Thị trường vàng vừa trải qua 7 tháng giảm liên tiếp. Đây là chuỗi giảm hàng tháng dài nhất của vàng trong hơn 50 năm qua và khiến tất cả nhà đầu tư gan lì nhất cũng phải hoảng sợ. Đáng buồn hơn là vàng vẫn còn phải đối diện với những khó khăn phía trước khi Cục Dự trữ Liên bang sắp công bố đợt tăng 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp.
Trong tháng 10 vừa qua, giá vàng giao ngay giảm 1,4% – đây là tháng thứ bảy liên tiếp giá vàng đi xuống, một điều chưa từng thấy kể từ 1968. Từ đầu năm tới nay, giá vàng giảm khoảng 10%. Kể từ cuối tháng 3, vàng đã giảm hơn 15%.
Hồi tháng 3/2022, giá vàng vượt ngưỡng 2000USD một cách cực kì dễ dàng sau tin Nga tấn công xâm lược Ukraine. Thế nhưng, xu hướng đi lên của vàng rất ngắn ngủi và kể từ đó quý kim không có được một đợt tăng giá bền vững nào. Vàng chủ yếu đi trong xu hướng giảm bởi đồng đô la Mỹ chinh phục đỉnh 20 năm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao nhất nhiều năm.
Trong khi nhiều người tiếp tục tranh luận về sự xoay trục trong chính sách tiền tệ của Fed hoặc ít nhất là khả năng giảm tốc độ trong vài tháng tới, Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 1, 2/11. Đây là lần thứ tư Fed nâng lãi suất với biên độ lớn như vậy.
Theo nhận định mới nhất từ Goldman Sachs, ngân hàng dự báo Fed tăng lãi suất lên 5%, cao hơn ước tính trước đó của ngân hàng trung ương Mỹ. Tại cuộc họp lần trước, dự báo của Fed cho thấy lãi suất tang lên 4,4% trong năm nay và chạm ngưỡng 4,6% trong năm tới.
Sau cuộc họp tuần này, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 375 điểm cơ bản trong năm 2022, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75% -4%.
Goldman ước tính Fed sẽ tang lãi suất 75 bps (điểm cơ bản) trong tuần này, 50 bps vào tháng 12 và hai lần 25 bps trong tháng 2 và tháng 3. Ngân hàng đầu tư nhấn mạnh lạm phát tại Mỹ ‘cao đến mức khó chịu’, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và lo lắng về việc nới lỏng sớm là những lý do chính khiến Fed có thể tiếp tục thắt chặt chính sách sau tháng 2.
Đồng thời, Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh dự báo kinh tế theo hướng tăng trưởng chậm lại, nguy cơ suy thoái đang gia tăng. Tuần trước, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon và Giám đốc điều hành Goldman Sachs, David Solomon, cho biết rất có thể xảy ra suy thoái ở Mỹ và Châu Âu.
Solomon nói trong cuộc thảo luận tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở Riyadh:
Chúng ta có thể sẽ phải thấy suy thoái ở Hoa Kỳ và, theo tôi, rất có thể là suy thoái ở Châu Âu. Không có nghi ngờ gì nữa, với các điều kiện kinh tế hiện tại, theo quan điểm của tôi, các Ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt một cách có ý nghĩa từ đây.
Chỉ còn chưa đầy 48 tiếng nữa thông báo chính sách của Fed sẽ được đưa ra. Câu hỏi chính là liệu ngân hàng trung ương có giảm tốc độ nâng lãi suất sau cuộc họp tháng 11 hay không. Việc chuyển sang tốc độ tăng lãi suất chậm hơn sẽ có lợi cho vàng, đó là lý do tại sao một số nhà phân tích đang bắt đầu lạc quan hơn đối với kim loại quý này.
Nhà môi giới hàng hóa cao cấp Daniel Pavilonis của RJO Futures nói với Kitco News:
Fed sẽ lùi lại việc tăng lãi suất quá mạnh. Vàng không được định giá quá cao bằng đô la. Nếu chúng ta thấy đồng đô la giảm giá, vàng có thể làm rất tốt.
