VIP Chuyên sâu: Vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD đang ‘sụp đổ đáng kinh ngạc’ – Eurizon SLJ Capital

Theo Stephen Jen, Giám đốc điều hành và đồng CIO của Eurizon SLJ Capital, thị trường cần chú ý hơn đến “xu hướng phi đô la hóa” vì vị thế đồng tiền dự trữ của USD đang giảm một cách khó tin…

Việc USD mất đi vị thế tiền tệ dự trữ đã tăng nhanh vào năm ngoái khi đồng bạc xanh được sử dụng để chống lại Moscow như một phần của gói trừng phạt liên quan tới cuộc xâm lược Ukraine. Jen cho biết trong một báo cáo rằng: vào năm 2022, tỷ trọng của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu đã giảm với tốc độ gấp 10 lần trung bình 20 năm qua. Ông làm rõ:

Đồng đô la đã phải chứng kiến sự sụp độ đáng kinh ngạc về thị phần với tư cách là một loại tiền tệ dự trữ trong năm 2022, có lẽ là do Mỹ và phương Tây trừng phạt Nga quá khắc nghiệt. Những hành động đặc biệt của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ chống lại Nga đã khiến các quốc gia có lượng dự trữ lớn, hầu hết đến từ Nam Bán cầu, phải giật mình.

Theo tính toán của Jen, tỷ lệ đồng bạc xanh trong các đồng tiền dự trữ toàn cầu chính thức đã giảm từ 73% năm 2001 xuống còn khoảng 55% vào năm 2021. Và vào năm 2022, nó giảm xuống còn 47% tổng dự trữ toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt phối hợp chống lại Nga là lời cảnh báo sâu sắc tới nhiều quốc gia, thúc đẩy họ tìm kiếm các giải pháp thay thế tiền tệ – cho cả hoạt động dự trữ và thương mại.

Có vẻ khá hợp lý khi suy đoán rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ trạng thái dự trữ của USD vào năm 2022 phản ánh phản ứng hoảng loạn đối với quyền tài sản đang bị đe dọa. Những gì chúng ta chứng kiến vào năm 2022 là một khoảnh khắc được gọi tên ‘cảnh sát toàn cầu’ , theo đó nhiều nhà quản lý dự trữ trên thế giới không đồng tình với cách hành xử của cả Nga và Mỹ.

Ghi chú nói thêm rằng các nhà phân tích không nhận thấy những thay đổi này vì giá trị danh nghĩa của các khoản nắm giữ tại các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tính theo USD và những thay đổi về giá của đồng đô la không được tính đến. Jen viết:

Điều chỉnh cho những thay đổi giá này, đồng đô la, theo tính toán của chúng tôi, đã mất khoảng 11% thị phần kể từ năm 2016 và gấp đôi con số đó kể từ năm 2008.

Jen là một nhà phân tích nổi tiếng, người đã đặt ra lý thuyết “nụ cười của đồng đô la” khi còn ở Morgan Stanley. Tiền đề của lý thuyết là USD hoạt động tốt khi tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ chạy hết tốc lực.

Vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới của đồng đô la Mỹ phụ thuộc vào mức độ phát triển nhanh chóng và thành công của các thị trường tài chính khác. Jen mô tả:

Nếu các thị trường tài chính bên ngoài Hoa Kỳ có thể phát triển mạnh (tăng trưởng về quy mô và ngày càng năng động hơn mà không bị bất ổn), và nếu điều ngược lại xảy ra ở Hoa Kỳ, thì đồng đô la rất có thể bị sụp đổ. Tuy nhiên, đây không phải là một rủi ro sắp xảy ra, theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù các xu hướng đang đi theo hướng đó.

Các nhà phân tích tiếp tục phớt lờ xu hướng phi đô la hóa có phần hơi quá tự mãn. Jen viết:

Nếu Hoa Kỳ phạm nhiều lỗi chính sách hơn và từ bỏ văn hóa tự kiểm điểm, thì có khả năng sẽ đến lúc phần lớn phần còn lại của thế giới sẽ tích cực tránh sử dụng đồng đô la. Mặc dù khu vực Nam bán cầu không thể tránh hoàn toàn việc sử dụng đồng đô la, nhưng phần lớn họ đã không muốn làm như vậy.

Ngày càng có nhiều quốc gia, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, đang ký kết các hiệp định thương mại song phương mà không dùng đồng USD. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, đồng nhân dân tệ là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga. Điều này xảy ra vào tháng 2/2023 sau khi đồng nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đồng đô la về khối lượng giao dịch hàng tháng.

Trung Quốc gần đây đã hoàn thành giao dịch LNG thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đầu tiên. Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với Brazil để giao dịch bằng đồng tiền của nước họ.

Đồng thời, Trung Quốc và Malaysia đang thảo luận về việc thành lập Quỹ Tiền tệ Châu Á để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, trong khi Ấn Độ và Malaysia tuyên bố rằng họ từ bỏ giao dịch bằng đô la Mỹ và hiện có thể thanh toán bằng đồng Rupee của Ấn Độ.

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương đã đổ xô mua vàng như một tài sản dự trữ ưu tiên, với số lượng kỷ lục vào năm 2022.

Cựu nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs Jim O’Neill gần đây đã kêu gọi khối BRICS – bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – mở rộng và thách thức sự thống trị của đồng đô la Mỹ.

Và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen trong tuần này đã thừa nhận rằng việc sử dụng các biện pháp trừng phạt có thể đe dọa sự thống trị của đồng đô la.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Vàng nhẫn giằng co tại vùng giá dưới 57 triệu đồng, chênh lệch với vàng thế giới ‘hạ nhiệt’

Read Next

VIP Tin 24/7: Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan nhanh tay bán vàng vào tháng 3 khi giá vượt $2000

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular