VIP Tin 24/7: Tuần 5-10/9/2022: Nhẫn 9999 ảm đạm quanh mốc 52 triệu đồng, SJC hai lần lên mốc 67 triệu đồng nhưng cuối cùng vẫn không giữ được thành quả

Tóm tắt

  • Vàng thế giới tăng trở lại sau ba tuần giảm liên tiếp khi đồng USD suy yếu.
  • SJC cả tuần tăng 300.000 đồng, nhưng lại không giữ được mốc 67 triệu đồng.
  • Vàng nhẫn 9999 cùng chiều nhưng với nhịp tăng khá khiêm tốn.

Nội dung

Vàng miếng SJC

Lúc 17h ngày 10/9, thương hiệu SJC niêm yết giá vàng miếng tại mốc 66,15 – 66,95 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng giá mua và bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (5/9).

Bảo Tín Minh Châu, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 66,20 – 66,89 triệu đồng/lượng, mua vào tăng 300.000 đồng/lượng, bán ra tăng 250.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần (5/9).

Biến động giá vàng miếng SJC tại BTMC – biểu đồ 1 tuần. Nguồn: Giavang.net tổng hợp

Dù không giữ được mốc 67 triệu đồng nhưng giá vàng SJC vẫn có một tuần khởi sắc với mức tăng. Thêm vào đó, chênh lệch giữa hai chiều mua – bán cũng có dấu hiệu tích cực khi giảm về ngưỡng 800.000 đồng, từ mức 1 triệu đồng cuối tuần trước.

Trong tuần này, giá vàng SJC đã có hai lần chinh phục thành công mốc 67 triệu đồng là trong phiên sáng ngày 8/9 và phiên chiều 9/9, nhưng cuối cùng lại không giữ được thành quả và chốt tuần đứng tại mốc 66,15 – 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới giữ ở mức 17,9 triệu đồng, tương đương với cuối tuần trước.

Vàng Nhẫn 9999

Cùng thời điểm trên, vàng nhẫn 9999 tại thương hiệu SJC, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 51,05 – 51,95 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với giá mở cửa phiên đầu tuần (5/9).

Cùng diễn biến tích cực với vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn cũng ghi nhận xu hướng tăng trong tuần này. Tuy nhiên, với biên độ tăng hẹp hơn, vàng nhẫn đã đẩy chênh lệch giữa hai mặt hàng kim loại quý này tăng lên 15 triệu đồng, từ mức 14,8 triệu đồng cuối tuần trước.

Vàng nhẫn trong tuần này khá ảm đạm khi giao dịch chỉ biến động ở quanh mốc 52 triệu đồng/lượng (giá bán). Biên độ chênh lệch giữa chiều mua và chiều bán vẫn duy trì ở mức 900.000 đồng. Chênh lệch với giá vàng thế giới “hạ nhiệt” với mức giảm 200.000 đồng – xuống 2,9 triệu đồng, từ mức 3,1 triệu đồng cuối tuần trước.

Nhìn chung trong tuần này, cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 đều có xu hướng điều chỉnh theo diễn biếng tăng – giảm của giá vàng thế giới, nên biên độ chênh lệch so với tuần trước dù có biến động nhưng không nhiều.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần (9/9) đứng ở ngưỡng 1.717 USD/ounce, tăng khoảng 4 USD/ounce (tương đương 0,2%) so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.690 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 49,04 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Vàng thế giới ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau ba tuần giảm liên tiếp khi đà tăng “nóng” của đồng USD có dấu hiệu chững lại.

Đầu tuần, giá vàng chịu áp lực giảm mạnh khi đồng USD liên tiếp đạt đỉnh mới kể từ năm 2002 so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác. Chỉ số USD-Index hôm thứ Tư lên gần 111 điểm, trước khi chốt tuần dưới mức 109 điểm trong phiên ngày thứ Sáu – giảm 0,5% so với phiên ngày thứ Năm. Cả tuần, chỉ số này giảm hơn 0,5%, về mức thấp nhất hơn 1 tuần – theo dữ liệu từ trang MarketWatch.

Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới Kitco Metals, nhận xét chỉ số USD giảm đã hỗ trợ thị trường kim loại quý. Đáng chú ý, giá vàng tăng ngay cả khi Thống đốc Fed Christopher Waller ngày 9/9 cho biết ngân hàng trung ương có thể phải tăng lãi suất lên trên 4% nếu lạm phát không ổn định lại trong năm nay.

Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money, lý giải rằng mối đe dọa của một cuộc suy thoái toàn cầu, cũng như cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine đang cung cấp đủ hỗ trợ để giữ giá vàng trên 1.700 USD/ounce, bất chấp sức mạnh của đồng bạc xanh và khả năng có nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong những tháng tới.

Tuy nhiên, thị trường vàng đang chứng kiến hoạt động bán ròng liên tiếp của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng. Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm 1,5 tấn vàng, giảm mức nắm giữ về 966,6 tấn vàng. Tuần này, quỹ đã bán ròng khoảng 8,5 tấn vàng.

Xu hướng bán ròng của các ETF vàng, cộng thêm khối lượng giao dịch trên thị trường vàng giao sau ở Mỹ tiếp tục giảm, có thể là một dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự phục hồi nào của giá vàng cũng khó duy trì – theo nhà phân tích độc lập Ross Norman.

Thị trường đang chờ đợi thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ sẽ được công bố vào tuần sau. Đây là nhân tố quan trọng để thị trường dự đoán đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mạnh hay yếu đi trong thời gian tới.

Ông Ed Moya, chuyên gia phân tích OANDA cho biết, nếu lạm phát giảm thì Fed sẽ không có khả năng đưa lãi suất vượt quá 4% trong năm nay. Nếu điều này thành hiện thực, đồng USD sẽ quay đầu giảm. Điều này có lợi cho vàng.

“Tuy nhiên, nếu lạm phát nóng so với kỳ vọng, vàng sẽ có khả năng bị bán tháo và rơi về mức giá 1.680 USD/ounce”, ông Ed Moya nói.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Vàng Nhẫn 9999: Cuối tuần giảm mạnh, có nơi mất tới 200.000 đồng/lượng

Read Next

VIP Tin 24/7: Vàng có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần, Phố Wall bứt phá ấn tượng cùng giá dầu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular