Tóm tắt
- Chỉ số CPI Mỹ tháng 10 được dự báo giảm xuống 8% YoY.
- Nếu CPI phù hợp hoặc thấp hơn dự báo, USD dễ rơi về hỗ trợ.
- CPI cao hơn dự báo, điều tồi tệ gì sẽ xảy ra?
Phân tích
Lạm phát Mỹ, được đo bằng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), dự kiến sẽ giảm xuống 8% trong tháng 10 từ mức 8,2% trong tháng 9. Chỉ số CPI cốt lõi hàng năm, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, được dự báo sẽ giảm xuống 6,5% từ mức 6,6%.
Để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng, chúng ta cần theo dõi về giá ô tô đã qua sử dụng ở Mỹ vì nó chiếm tỷ trọng không nhỏ (9% trong giỏ tính CPI). Từ giữa năm 2021, giá xe đã qua sử dụng tăng rất mạnh khiến lạm phát Mỹ tăng nhanh. Tuy nhiên, tin vui là dữ liệu do Manheim công bố hồi đầu tháng cho thấy giá xe đã qua sử dụng đã giảm 2,2% trong tháng 10, và giảm tới 10,6% so với cùng kì năm ngoái. Điều này ngụ ý khả năng CPI Mỹ tháng 10 giảm.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến lạm phát và lạm phát lõi tăng nhanh là chi phí nhà ở (chiếm 33% giỏ tính CPI) thì không khả quan như vậy. Chi phí nhà tiếp tục tăng ổn định và theo đó chúng ta khó kì vọng lạm phát chung và lạm phát lõi giảm sâu trong tháng 10.
Vì thế, việc dự báo CPI tháng 10 vẫn còn rất khó khăn và thậm chí kết quả công bố có thể khiến thị trường bất ngờ.
Lạm phát Mỹ tác động thế nào tới thị trường
Từ thứ Sáu tuần trước, đồng USD gần như mất đi hoàn toàn động lực tăng giá dù có nền tảng tăng tốt là báo cáo việc làm tháng 10. Và dù các quan chức Fed vẫn khẳng định sẽ tiếp tục quá trình nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát nhưng USD vẫn bị bán khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác như EUR, GBP.
Sau cuộc họp tháng 11, Chủ tịch FOMC Jerome Powel đã tái khẳng định lập trường thắt chặt tích cực của Ngân hàng trung ương nhằm kiểm soát lạm phát cao dai dẳng. Đồng thời, ông Powell mong đợi dự báo lãi suất cuối kỳ sẽ được sửa đổi cao hơn trong Bản tóm tắt các dự báo kinh tế vào tháng 12. Ông Powell cũng nhấn mạnh rằng khi lãi suất chạm mức cao cuối chu kì, lãi suất sẽ được giữ nguyên thêm một thời gian nữa.
Thứ Sáu tuần trước, thị trường khá bất ngờ khi NFP tháng 11 đạt 261 nghìn việc làm, bỏ xa dự báo là 200 nghìn của các chuyên gia. Tuy nhiên, nhà đầu tư chú ý hơn tới lạm phát tiền lương hàng năm giảm từ 5% xuống 4,7% và đây là nguyên nhân đẩy đồng USD đi xuống.
Nhìn chung, diễn biến thị trường hiện tại cho thấy giới đầu tư sẽ còn tiếp tục xa lánh đồng USD nếu lạm phát tháng 10 như kì vọng hoặc thấp hơn kì vọng. Điều này thể hiện qua Công cụ FedWatch của CME Group: xác suất FOMC tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 12 hiện ở mức 54,4%.
Nếu lạm phát lõi bằng hoặc dưới 6,5%, cơ hội Fed nâng lãi suất với biên độ nhỏ hơn trong tháng 12 tăng lên. Kịch bản này sẽ hỗ trợ rất tốt cho chứng khoán, tài sản rủi ro, vàng và gây áp lực bán lớn tới đồng USD.
Ngược lại, nếu lạm phát lõi trên 6,5% và lạm phát chung trên 8% (hàng năm), giới đầu tư buộc phải chấp nhận rằng lạm phát tại Mỹ nóng dai dẳng và Fed sẽ tiếp tục diều hâu trong cuộc đua nâng lãi suất. Trong kịch bản này, USD được hưởng lợi trong khi Vàng, Chứng khoán sẽ chịu áp lực điều chỉnh lớn sau đà tăng gần đây.
Triển vọng kỹ thuật của chỉ số DXY
Sau khi chọc thủng đường xu hướng tăng dần từ giữa tháng 8 vào cuối tháng 10 từ trên xuống, chỉ số US Dollar Index đã không thể hồi phục trở lại. Chỉ báo Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) trên biểu đồ hàng ngày vẫn ở dưới mức 50 khẳng định xu hướng giảm ngắn hạn.
Hiện chỉ số DXY vẫn nằm trên trung bình động 100 ngày (hiện ở 109,5) cho thấy xu hướng tăng trung hạn vẫn được duy trì.
Nếu chỉ số DXY đóng phiên dưới 109,50, nó rất dễ về 108,50 (mức thoái lui Fibonacci 61,8%) và 107,70 (mức thấp ngày 13/9).
Đối với kịch bản tăng, chỉ số DXY có kháng cự tạm thời tại 110,70 (mức thoái lui Fibonacci 38,2%) sau đó là 111,40 (giao điểm của SMA 20 ngày và 50 ngày) và 112,00 (mức thoái lui Fibonacci 23,6%, mức tâm lý).
Giavang.net