Lạm phát quá cao ở Mỹ, Anh và Khu vực đồng Euro đã dẫn tới việc các Ngân hàng trung ương chạy đua nhau nâng lãi suất. Đây là một thông tin cực kì tiêu cực với những người tích trữ vàng.
Hợp đồng vàng tương lai tiếp tục đan xen các nhịp tăng/giảm vào thứ Năm, dao động ngay trên mức thấp nhất trong 18 tháng là $1618,00.
Nguyên nhân chính khiến vàng rơi tới hơn 400USD từ đỉnh năm 2022 là lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng và đồng Đô la Mỹ mạnh hơn. Không chỉ mỗi lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao gây áp lực lên vàng vào thời điểm này mà lợi suất Trái phiếu toàn cầu cũng đang cao nhất nhiều năm.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đã vượt mức 4% – cao nhất từ năm 2008. Điều này đã khiến đà hồi phục của vàng 2 phiên đầu tuần bị triệt tiêu trong ngày hôm qua 19/10.
Lạm phát không chỉ tăng cao ở Mỹ, tình hình ở phương Tây cũng cực kì khó khăn. Lạm phát ở Anh trong tháng 9 đã tăng lên 10,1%, từ mức 9,9% trong tháng 8.
Quan trọng hơn là, lạm phát cơ bản không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng lên 6,5%, từ 6,3% trong tháng 8. Ngoài ra, lạm phát ở Khu vực đồng Euro vào tháng 9 ở mức 9,9%, so với 9,1% trong tháng 8.
Vào lúc 07:21 GMT, hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex đang giao dịch $1634,70, tăng 0,50USD hay 0,03%. Vào thứ Tư, SPDR Gold Shares ETF (GLD) chốt phiên ở 151,72USD, giảm 2,03USD hoặc -1,32%.
Lợi suất Trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng cao đang làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng – tài sản không sinh lợi. Lợi suất trái phiếu chính phủ đang tăng lên giữa các quốc gia, khu vực, dẫn đến việc lãi suất buộc phải tăng nhằm kiềm chế lạm phát.
Giá lương thực tăng vọt đẩy lạm phát ở Anh trở lại mức cao nhất trong 40 năm
Giá lương thực tăng mạnh nhất kể từ năm 1980 đã đẩy lạm phát của Anh trở lại mức hai con số vào tháng trước, so với mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 7, một áp lực rất lớn đối với các hộ gia đình đang vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.
Đồng Bảng Anh giảm sau tin tức này, thúc đẩy đồng Đô la Mỹ. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn ngắn, vốn nhạy cảm với những thay đổi về kỳ vọng lãi suất, đã tăng mạnh trong đầu phiên 19/10. Các nhà đầu tư vàng không hề mong đợi lợi suất cao hơn.
Tin tức này cũng có thể gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh trong việc đẩy mạnh chiến dịch tăng lãi suất vào tháng tới dựa trên dữ liệu hôm thứ Tư, tiếp tục giáng lên vàng những đòn chí mạng.
Lạm phát Khu vực đồng Euro gia tăng tạo áp lực buộc ECB phải hành động quyết liệt
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng thêm 75 điểm cơ bản nữa đối với lãi suất tiền gửi và tái cấp vốn khi họ họp vào ngày 27/10. Họ sẽ buộc phải kiềm chế khi lạm phát đang cao gấp 5 lần mục tiêu.
Giống như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, lạm phát ở Khu vực đồng Euro đã tăng vọt do giá năng lượng tăng vọt và các chuỗi cung ứng vẫn đang dần dần nối lại sau đại dịch coronavirus nhưng lại bị cuộc tấn công của Nga vào Ukraine làm ảnh hưởng. Vì thế, lạm phát toàn cầu mới cao và dai dẳng đến thế.
Triển vọng ngắn hạn
Lạm phát quá cao ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Châu Âu nên Ngân hàng trung ương cần phải tăng nhanh lãi suất. Các điều kiện kinh tế có thể xấu đi nhanh chóng nếu lạm phát tiếp tục tăng, vì vậy các ngân hàng trung ương lớn phải hành động nhanh chóng. Điều này sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá vàng.
Vàng có khả năng tiếp tục giảm giá miễn là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm vẫn trên 4,0%. Việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm về dưới 4% có thể kích hoạt một đợt tăng giá ngắn hạn.
Giavang.net