VIP Chuyên sâu: Tháng 1: Thần Tài gõ cửa, Lạm phát Mỹ hạ nhiệt sâu giúp Vàng tăng phi mã

Sau khi thiết lập vùng đáy $1620 vào tháng 11 năm ngoái, giá vàng thế giới đã bất ngờ tăng phi mã trong 2 tháng cuối năm 2022. Đà tăng chưa dừng lại tại đó, vàng đã bứt phá hơn 300USD từ đáy để chạm đỉnh 9 tháng vào cuối tháng 1 năm nay.

Cùng xu hướng với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đi lên và tiếp cận các mức cao mới. Đáng chú ý, lực cầu vàng còn được hỗ trợ rất tốt bởi ngày Vía Thần Tài hàng năm (mùng 10 Tháng Giêng Âm Lịch)

Thị trường vàng thế giới tháng 1: Tăng nhanh, giảm từ tốn

Giá vàng thế giới khởi đầu năm 2023 ở vùng $1820 và đang giao dịch quanh vùng $1915. Như vậy, giá vàng đã tăng khoảng 95USD trong tháng 1, tương đương bước tăng 5%. Hôm 26/1, vàng chạm đỉnh tháng tại $1949 và thiết lập 6 tuần tăng liên tục – mạch tăng dài nhất kể từ mùa hè năm 2020.

(Diễn biến giá vàng – DXY – Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ. Nguồn Tradingview)

Nhìn chung, xu hướng tăng của vàng được hỗ trợ bởi đà giảm của USD và lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm. Việc các số liệu kinh tế Mỹ được công bố mới đây đều ủng hộ Fed giảm biên độ nâng lãi suất trong cuộc họp ngày mai 01/02 và cuộc họp tháng 3 là nguyên nhân chính khiến cho vàng tăng còn Đô la giảm. Trọng tâm điều hành chính sách giai đoạn hiện tại của Fed là kiểm soát lạm phát dường như đã ghi nhận những kết quả hết sức tích cực.

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021, hạ nhiệt từ mức 7,1% trong tháng 11 và thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 9,1% vào tháng 6/2022. Trong khi đó, CPI cốt lõi – loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động – tăng 5,7%, giảm từ mức tăng 6% hồi tháng 11. Theo Wall Street Journal, các số liệu này có khả năng giúp Fed đi đúng hướng trong việc tăng lãi suất cơ bản chậm lại, xuống mức 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp kết thúc vào ngày 1/2.


Diễn biến CPI (đường màu đen) và CPI lõi (đường màu xanh) của Mỹ. Nguồn: Bloomberg

“Báo cáo CPI tháng 12 là một tin tốt đáng hoan nghênh sau một đợt lạm phát rất tồi tệ”, Bill Adams, Nhà kinh tế trưởng tại Comerica Bank, đánh giá.

Đồng thời, số liệu PCE – dữ liệu lạm phát ưa thích của Fed cũng hỗ trợ vàng.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 12 năm ngoái, sau khi tăng cùng mức trong tháng 11. Đồng thời, chỉ số giá PCE tháng 12 chỉ tăng 5,0% so với cùng kì năm ngoái, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 9/2021, giảm so mức tăng hàng năm 5,5% trong tháng 11 và mức tăng hàng năm gần 7% vào tháng 6 năm 202/22.

Chỉ số PCE lõi (không tính giá các mặt hàng năng lượng và thực phẩm) trong tháng 12 tăng 0,3%, sau khi tăng 0,2% trong tháng 11. Nếu so với cùng kì năm 2021, chỉ số PCE lõi của Mỹ đã tăng 4,4% trong tháng 12, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021, giảm so với mức tăng 4,7% trong tháng 11 và mức cao gần đây là 5,2% trong tháng 9.

Các quan chức Fed mới đây cũng đánh giá khá tích cực về xu hướng giảm của lam phát. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng lạm phát còn cao hơn nhiều mục tiêu 2% của Fed và điều này khiến áp lực chốt lời vàng xuất hiện trong các phiên giao dịch cuối tháng.

Ngày mai 01/02, Fed sẽ công bố quyết định lãi suất đầu tiên của năm 2023. Thị trường gần như 99% dự báo Fed chỉ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản nên điều mà họ quan tâm là những gì Chủ tịch Powell nói tại cuộc họp báo. Nếu Chủ tịch Fed đánh giá cao sự suy giảm của lạm phát và ngụ ý có thể sớm dừng tăng lãi suất thì giá vàng sẽ bật mạnh trở lại.

Ngược lại, nếu ông Powell khẳng định còn phải hành động thêm nữa và cam kết giữ lãi suất ở mức cao, không hạ lãi suất trong năm 2023 thì vàng dễ bị điều chỉnh giảm sâu hơn nữa.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho rằng thị trường đang quá tin tưởng Fed sắp hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi lạm phát xuất hiện theo hệ thống, Fed có thể báo hiệu rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa. Moya cảnh báo:

Fed đang bám sát biểu đồ dấu chấm đó là các đợt tăng lãi suất 25 bps, 25 bps và 25 bps.

