Tóm tắt
- Vàng ổn định quanh mức $1950.
- Biến động của quý kim và thị trường tài chính dự kiến sẽ trở lại.
- Các vấn đề lạm phát, tăng trưởng và căng thẳng tài chính sẽ định hình thị trường Vàng.
Phân tích
Trong phiên giao dịch thứ Ba, giá vàng duy trì sát ngưỡng $1950. Hôm qua, thị trường có lúc giảm hơn 30USD khi lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhanh và nhà đầu tư tìm tới cổ phiếu khi rủi ro ngành ngân hàng được xoa dịu. Trong 7 phiên liên tục vừa qua, giá vàng giao dịch trong phạm vi tăng – giảm trên 1%.
Có thể nói, nhà đầu tư đang trở nên bình tĩnh hơn sau đợt sóng gió vừa qua dù phiên thứ Ba hôm nay cũng có khá nhiều điều phải lưu ý. Đáng kể nhất là bài phát biểu của Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Andrew Bailey và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde. Ngoài ra, dữ liệu Niềm tin của Người tiêu dùng CB Mỹ tháng 3 cũng có tầm ảnh hưởng không nhỏ.
Lĩnh vực ngân hàng dường như không còn chiếm quá nhiều tâm trí nhà đầu tư nữa. Tuy nhiên, chắc chắn cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách về việc nên thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng và rủi ro lây lan trong ngành ngân hàng chắc chắn vẫn được nhà đầu tư quan tâm.
Vàng sẽ hành xử thế nào trong thời gian tới?
Chúng tôi cho rằng biến động trên thị trường tài chính vẫn sẽ khó đoán bởi nhà đầu tư không thể đưa ra kì vọng rõ ràng về triển vọng lãi suất trong thời gian tới. Tất cả các ngân hàng trung ương, đáng chú ý nhất là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), đã từ chối chỉ ra một lộ trình rõ ràng cho chính sách tiền tệ của họ trong các cuộc họp gần đây và thị trường đang cố gắng tìm hiểu điều đó có nghĩa là gì.
Giá vàng phản ứng với kỳ vọng lãi suất
Jeremy de Pessemier, Nhà chiến lược phân bổ tài sản tại Hội đồng vàng thế giới (WGC), đã có ài phân tích tác động của kịch bản mơ hồ này đối với giá vàng được đăng trên trang web của WGC. De Pessemier nói rằng mặc dù “chưa biết” “Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong bao lâu”, nhưng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ “đang chịu rất nhiều áp lực để chống lạm phát” và “tránh lặp lại những năm 1970”.
Tuy nhiên, chiến lược gia của Hội đồng vàng thế giới cũng thừa nhận rằng “việc giảm lạm phát xuống 2% đang gây ra thiệt hại về kinh tế và tài chính”, điều này khiến ông viết rằng “chúng ta có thể sắp đạt đến đỉnh điểm của sự hiếu chiến của ngân hàng trung ương”. Nếu điều này là đúng, giá vàng sẽ được hỗ trợ, “đặc biệt nếu đi kèm với một cuộc suy thoái nhẹ.”
De Pessemier tin rằng việc xác định “mức độ mà cuộc khủng hoảng tuần trước khiến các ngân hàng thắt chặt tín dụng” là “vấn đề then chốt” để xét xem chúng ta sẽ sống trong một thị trường như thế nào.
Phân tích của ông kết luận rằng những diễn biến ngắn hạn về “tăng trưởng và lạm phát” sẽ quyết định động thái tức thời của giá vàng. Dù sao, de Pessemier cũng ủng hộ kịch bản tăng giá dài hạn cho kim loại quý:
Về lâu dài, vàng có vai trò quan trọng như một khoản đầu tư dài hạn chiến lược và là khoản phân bổ chính trong một danh mục đầu tư đa dạng. Mặc dù các nhà đầu tư đã có thể nhận ra phần lớn giá trị của vàng trong giai đoạn thị trường căng thẳng, nhưng các động lực cấu trúc hướng tới một môi trường tăng trưởng thấp, lợi suất thấp cũng sẽ hỗ trợ cho kim loại quý.
Giavang.net