Tóm tắt
- Cuối tuần suy yếu, vàng thế giới vẫn tăng hơn 2% trong tuần này.
- Vàng nhẫn 9999 tiếp đà tăng tốc sau quý I “rực rỡ”.
- SJC lấy lại đà tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp nhưng chưa tạo được ấn tượng.
- Diễn biến của SJC đã kéo mức chênh lệch với vàng thế giới giảm mạnh.
- Chênh lệch giữa SJC và nhẫn 9999 cũng thu hẹp đáng kể.
- Nhiều yếu tố ủng hộ, dự báo giá vàng sẽ còn tăng mạnh.
Nội dung
Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần đứng ở ngưỡng 2.006,4 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (23.480 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 57,45 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn SJC 9,6 triệu đồng và cao hơn vàng nhẫn 900.000 đồng. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,46 triệu đồng/lượng (với tỷ giá USD giao dịch ở mức 23.520 VND/USD).
Mặc dù quay đầu giảm vào hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần, trước khi Mỹ công bố báo cáo việc làm quan trọng, song giá vàng vẫn tăng hơn 2% trong tuần này, vượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce, khi giá dầu tăng vọt sau thông báo cắt giảm sản lượng gây sốc của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, trong khi dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ suy giảm và có ít vị trí tuyển dụng hơn.
Đáng chú ý, phiên 5/4, giá vàng thế giới chạm mức cao nhất trong một năm lên ngưỡng gần 2.030 USD/ounce, khi các số liệu kinh tế yếu đi của Mỹ thúc đẩy đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ôn hòa hơn về chính sách tăng lãi suất.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp tại chuyên trang về giao dịch kim loại quý Kitco Metals, cho biết các số liệu kinh tế kém lạc quan gần đây đã khiến thị trường e ngại rủi ro trở lại. Diễn biến đó có lợi cho những tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Paul Wong, chiến lược gia thị trường tại công ty tư vấn tài chính Sprott, nhận định: “Fed đang gặp khó khăn, vì lãi suất cao hơn có thể gây ra suy thoái kinh tế nhưng việc tạm dừng thắt chặt tiền tệ có nguy cơ thúc đẩy lạm phát. Cả 2 kịch bản đều tích cực đối với vàng.”
Một yếu tố khác hỗ trợ cho giá vàng trong tuần này là tỷ giá đồng USD dao động ở mức thấp nhất 2 tháng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống đáy 7 tháng. Chỉ số Dollar Index kết thúc phiên thứ Năm (6/4) ở mức 101,8 điểm, đã giảm gần 1,6% từ đầu năm.
Đêm qua – rạng sáng nay, thị trường quốc tế đón nhận thêm thông tin báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ. Theo đó, tháng 3 nền kinh tế Mỹ tạo thêm 236.000 việc làm mới, thấp hơn mức trung bình 3 tháng qua là 334.000 việc làm, thấp hơn mức dự báo trước đó là 239.000 việc làm mới và thấp hơn nhiều mức của tháng 2 là 311.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức 3,5%, thấp hơn mức 3,6% của tháng trước.
Dự báo của chuyên gia, thị trường lao động tháng 3 tại Mỹ đang giảm mạnh so với tháng 2 và tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ đang bị thu hẹp dần.
Những thông tin kể trên đang là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá vàng trong tuần tới, khi thị trường quốc tế giao dịch trở lại sau Lễ Phục sinh.
Trước những diễn biến tích cực của giá vàng thế giới, thị trường vàng trong nước cũng đồng loạt tăng giá trong tuần này.
Cụ thể, cuối ngày 8/4, giá vàng miếng SJC tại công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 66,40 – 67,10 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và 200.000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần (3/4).
Diễn biến của giá vàng SJC – biểu đồ 1 tuần. Nguồn: Vip.giavang.net
Sau 2 tuần giảm liên tiếp, SJC đã lấy lại đà tăng trong tuần này theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên với mức tăng khá khiêm tốn, SJC có chiều hướng thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới, từ mức 10,1 triệu đồng cuối tuần trước xuống 9,6 triệu đồng cuối tuần này.
Chênh lệch mua – bán của SJC hiện ở mức 700.000 đồng. So với cuối tuần trước không thay đổi nhưng tăng so với mức 600.000 đồng phổ biến trong tuần này.
Dù đã lấy lại đà tăng nhưng nhìn chung diễn biến của SJC trong tuần này vẫn khá ảm đạm khi giao dịch chỉ trồi sụt với biên độ hẹp gần mốc 67 triệu đồng/lượng (giá bán) do sức mua bán trên thị trường trầm lắng, thiếu sôi động.
Bật tăng mạnh hơn, vàng nhẫn SJC 9999 cuối ngày 8/4 giao dịch ở mức 55,55 – 56,55 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần (3/4).
Diễn biến của giá vàng nhẫn 9999 – biểu đồ 1 tuần. Nguồn: Vip.giavang.net
Tiếp tục chứng tỏ là một mặt hàng đáng để đầu tư, giá vàng nhẫn tiếp đà tăng mạnh sau khi đã “tỏa sáng rực rỡ” trong quý I vừa qua. Tuy nhiên, điểm yếu của kim loại quý này là chênh lệch mua – bán khá cao. Nếu chênh lệch mua – bán chỉ ở mức 600-700.000 đồng/lượng như SJC thì nhà đầu tư đã gần như có lãi nếu nắm giữ vàng nhẫn trong tuần này.
Nhưng hãy nhìn lại quý I và tháng 3 vừa qua, cũng với chênh lệch mua – bán ngưỡng 1 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn vẫn đem lại mức lợi nhuận tương đối tốt cho nhà đầu tư.
Quay lại với diễn biến của giá vàng nhẫn trong tuần này. Với mức tăng lên tới gần 1 triệu đồng/lượng, nhưng vàng nhẫn vẫn bị giá vàng thế giới “bỏ rơi” với khoảng cách gần 1 triệu đồng. Cuối tuần trước, vàng nhẫn chỉ thấp hơn vàng thế giới dưới 500.000 đồng, nhưng đà tăng mạnh hơn của vàng thế giới trong tuần này đã đẩy mức chênh lên tới 900.000 đồng ở thời điểm hiện tại.
Mặt khác, vàng nhẫn lại giảm mạnh mức chênh với SJC từ 11 triệu đồng cuối tuần trước, xuống 10,6 triệu đồng cuối tuần này. Chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn tương đương với cuối tuần trước – ở ngưỡng 1 triệu đồng.
Dự báo giá vàng
Ngân hàng UBS dự báo giá vàng sẽ vượt qua mức cao nhất mọi thời đại và đạt 2.200 USD/ounce vào cuối tháng 3/2024.
Ricardo Evangelista, nhà phân tích cao cấp tại ActivTrades cho biết, USD sẽ tiếp tục suy yếu. Giá vàng có thể tăng vượt 2.069 USD/ounce, mức đỉnh năm 2020.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đánh giá, thị trường vàng tiếp tục được thúc đẩy bởi nhu cầu của ngân hàng trung ương khi các quốc gia tiếp tục bổ sung kho dự trữ vàng trong tháng 2/2023.
Theo WGC, dự trữ vàng toàn cầu đã tăng 52 tấn trong tháng 2, tháng tăng thứ 11 liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương đạt 125 tấn.
Giavang.net