Tóm tắt
- Vàng giảm nhẹ trong sáng thứ Hai 3/7 và thu hẹp đà hồi phục từ đáy 3,5 tháng.
- Đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất làm tăng lực cầu USD.
- Lo ngại suy thoái kinh tế có thể hạn chế đà giảm của vàng (XAU/USD) trước khi Mỹ công bố loạt dữ liệu quan trọng.
Phân tích
Thị trường vàng khởi động tuần mới bằng đà giảm nhẹ. Tuần trước, giá vàng đã từng rớt về khu vực $1893- $1892, thấp nhất kể từ giữa tháng 3, vào hôm thứ Năm nhưng nhanh chóng bật lên và đóng phiên trên ngưỡng $1900. Vàng (XAU/USD) hiện giao dịch quanh khu vực $1916- $1917, giảm gần 0,20% trong ngày.
USD nhích nhẹ khiến vàng suy yếu
Hôm thứ Sáu tuần trước, đồng USD giảm mạnh sau tin Chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 giảm tốc xuống 3,8% hàng năm từ mức 4,3% của tháng 4. Bên cạnh đó, Chỉ số giá PCE lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã giảm xuống 4,6% từ mức 4,7% trong tháng 4. Tuy nhiên, về cơ bản mức lạm phát này vẫn cao hơn nhiều mục tiêu 2% của Fed. Theo đó, nhà đầu tư vẫn cần chuẩn bị tâm lí cho việc Fed tiếp tục nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát.
Các ngân hàng trung ương đồng lòng thắt chặt tiền tệ – vàng gặp khó
Hiện tại, xác suất tới 85% Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp chính sách tiếp theo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang vào ngày 25-26 tháng 7. Hơn nữa, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhắc lại vào tuần trước rằng chi phí đi vay vẫn có thể cần tăng tới 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Bình luận của ông Powell đã hỗ trợ tích cực cho USD và Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ và gây áp lực cho vàng.
Trong khi đó, các Ngân hàng trung ương như ECB và BOE cũng thể hiện quyết tâm tiếp tục nâng lãi suất, khiến cho nhu cầu vàng – tài sản không mang lại bất kì một khoản lãi nào gặp khó khăn.
Lo ngại khủng hoảng kinh tế có thể hạn chế đà giảm của vàng
Tuy nhiên, một trong những điều tràn ngập thị trường bây giờ chính là lo ngại suy thoái kinh tế, đặc biệt là ở Trung Quốc. Tâm lí này giúp cho vàng không bị bán quá mạnh bởi vàng là một tài sản trú ẩn an toàn.
Theo số liệu mới công bố, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc tháng 6 đạt 50,5 – tốt hơn một chút so với dự kiến là 50,2, mặc dù đánh dấu sự chậm lại so với mức 50,9 của tháng trước.
Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư cần chú ý dữ liệu chỉ số PMI Mỹ
- Chỉ số quản lí thu mua PMI sản xuất tháng 6 được dự báo ở mức 46,3 – tương tự mức của tháng 5.
- Chỉ số PMI sản xuất của ISM tháng 6 được dự báo là 47,2 – cao hơn mức 46,9 của tháng 5.
Nếu các dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo, USD sẽ tiếp tục xu hướng tăng và vàng chịu áp lực. Ngược lại, nếu PMI thấp hơn, xu hướng hồi phục của vàng sẽ được mở rộng.
Triển vọng kĩ thuật
Từ góc độ kỹ thuật, theo chúng tôi, bất kì xu hướng giảm nào của vàng cũng sẽ chậm lại tại vùng tâm lí $1900, sau đó bị lực mua hấp thụ quanh khu vực $1893- $1892.
Nếu vàng thủng vùng đáy 3,5 tháng, hãy chuẩn bị tâm lí cho việc vàng đẩy nhanh đà giảm về Đường trung bình động (SMA) 200 ngày rất quan trọng, hiện ở $1859.
Đối với kịch bản tăng, kháng cự tức thì của thị trường nằm ở $1922. Sau đó, vàng sẽ khó khăn trong vùng $1936. Ngay phía trên, trung bình động SMA 100 ngày tại $1942 sẽ thử thách phe mua.
Trong trường hợp lực tăng giá đủ mạnh, vàng vượt SMA 100 ngày thì thị trường có thể phục hồi lên vùng cản $1962- $1964 và tốt hơn nữa là $1970- $1972.
Kịch bản lạc quan nhất hiện tại là vàng lấy lại mốc tâm lí $2000 để kiểm tra mức kháng cự $2010-$2012.
Kết luận
Nhà đầu tư cần bám sát diễn biến của đồng USD, Lợi suất và các số liệu kinh tế quan trọng như PMI để đánh giá triển vọng chính sách của Fed.
- Các vùng hỗ trợ cần lưu ý: $1900 – $1892 – $1859.
- Các vùng kháng cự cần xem xét: $1922 – $1936 – $1942 – $1964 – $1972 – $2000 – $2012.
Giavang.net