Về nhu cầu đầu tư vàng, sau loạt thông tin về việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục gom hơn 60 tấn vàng trong 2 tháng cuối năm, dòng vốn đầu tư đang có xu hướng trở lại vàng.

Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã không còn bán ròng vàng trong 1. Kết phiên giao dịch ngày 30/12, lượng vàng nắm giữ của quỹ là 917,64 tấn và tới cuối phiên 30/1 thì lượng nắm giữ của quỹ là 917,05 tấn. Lượng vàng nắm giữ chỉ giảm 0,6 tấn – thấp hơn rất nhiều so với xu hướng bán ròng các tháng trong năm 2022.

Sự tăng giá của vàng trong tháng 1 song hành với sự lạc quan trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhìn chung, cả cổ phiếu và vàng đều đang đặt cược vào một nền kinh tế Mỹ có ít rủi ro rơi vào suy thoái và Fed cũng không cần nâng lãi suất quá cao trong tương lai. Theo số liệu mới công bố, GDP Mỹ quý IV năm 2022 tăng trưởng 2,9% – cao hơn dự báo là 2,8%.

Vàng tăng song hành cùng chứng khoán Mỹ

(Diễn biến giá vàng – S&P 500 tăng trưởng theo % trong tháng 1. Nguồn Tradingview)

Vàng trong nước: Thần Tài gõ cửa, người người xếp hàng mua vàng

Tháng 1 này, giá vàng trong nước đi theo xu hướng tăng của giá vàng thế giới và nhu cầu tăng đột biến dịp Thần tài. Trước Tết, một số người đã rục rịch đặt vàng để lấy đúng dịp Thần Tài 31/1 (ngày Mùng 10 Âm lịch). Xu hướng giá vàng nhìn chung là tăng vào ngày 26, 27/1 và chững lại giảm từ chiều hôm qua.

(Biểu đồ diễn biến giá vàng SJC tháng 1. Nguồn Vip.giavang.net)

Vàng SJC khởi động năm 2023 ở mức 65,65 – 66,65 (triệu đồng/lượng: mua vào – bán ra) và hiện đóng phiên 31/1 tại 66,10 – 67,10 (triệu đồng/lượng: mua vào – bán ra). Như vậy, trong tháng 1, giá vàng SJC chỉ tăng 450 nghìn mỗi lượng.

Đà tăng giá diễn ra rõ rệt hơn ở mảng vàng nhẫn, với giá vàng nhẫn BTMC ngày 1/1 ở mức 53,19 – 54,04 (triệu đồng/lượng: mua vào – bán ra). Tới chốt phiên hôm nay 31/1, giá vàng nhẫn BTMC ở mức 54,25 – 55,65 (triệu đồng/lượng: mua vào – bán ra). Như vậy, giá vàng đã tăng 1,06 triệu đồng chiều mau và tăng 1,61 triệu đồng/lượng chiều bán. Việc giá vàng bán ra tăng nhiều hơn giá vàng mua vào là điều tương đối dễ hiểu. Những năm gần đây, vào dịp Thần Tài, các doanh nghiệp đều có xu hướng giãn rộng giá mua – bán. Tuy nhiên, điều này hầu như không ảnh hưởng nhiều tới lực mua vàng.

(Biểu đồ diễn biến giá vàng nhẫn BTMC tháng 1. Nguồn Vip.giavang.net)

Cũng từ diễn biến của vàng nhẫn và vàng SJC, chúng tôi đánh giá dư địa tăng của vàng nhẫn trong thời gian tới còn khá tốt vì vàng thế giới đang được hỗ trợ rất mạnh. Đối với vàng SJC, chênh lệch (đã bao gồm thuế phí) đã hạ nhiệt từ khoảng 15 triệu xuống còn 12 triệu. Nếu lựa chọn đầu tư, nhà đầu tư có thể lựa chọn vàng nhẫn vì bám sát hơn với giá vàng thế giới.

Trong sáng nay, theo ghi nhận của Giavang.net, người mua vàng xếp hàng dài từ rất sớm tại các cửa hàng vàng. Nắm bắt được điều này, các cửa hàng kinh doanh vàng nhiều năm qua đã phục vụ ghế ngồi sẵn cho người dân, chuẩn bị các sản phẩm vàng chiêu tài lộc và áp dụng cả các hình thức giao hàng tận nơi hay đặt hàng trước, lấy hàng đúng ngày Thần Tài. Với công nghệ 4.0, phương thức thanh toán đa dạng nên hoạt động giao dịch vàng sôi động nhưng cũng không quá chen lấn và mọi người hầu như ai cũng hoan hỉ vì mua được vàng dịp này.

Dưới đây là một số ảnh mà các đối tác chia sẻ với chúng tôi.

Giavang.net tổng hợp

Read Previous

VIP Tin 24/7: Vàng trong nước tiếp tục ‘hạ nhiệt’ cuối ngày vía Thần Tài khi vàng thế giới rớt mốc 55 triệu đồng

Read Next

VIP Tin 24/7: Nasdaq có tháng 1 tốt nhất từ năm 2021, Vàng tăng 3 tháng liên tục lên sát $1950

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular