Tóm tắt
- Giảm 100-150.000 đồng/lượng, SJC kéo giá bán lùi về mức 67-67,1 triệu đồng.
- Vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại mốc 56,65 triệu đồng/lượng.
- Chênh lệch giữa hai thị trường giảm mạnh 600.000 đồng.
- Lạm phát giúp vàng phát huy tác dụng của “kênh trú ẩn”.
- Lạm phát cũng khiến các NHTW tăng lãi suất – bất lợi cho vàng.
Nội dung
Cập nhật lúc 13h, ngày 4/4, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với giá mở cửa.
Hệ thống Phú Quý, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,50 – 67,05 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và 150.000 đồng/lượng chiều bán so với thời điểm mở cửa.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,40 – 67,00 triệu đồng/lượng, giá mua và bán cùng giảm 150.000 đồng/lượng so với mở cửa sáng nay.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,50 – 67,00 triệu đồng/lượng, mua vào giảm 150.000 đồng/lượng, bán ra giảm 180.000 đồng/lượng so với giờ mở cửa.
Biểu đồ giá vàng BTMC 1 tuần. Nguồn: Giavang.net tổng hợp
Thị trường thế giới
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.978,5 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.480 VND/USD) vàng thế giới đứng tại mốc 56,65 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 10,4 triệu đồng. Cùng thời điểm hôm qua, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 55,95 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 11 triệu đồng.
Đồng USD suy yếu đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng do vàng được định giá bằng đồng bạc xanh. Ngoài ra, động thái cắt giảm sản lượng dầu bất ngờ của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, đã làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát cao dai dẳng, cũng có lợi cho giá vàng vì vàng là tài sản chống lạm phát hàng đầu.
Tuy nhiên, nếu lạm phát cao kéo dài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt – một điều không có lợi cho giá vàng vì vàng là tài sản không mang lãi suất. Giới phân tích cho rằng triển vọng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn sẽ gây áp lực mất giá lên vàng trong thời gian tới.
Nhưng mặt khác, cuộc khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế cũng có thể khiến Fed buộc phải xoay trục sớm. Có thể nói rằng những yếu tố trái chiều đang khiến cho bức tranh chính sách tiền tệ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Chúng ta liên tục bị ảnh hưởng bởi các sự kiện lớn ở đây và điều đó khiến nhà đầu tư lo lắng”, đề cập đến việc bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu có thể đẩy giá vàng tăng gần 8% trong tháng trước.
Ông Moya nói thêm: “Quyết định gây sốc của OPEC+ thực sự thúc đẩy kênh phòng ngừa lạm phát là vàng. Trong khi vàng phải vật lộn để đạt được vị thế truyền thống như một công cụ phòng ngừa lạm phát do lãi suất tăng cao để làm giảm làm phát cũng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại không đem lại lợi suất, việc cắt giảm bất ngờ của OPEC+ vào ngày thứ Hai cũng khiến đồng USD suy yếu”.
Giavang.net