ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 30/06
- Châu Âu: CPI lõi tăng 0,3% hàng tháng và tăng 5,4% hàng năm – thấp hơn dự báo là 0,7% và 5,5% tương ứng.
- Châu Âu: CPI hàng tháng tăng 0,3% (cao hơn dự báo là 0%) và tăng 5,5% hàng năm (thấp hơn dự báo là 5,6%).
- Châu Âu: Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 giữ nguyên ở mức 6,5%.
- Mỹ: Chỉ số giá PCE lõi tháng 5 tăng 0,3% hàng tháng và tăng 4,6% hàng năm (thấp hơn dự báo là 4,7%).
- Mỹ: Chỉ số giá PCE tháng 5 tăng 0,1% hàng tháng và tăng 3,8% hàng năm – thấp hơn dự báo tương ứng là 0,5% và 4,6% tương ứng.
- Mỹ: Chi tiêu cá nhân tháng 5 tăng 0,1% – thấp hơn dự báo là 0,2%.
- Mỹ: Thu nhập cá nhân tháng 5 tăng 0,4% hàng tháng – cao hơn dự báo là 0,3%.
Phố Wall kết thúc nửa đầu năm tốt nhất trong nhiều thập kỉ
Các chỉ số chuẩn chứng khoán Mỹ mở phiên cuối tuần trong sắc xanh và trạng thái thị trường đi lên duy trì trong suốt cả ngày với sự hưng phấn lớn.
Cụ thể, chốt phiên 30/06, chỉ số Dow Jones tăng 285,18 điểm (tương đương 0,84%) lên 34.407,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,23% lên 4.450,38 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,45% lên 13.787,92 điểm.
Những cổ phiếu công nghệ tạo nên phần lớn đà tăng trưởng của thị trường nửa đầu năm 2023 diễn biến rất tích cực trong ngày 30/6. Tiêu biểu là cổ phiếu Nvidia, nhà sản xuất chip bán dẫn phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đã tăng 3,6%. Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Nvida 189%.
Meta (Facebook), Microsoft và Amazon ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 1,9%, 1,6% và 1,9%. Cổ phiếu Apple đã tăng 2,3%, giúp công ty này chốt phiên với mức vốn hóa trên 3.000 tỷ USD. Apple đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới cán mốc vốn hóa trên.
Cả 11/11 nhóm ngành S&P 500 đều đóng phiên trong sắc xanh, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ.
Tuần này, ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cũng đạt kết quả tích cực và tăng hơn 2%.
Trong tháng 6, chỉ số S&P 500 đã tăng 6,5%, xác nhận tháng tốt nhất kể từ tháng 10/2022. Nasdaq Composite đi lên 6,6%. Cả hai chỉ số đều ghi nhận tháng đi lên thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 4,6%, đánh dấu kết quả tốt nhất kể từ tháng 11/2022.
Trong quý II, S&P 500 đã đi lên 8,3%, là quý tích cực thứ ba liên tiếp, cũng như có mức tăng lớn nhất kể từ quý IV/2021. Nasdaq Composite tăng 12,8% còn Dow Jones nhích thêm 3,4% trong quý thắng lợi thứ ba.
Từ đầu năm đến nay, S&P 500 tăng 15,9% – kết quả tốt nhất kể từ 2019. Nasdaq Composite nhảy vọt thêm 31,7%, ghi nhận nửa đầu năm tốt nhất kể từ 1983. Chỉ số Dow Jones có mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 3,8%.
Tỷ giá
Đóng phiên 30/06, Chỉ số DXY giảm 0,42% về ngưỡng 102,921. Theo tuần, chỉ số tăng 0,05% nhưng vẫn giảm 1,25% trong tháng 6. Theo quý chỉ số tăng 0,32% nhưng giảm 0,55% từ đầu năm 2023 tới nay.
- Cặp EUR/USD hồi phục 0,43% chạm ngưỡng 1,09097, thiết lập tuần tăng 0,17% và tháng tăng 2,07%. Cặp tỷ giá tăng 0,62% trong quý II. Từ đầu năm 2023, đồng EUR tiến 1,97%.
- Cặp GBP/USD tăng mạnh 0,64% sau đợt điều chỉnh, giao dịch tại 1,26930 nhưng vẫn giảm 0,17% theo tuần. Đồng bảng tăng 2,05% trong tháng 6, tăng 2,95% trong quý II và vọt 5,02% từ đầu năm 2023.
