức 800.000 đồng trong tuần trước cũng như cá tuần gần đây. Trong khi đó chênh lệch với giá vàng thế giới giảm mạnh, từ mức 15,5 triệu đồng cuối tuần trước xuống 14,8 triệu đồng cuối tuần này.

Tính trong tháng 12, SJC giảm 650.000 đồng/lượng chiều mua và 450.000 đồng/lượng chiều bán. Với biên độ mua – bán ở mức 1 triệu đồng/lượng, đầu tư SJC trong tháng 12 lỗ gần 1,5 triệu đồng. Còn về mức chênh với giá vàng thế giới, dù giảm mạnh trong tuần qua nhưng so với cuối tháng 11 thì chênh lệch giữa hai thị trường gần như tương đương.

Diễn biến của giá vàng SJC – biểu đồ 1 tháng. Nguồn: Vip.giavang.net

Mặc dù thua lỗ trong tháng 12 cũng như một vài tháng trong năm nay, nhà đầu tư nắm giữ vàng trong năm 2022 vẫn thu được mức lợi nhuận hơn 4 triệu đồng/lượng khi mua vào đầu tháng 1 (trước thời điểm biến động “bất thường” ngày vía Thần Tài) và bán ra vào thời điểm cuối tháng 12.

Đây là mức sinh lời đáng kể nếu so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đóng cửa ngày giao dịch cuối của năm 2022 ở mức 1.007,09 điểm, giảm tới 491 điểm, tương đương mức giảm 32,78% so với năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất của thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua.

Sau 1 năm, chênh lệch giữa SJC và giá vàng thế giới có sự thay đổi khá lớn. Dù đã giảm mạnh so với mức đỉnh gần 20 triệu đồng trong tháng 3/2022, nhưng vẫn tăng hơn 3 triệu đồng từ mức 11,4 triệu đồng ở phiên giai dịch ngày 31/12/2021 lên 14,8 triệu đồng trong ngày 31/12/2022.

Vàng nhẫn 9999

Chốt phiên cuối tuần (31/12/2022) vàng nhẫn SJC 9999 đứng tại mốc 53,00 – 54,00 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (26/12). Chênh lệch mua – bán duy trì ở mức 1 triệu đồng. Chênh lệch với giá vàng thế giới giảm mạnh, từ 2,4 triệu đồng cuối tuần trước xuống 1,8 triệu đồng cuối tuần này.

Tương tự vàng miếng, vàng nhẫn cũng có diễn biến tiêu cực trong tháng 12 với mức giảm 350.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán. Với biên độ mua – bán hiện ở mức 1 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đã mất 350.000 đồng cho mỗi lượng vàng nhẫn. Chênh lệch với giá vàng thế giới có xu hướng tăng, từ mức 1,5 triệu đồng cuối tháng 11 lên 1,8 triệu đồng cuối tháng 12.

Dù giảm ít hơn SJC trong tháng cuối cùng của năm, vàng nhẫn của cả năm 2022 chỉ tăng khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng. Nghĩa là đầu tư vàng nhẫn trong năm nay gần như không có lãi.

Trong khí SJC có xu hướng gia tăng khoảng cách với giá vàng thế giới thì vàng nhẫn lại ngược lại với diễn biến dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới. Cụ thể, mức chênh cuối năm 2021 là khoảng 2,6 triệu đồng, giảm 800.000 đồng so với cuối năm 2022.

Với mức chênh lệch hiện tại chưa tới 2 triệu với giá vàng thế giới, vàng nhẫn vẫn sẽ là một khoản đầu tư an toàn để nắm giữ dài hạn.

Giá vàng thế giới

Chốt phiên cuối cùng của năm 2022, giá vàng thế giới đứng tại ngưỡng 1.824 USD/ounce. Vàng thế giới giảm khoảng 0,5% trong năm nay khi các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến vàng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm vào tháng 9/2022, tuy nhiên, giá vàng đã xoá bớt mức giảm kể từ đó.

Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Dữ liệu lạm phát gần đây mà chúng ta biết… cho thấy lạm phát đang bắt đầu hạ nhiệt một chút. Điều đó khuyến khích thị trường kim loại giá lên và là một phần lý do giúp chúng ta chứng kiến đà phục hồi”.

Các chuyên gia phân tích lưu ý rằng tâm lý thị trường vào năm 2023 sẽ được thúc đẩy bởi phản ứng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đối với bong bóng lạm phát.

Fed trong năm nay đã nâng lãi suất từ mức gần bằng 0 hồi tháng 3/2022 lên mức 4,25% – 4,5% trong đợt nâng lãi suất mạnh nhất kể từ những năm 1980, khiến vàng trượt dốc từ mức cao kỷ lục trên 2.000 USD/ounce hồi tháng 3/2022.

Theo dự báo triển vọng năm 2023 công bố mới đây, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng vàng vẫn là một tài sản chiến lược quan trọng vì dự báo sẽ có nhiều bất ổn trong năm 2023.

Dữ liệu do Hội đồng Vàng thế giới tổng hợp cho thấy, nhu cầu vàng năm 2022 đã vượt xa bất kỳ năm nào trong 55 năm qua. Tháng 11/2022, WCG ước tính các tổ chức tài chính chính thức trên thế giới đã mua 673 tấn vàng. Trước đó, riêng trong quý III/2022, các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng.

Giavang.net

Read Previous

Bảng giá vàng sáng 31/12: SJC tăng vọt – lấy lại mốc 67 triệu đồng, vàng nhẫn cũng kịp về mốc 54 triệu đồng

Read Next

Bảng giá vàng sáng 3/1/2023: Chào năm mới 2023, SJC bật tăng – bước đệm cho một năm ‘tỏa sáng’?

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular