Thị trường tài chính đón nhận số liệu lạm phát Mỹ tháng 2 tương đối giống với kì vọng
- Chỉ số CPI lõi tháng 2 tăng 0,5% hàng tháng và tăng 5,5% hàng năm.
- Chỉ số CPI tháng 2 tăng 0,4% hàng tháng và tăng 6% hàng năm.
- Thu nhập thực tế tháng 2 giảm 0,4% sau khi tăng 0,3% trong tháng 1.
Lực mua lan tỏa, phố Wall phục hồi thần tốc
Thị trường chứng khoán Mỹ mở phiên thứ Ba trong sắc xanh khi nhà đầu tư hào hứng bắt đáy cổ phiếu ở vùng chiết khấu thấp. Dù có nhịp chỉnh nhẹ vào cuối phiên nhưng các chỉ số vẫn đóng cửa tăng hơn 1%, chấm dứt chuỗi bán tháo vì tin SVB.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones tăng 336,26 điểm (tương đương 1,06%) lên 32.155,40 điểm, chấm dứt chuỗi 5 phiên lao dốc liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tiến 1,65% lên 3.919,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,14% lên 11.428,15 điểm.
Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF tiến 2%, phục hồi phần nào sau đà lao dốc 12% trong phiên trước đó. Cổ phiếu First Republic Bank bứt phá gần 27% sau khi bốc hơi gần 62% vào ngày 13/3. Cổ phiếu KeyCorp vọt gần 7% trong đợt phục hồi nhẹ sau khi trượt dốc 27%.
Dòng tiền đổ xô bắt đáy, tất cả các nhóm ngành trên S&P 500 đều tăng điểm. Viễn thông là ngành có xu hướng tăng trưởng tốt nhất.
Tỷ giá
Chỉ số DXY biến động lên xuống khá rộng trong ngày 14/03, tuy nhiên đóng phiên quanh tham chiếu. DXY nhích 0,05% lên 103,675.
- Cặp EUR/USD tăng 0,01% lên 1,07326.
- Cặp GBP/USD giảm 0,22% về 1,2154 sau khi tăng liền 4 phiên trước đó.
- Cặp USD/JPY tăng 0,78% lên 134,211 sau khi giảm mạnh 3 phiên liền trước.
Sau 3 phiên giảm không phanh, lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đã tăng 3,36% lên 3,693%.
Dầu thô tiếp tục dò đáy mới
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 2,53 USD (tương đương 3,1%) xuống 78,24 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2,48 USD (tương đương 3,35%) còn 72,32 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 9/12 và là phiên giảm phần trăm mạnh nhất kể từ đầu tháng 1. Ngoài ra, trên phương diện kỹ thuật, giá cả hai loại dầu đều rơi vào trạng thái bán quá mức (oversold) lần đầu tiên trong nhiều tuần trở lại đây.
Giá dầu thô cũng giảm vào ngày thứ Ba trước dữ liệu của Mỹ dự báo các công ty năng lượng đã bổ sung 1,2 triệu thùng vào dự trữ dầu thô trong tuần kết thúc ngày 10/3.
Góp phần hạn chế đà giảm giá dầu, ít nhất vào đầu phiên, là báo cáo định kỳ hàng tháng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ cao hơn trong năm 2023.
Vàng rời đỉnh tháng, lực mua tại vùng $1900 vẫn khá mạnh
Dù thị trường vàng ghi nhận đà giảm trong phiên thứ Ba vì số liệu lạm phát Mỹ khá cao, chúng tôi đánh giá lực mua vẫn mạnh. Kim loại quý bảo vệ vùng $1900 tương đối tốt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,2% xuống $1909,55/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,3% còn $1910,90/oz.
Sau phiên mua gần 12 tấn, SPDR Gold Trust không thực hiện vị thế mua/bán trong phiên giao dịch 14/03.
Kết luận
Yếu tố chính ảnh hưởng tới thị trường tài chính hôm 14/03 là số liệu lạm phát Mỹ. Dù CPI lõi hàng tháng có tăng một chút so với kì vọng, thị trường đánh giá khả năng Fed nâng mạnh lãi suất trong cuộc họp tháng 3 vào tuần sau là không nhiều do rủi ro liên quan tới ngành ngân hàng vẫn còn hiện hữu. Đó cũng là lí do khiến cho vàng và chứng khoán Mỹ đều giao dịch tương đối tích cực trong ngày thứ Ba.
Hiện tại, USD và lợi suất đều có nhịp hồi phục, các vị thế mua vàng có thể tận dụng vùng giá cao để chốt lời và nhà đầu tư cần tránh mua đuổi khi thị trường có xuất hiện hưng phấn.
Giavang.net tổng hợp