- Cặp USD/JPY giảm 0,31% đóng phiên ở 144,280 – chấm dứt mạch tăng 7 phiên liên tục trước đó. Theo tuần, cặp tỷ giá tăng 0,4% và xác nhận tháng 6 tiến 3,55%. Trong quý II, cặp tỷ giá vọt 8,7% và tăng 10,05% từ đầu năm 2023.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm chốt phiên thứ Sáu tại 3,843% (+0,03% trong ngày). Theo tuần, tháng, quý, nửa năm, lợi suất tăng tương ứng 2,84% – 5,4% – 10,72% – 0,95%.
Đà hồi phục của giá dầu khá nhỏ bé so với xu hướng giảm thời gian qua
Giá dầu tăng, song có quý giảm thứ tư liên tiếp, do các nhà đầu tư lo ngại hoạt động kinh tế toàn cầu chậm lại có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Đóng cửa phiên 30/06, hợp đồng dầu Brent tiến 56 xu (tương đương 0.8%) lên 74.90 USD/thùng. Trong 3 tháng tính đến hết tháng 6/2023, hợp đồng này đã giảm 6%.
Hợp đồng dầu WTI cộng 78 xu (tương đương 1,1%) lên 70,64 USD/thùng. Hợp đồng này đã giảm 2 quý liên tiếp, sụt 6,5% trong 3 tháng qua.
Giá dầu chịu áp lực giảm từ việc tăng lãi suất tại các nền kinh tế lớn, cùng với hoạt động sản xuất và tiêu thụ của Trung Quốc hồi phục chậm hơn so với dự kiến.
Tuy nhiên, các dấu hiệu hoạt động kinh tế của Mỹ tăng mạnh và tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm đã hỗ trợ giá dầu.
Ngoài ra, thị trường cũng được hỗ trợ bởi sự điều chỉnh tăng nhu cầu dầu thô và các sản phẩm tinh chế tại Mỹ. Nhu cầu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ trong tháng 4/2023 giảm xuống 20,446 triệu thùng/ngày, song vẫn tăng mạnh theo mùa, EIA cho biết. Giá dầu cũng được hỗ trợ từ kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia thêm hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023, cùng với thỏa thuận của OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024.
Vàng hồi phục mạnh nhờ tin PCE
Giá vàng đã giảm 2,5% trong quý này, sụt sâu từ mức ngay dưới mức cao nhất mọi thời đại là $2072/oz vào tháng 5/2023 do lo ngại về tình hình ngành ngân hàng tại Mỹ, đã xuống dưới mốc $1900/oz vào ngày thứ Năm (29/06).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,5% lên $1917,94/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,6% lên $1929,40/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục bán ra 2,6 tấn vàng trong ngày thứ Sáu. Lượng vàng nắm giữ của quỹ giảm còn 921,9 tấn.
Kết luận
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, quý II và nửa đầu năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng của hầu hết các tài sản đầu tư nhờ vào tin tức lạm phát của Mỹ hạ nhiệt. Chỉ số PCE thấp hơn dự báo, Chi tiêu cá nhân Mỹ giảm trong khi Thu nhập người dân tăng đã cho thấy tiềm năng lạm phát tại Mỹ đi xuống. Các số liệu về lạm phát châu Âu cũng vẽ nên bức tranh tương tự như vậy. Theo đó, nỗi lo sợ về việc các Ngân hàng trung ương hàng đầu nâng lãi suất cực kì mạnh mẽ trong nửa cuối năm đã giảm dần dù trước đó tại Diễn đàn ECB các nhà lãnh đạo đã dùng khá nhiều ngôn từ thể hiện ý chí quyết tâm kìm hãm lạm phát.
Mặc dù vậy, vàng – dầu cũng vẫn có quý giao dịch khá tệ khi nhà đầu tư rời bỏ các tài sản nhạy cảm với lợi suất. Sang tuần đầu tháng 7, số liệu bảng lương phi nông nghiệp Mỹ sẽ là tâm điểm chú ý. Đây cũng sẽ là thông tin có tầm ảnh hưởng tới quyết định của Fed trong tháng 7.
Giavang.net