Vì Fed đã rất nhanh chóng và quyết liệt tăng lãi suất, họ có thể sẵn sàng đón nhận những rủi ro trong nền kinh tế và xác định xem nền kinh tế hạ cánh ở đâu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn cực kì thận trọng, hoài nghi rằng các thị trường đánh giá quá cao sự xoay trục của Fed. Win Thin, người đứng đầu mảng Chiến lược tiền tệ toàn cầu của BBH, chia sẻ góc nhìn về chính sách của Fed ngày mai:
Cuộc họp báo của Chủ tịch Powell sẽ được theo dõi chặt chẽ, nhưng chúng tôi hy vọng ông Powell sẽ duy trì giọng điệu diều hâu tương đối nhất quán kể từ Hội nghị Jackson Hole vào cuối tháng 8. Chúng tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ cung cấp cho thị trường những gì họ đang tìm kiếm, đó là một tin không vui cho tất cả chúng ta.
Giám đốc thị trường toàn cầu của ING, Chris Turner, cho biết thêm.
Chúng tôi cảm thấy còn quá sớm để để nói rằng đà đi lên của USD đã hết. Xét cho cùng, trên thực tế, thị trường đã định giá sự xoay trục dần (định giá Fed tăng 75bp trong tuần này và tăng 50bp vào tháng 12) và chúng tôi nghi ngờ rằng thị trường đang đánh giá thấp khả năng Fed nâng lãi suất 75bp lần thứ năm liên tục.
Năm nay, lạm phát cao liên tục kết hợp với sức mạnh đồng đô la tiếp tục tăng dẫn đến dòng tiền tháo chạy khỏi các ETF vàng cực kì mạnh mẽ. Theo Suki Cooper, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu kim loại quý tại Standard Chartered, dòng vốn chảy ra khỏi các ETF đã được cân bằng phần nào nhờ nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường vật chất.
Trong thời gian còn lại của năm, Cooper lo ngại dòng vốn tiếp tục ra khỏi các ETF vàng toàn cầu, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kim loại quý. Năm tới, Standard Chartered kì vọng các ETF trở lại mua nhưng không kì vọng lượng mua quá lớn. Bà nói trong hội thảo tuần trước rằng:
Bước ngoặt chỉ xảy ra khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ. Sức mạnh của đồng đô la có thể sẽ tiếp tục tồn tại trong vài tháng tới và đừng quá mong đợi vàng sẽ làm tốt.
Kết luận
Sau 7 tháng giảm liên tục, bất kì nhà đầu tư nào cũng đều cảm thấy chán nản với vàng. Tuy nhiên, chỉ cần Fed bắt đầu ngụ ý về việc bắt đầu chậm lại quá trình nâng lãi suất, giá vàng sẽ không còn giảm và khi thị trường tích lũy đủ, phe mua vàng sẽ chiếm ưu thế vì lo ngại suy thoái sẽ xuất hiện. Điều mà chúng ta cần là kiên nhẫn chờ đợi, theo sát các hành động của Ngân hang trung ương Mỹ và các Ngân hàng trung ương toàn cầu khác.
Nhu cầu vàng cuối năm tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng hỗ trợ vàng trong tháng 11 và 12, điều này xoa dịu sự sụt giảm trong nhu cầu đầu tư của các quỹ tín thác.
Theo đó, Triển vọng giá vàng tháng 11 kì vọng sẽ thấy được ‘’ánh sáng cuối đường hầm’’ nhờ vào những tín hiệu đầu tiên từ Chủ tịch Powell sau cuộc họp ngày mai và lực cầu từ các thị trường trọng điểm.
Đối với thị trường vàng trong nước, triển vọng giá vàng SJC theo đánh giá của giavang.net là khá ổn định. Vàng tại thị trường Việt Nam vẫn là một lựa chọn khá an toàn cho nhà đầu tư trong ngắn hạn khi chứng khoán, trái phiếu đang không đem lại lợi nhuận.
Giavang.net