Tóm tắt
- EUR/USD tăng nhẹ sau 2 ngày điều chỉnh.
- Phe bán có thể mạnh hơn rất nhiều nếu vùng hỗ trợ 1,0840 không thành công.
- Các số liệu kinh tế Mỹ cần được quan tâm và theo dõi sát sao.
Phân tích
Sau khi giảm trong phiên ngày thứ Tư, cặp EUR/USD vẫn chịu áp lực giảm giá trong phiên Á ngày thứ Năm và chạm mức thấp nhất trong 3 tuần tại 1,0833. Cặp tiền này hồi phục và giữ ổn định trên 1,0850 vào phiên Âu.
Tâm lí né tránh rủi ro ủng hộ đồng USD tăng trong phiên hôm qua và phiên hôm nay. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên tăng lên trên 3,9% sau 4 tháng khiến cho đồng bạc xanh càng có thêm động lực.
Sớm nay, dữ liệu từ Đức cho thấy Đơn đặt hàng của Nhà máy đã tăng 6,4% hàng tháng – vượt xa kì vọng là 1,5% – tạo động lực cho đồng EUR tăng trở lại.
Cuối ngày 6/7, loạt dữ liệu kinh tế Mỹ bao gồm: bảng lương tư nhân ADP tháng 6, Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần và Cơ hội việc làm JOLTS tháng 5 cùng PMI Dịch vụ ISM tháng 6 sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Nếu các số liệu về thị trường lao động yếu đi: đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng và cơ hội việc làm JOLTS giảm mạnh xuống còn 9 triệu, hoặc Chỉ số việc làm của cuộc khảo sát ISM về 45 có thể khiến thị trường đánh giá lại xác suất nâng lãi suất của Fed, hỗ trợ cặp EUR/USD tăng giá.
Phân tích Kỹ thuật EUR/USD
Chỉ báo Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trên biểu đồ 4h duy trì dưới 50 và Đường trung bình động (SMA) 20 tiếp tục dốc xuống, phản ánh xu hướng giảm giá của đồng tiền chung.
Hiện tại, 1,0840 (mức thoái lui Fibonacci 50% của xu hướng tăng mới nhất) đóng vai trò là hỗ trợ gần nhất. Sau đó, vùng 1,0820 (SMA 200) và 1,0800 (mức tâm lý, mức thoái lui Fibonacci 61,8%) là các nền giá phía sau của cặp EUR/USD.
Cặp EUR/USD có khả năng đối mặt với ngưỡng kháng cự đầu tiên tại 1,0870 (mức thoái lui Fibonacci 38,2%) trước khi tiếp cận ngưỡng 1,0900 (đường SMA 50, SMA 100) và 1,0930 (mức thoái lui Fibonacci 23,6%).
Giavang.net