Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ diễn ra vào chiều 11/5, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra một số giải pháp của ngành ngân hàng.
Về việc điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cần phải cân đối làm sao vừa phải tăng trưởng tín dụng, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất…,cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
Bà Hồng cho biết trong thời gian tới NHNN sẽ cân nhắc điều kiện nếu được thì sẽ giảm lãi suất điều hành, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất.
Theo Thống đốc NHNN, hiện tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, kinh doanh khó khăn do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ vướng mắc ở đó. Tăng trưởng toàn nền kinh tế chậm lại trong quý I, nguyên nhân quan trọng đó là xuất khẩu giảm 20%. Tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu rất lớn, nhưng việc cải thiện thị trường xuất khẩu cần có thời gian.
Về đầu tư FDI cả nước giảm, đầu tư công còn khiêm tốn, tín dụng của hệ thống ngân hàng chậm lại. Theo đồng bà Hồng nguyên nhân do sản xuất kinh doanh khó khăn, không có đầu ra, đơn hàng giảm, thị trường thu hẹp do đó nhu cầu vay vốn giảm. Đối với nhóm này, tháo gỡ khó khăn là tháo gỡ khó khăn đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, chứ không phải là vấn đề tín dụng.
Còn đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, đặc biệt là vốn lưu động, NHNN cũng đã có nhiều kiến nghị, giải pháp từ các chính sách khác để hỗ trợ, từ các quỹ bảo lãnh, để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ảnh: NHNN
Đối với tín dụng tiêu dùng, người dân không vay để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, mà chủ yếu vay mua nhà, ô tô, xe máy… Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, người dân chưa thúc đẩy tín dụng tiêu dùng vào bất động sản.
Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng nêu 70% là vướng mắc về pháp lý, cần tháo gỡ pháp lý, tự khắc tín dụng đối với bất động sản và người mua nhà sẽ trở lại, có điều kiện tăng tín dụng bất động sản. Tín dụng bất động sản có vai trò quan trọng trong ngành kinh tế, vướng mắc này tháo gỡ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn giải quyết được các kiến nghị từ doanh nghiệp và người dân bởi đây là những chủ thể đi vay ngân hàng nhưng cũng gửi tiền vào ngân hàng.
Đến ngày 31/3/2023, dư nợ tín dụng BĐS đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022, (chiếm 21,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,12%. Trong đó, dư nợ BĐS khu vực Đông Nam bộ gần 1,1 triệu tỷ đồng, giảm 1,74% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng BĐS.
Trong thời gian vừa qua, NHNN đã ban hành hai thông tư (Thông tư 02, Thông tư 03) để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp có khó khăn tạm thời, giãn hoãn nợ để giữ nguyên nhóm nợ, để có khoản vay mới.
Riêng khó khăn về tín dụng và lãi suất, NHNN cũng đã chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, TP phối hợp sở, ban ngành địa phương, làm rõ vì sao doanh nghiệp không thể vay vốn được tại ngân hàng.
Về bảo hiểm, theo quy định các tổ chức tín dụng được thực hiện các hoạt động liên quan, vừa qua NHNN cũng đã phối hợp để tiếp cận, làm rõ các vấn đề vướng mắc về bảo hiểm. Tổ chức tín dụng tuyệt đối không được giao chỉ tiêu về bảo hiểm.
“Muốn chuyển đổi số đối với tín dụng, cần phải kết hợp giữa ngành ngân hàng và các ngành khác, các cơ quan có hệ sinh thái số liệu thông tin về doanh nghiệp. Về lâu dài, hướng đến chuyển đổi số, ngoài NHNN, mong bộ ngành địa phương cũng quan tâm. NHNN cũng mong muốn làm sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo chính sách tiền tệ ổn định, an toàn kinh tế vĩ mô”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Gavang.net