Tóm tắt
- Vàng thế giới duy trì gần mốc 1.710 USD sau khi tăng vọt do đồng USD suy yếu.
- SJC hiện vẫn tăng khá mạnh, nhưng so với đầu giờ sáng giao dịch đã giảm khoảng 100.000 đồng.
- Chênh lệch giữa hai thị trường giảm mạnh 900.000 đồng, xuống còn 16,2 triệu đồng.
Nội Dung
Cập nhật lúc 12h30, ngày 9/11, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 66,40 – 67,42 triệu đồng/lượng, mua vào và bán ra tăng 200.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên 8/11.
Tại BTMC, giá mua tăng 240.000 đồng/lượng, giá bán tăng 370.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giao dịch mua – bán niêm yết ở mốc 66,40 – 67,40 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC trên hệ thống Phú Quý, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,40 – 67,40 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua và 350.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Vàng DOJI trên thị trường Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,40 – 67,40 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với giá chốt chiều qua.
Thị trường thế giới
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.708,7 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (24.872 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 51,24 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 16,2 triệu đồng, giảm 900.000 đồng so với cùng thời điểm hôm qua. Phiên hôm qua, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại mốc 50,08 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên Mỹ ngày thứ Ba, giá vàng thế giới tăng 2,2% lên ngưỡng 1.711,9 USD/ounce – mức cao nhất kể từ ngày 7/10/2022, nhờ tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm.
“Vàng đã vượt mức 1.680 USD/ounce và sau đó là 1.700 USD/ounce và việc phá vỡ các mức kỹ thuật đó có thể tạo ra thêm sự thúc đẩy”, chuyên gia phân tích Craig Erlam của Oanda cho biết.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,5%, xuống mức thấp nhất trong 2 tuần. Hiện chỉ số này dao động quanh mốc 109,6 điểm, từ mức 110,3 điểm vào sáng hôm qua.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm nhẹ, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 4,14%.
Thị trường đang hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Giới phân tích dự báo lạm phát lõi ở Mỹ giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái, với các con số tương ứng là 0,5% và 6,5%. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, cơ hội tăng giá của vàng sẽ rộng hơn. Ngược lại, một báo cáo “nóng” hơn dự báo sẽ đặt ra thách thức lớn đối với giá vàng.
“Nếu lạm phát tiếp tục dịu đi, đó sẽ là tin tốt cho thị trường, vì Fed có thể sẽ giảm độ quyết liệt trong thắt chặt chính sách tiền tệ”, chuyên gia David Meger của High Ridge Futures phát biểu.
Nhà đầu tư nhận định khả năng 67% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12, và khả năng 33% nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Mặc dù vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang chờ kết quả cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ, với hy vọng Đảng Cộng hoà sẽ giành quyền kiểm soát ít nhất một viện. Kết quả như vậy có thể có lợi cho giá vàng vì chi tiêu công của Mỹ có thể hạn chế, qua đó giảm bớt sức ép lạm phát trong nền kinh tế, mở đường cho Fed bớt cứng rắn trong chính sách tiền tệ.
Giavang.net