VIP Chuyên sâu: Vàng đã thực sự chạm đáy hay chưa?

Thị trường tài chính toàn cầu quý III chịu ảnh hưởng sâu sắc của lo ngại suy thoái khi các Ngân hàng trung ương lớn đều mạnh tay nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Đồng thời, những rủi ro địa chính trị liên quan tới Nga – Ukraine, Mỹ – Trung về vấn đề Đài Loan đã kích hoạt tình trạng ‘bán mọi thứ’. Chứng khoán, vàng, dầu đã rơi vào trạng thái điều chỉnh khi nhà đầu tư đổ xô tìm nơi trú ẩn bằng đồng USD…

Chứng khoán Mỹ sụt sâu, các chỉ số chính đều vào thị trường gấu

Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một tháng 9 cực kì khó khăn với các chỉ số chính mất tới 10%. Nếu so với đỉnh năm 2022, tất cả các chỉ số chính trên sàn chứng khoán Mỹ đều bước vào thị trường giá xuống.

Áp lực điều chỉnh của chứng khoán Mỹ xuất phát từ việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp và các quan chức Fed khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục dùng các công cụ sẵn có để chiến đấu với lạm phát. Chủ tịch Fed sau cuộc họp FOMC cũng khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phải chịu tổn thất vì lãi suất tăng nhưng nếu không kiểm soát được lạm phát, tình hình còn tệ hơn nhiều.

Dòng tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu và nhóm ngành bất động sản nhiều nhất vì chúng rất nhạy cảm với lãi suất. Các doanh nghiệp Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Fed nâng lãi suất với biên độ lớn quá nhanh.

Tuy nhiên, với sự giảm khá ‘mờ nhạt’ của lãi suất, thị trường lao động thắt chặt, chúng tôi đánh giá khả năng Fed bớt hiếu chiến không nhiều. Chứng khoán Mỹ có nguy cơ đối mặt vơi sự sụt giảm sâu hơn.

Thị trường năng lượng cũng không nằm ngoài xu hướng đi xuống

Thị trường năng lượng tháng 9 ghi nhận nhiều phiên giảm mạnh khi triển vọng nhu cầu ảm đạm. Thêm vào đó, việc nâng lãi suất của Fed rất cao khiến cho đồng USD tăng giá cũng làm tổn hại tới dầu.

Những thông tin về bão và khả năng OPEC+ giảm sản lượng đã hỗ trợ giá dầu trong một vài phiên, tuy nhiên lực bán dầu chiếm chủ đạo và thị trường mất 8% trong tháng 9.

Vàng không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh

Trước áp lực cực kì lớn của USD và lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ, giá vàng đã thiết lập tháng giảm thứ sáu liên tục. Đây là diễn biến tiêu cực nhất của thị trường trong hơn 4 năm qua.

Vàng mất hơn 3% trong tháng 9.

Trong tháng này, giá vàng chịu áp lực cực lớn từ xu hướng nâng lãi suất siêu khủng của các Ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương Thụy Điển bất ngờ nâng lãi suất 100 điểm cơ bản, ECB nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, BOE nâng lãi suất 50 điểm, Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản. Quan trọng hơn là tất cả các ngân hàng trung ương đều khẳng định họ sẽ còn làm nhiều hơn nữa để kiểm soát lạm phát. Các quan chức Fed đã nâng dự báo mức trần lãi suất lên khoảng 4,6% và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Đồng thời, Fed cũng khẳng định nền kinh tế sẽ chịu tổn hại vì lãi suất tăng và nếu không kiểm soát lạm phát thì mọi thứ còn tệ hơn nhiều.

Vàng mất 8% trong quý III

Trong những ngày cuối tháng 9, vàng được hỗ trợ bởi hai thông tin: BOJ can thiệp thị trường ngoại hối nhằm chặn đà giảm của đồng Yên và Ngân hàng trung ương Anh mua lại tài sản. Động thái của BOE cho thấy họ có xu hướng nới lỏng tiền tệ, một hành động đi ngược lại những gì mà họ đang nỗ lực hành động kiểm soát lạm phát. Quyết định của BOE đã chính thức kích hoạt đà tăng của vàng giúp vàng thoát khỏi đáy 2,5 năm qua tại vùng $1610. Dù vẫn giảm trong cả tháng 9, vàng đã có tuần cuối tháng diễn biến cực kì ấn tượng.

Xét về phân tích kĩ thuật, giá vàng vẫn trong xu hướng giảm do nằm dưới hầu hết các đường trung bình động quan trọng. Tuy nhiên, với tín hiệu từ MACD và RSI, vàng vượt $1710 là tín hiệu đầu tiên cho thấy triển vọng giá ngắn hạn đã cải thiện sang tăng.

Chiến lược gia thị trường cấp cao Frank Cholly của RJO Futures đã có chia sẻ với hãng tin Kitco News:

Vào thứ Tư, vàng đã thiết lập một sự đảo chiều quan trọng. Thị trường đã thực hiện một sự đảo chiều mới từ mức thấp và kết thúc phiên bằng cây nến xanh. Thị trường tiếp tục cải thiện trong ngày thứ Năm và thứ Sáu. Nhìn vào biểu đồ vàng, điều này rất tích cực. Chúng tôi đã thay đổi từ góc nhìn tiêu cực trong ngắn hạn sang sideway và giờ đây chúng tôi thấy vàng tăng.

Nếu thị trường có thể quay trở lại trên $1700, xu hướng tăng sẽ được khẳng định và vàng nhiều cơ hội chạy lên $1740, Cholly nói thêm.

Nhìn lại cả tháng 9, dòng tiền liên tục tháo chạy khỏi vàng. Các quỹ tín thác vàng liên tục bán ra kim loại quý là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vàng về đáy 2,5 năm. Điển hình là quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust, quỹ này có lượng vàng nắm giữ ngày 1/10 là 973,37 tấn và lượng vàng nắm giữ tới hết ngày 30/9 là 939,70. Như vậy, quỹ đã bán tới 33,67 tấn trong tháng 9.

Kết luận

Thị trường tài chính vừa kết thúc một quý III không mấy tươi sáng, tuy nhiên, triển vọng thị trường bắt đầu có những điểm sáng nhất định: Vàng ngừng rơi, dầu hồi phục. Tuy nhiên, đánh giá giá vàng chạm đáy hay chưa thì chúng tôi nghĩ là chưa. Vàng còn đang chịu áp lực rất lớn từ các Ngân hàng trung ương đặc biệt là Fed. Nếu các số liệu kinh tế Mỹ tháng 9 như lạm phát và Bảng lương phi nông nghiệp vẫn cao, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất 75 điểm thêm một lần nữa thì nguy cơ vàng kiểm tra lại đáy là khá cao.

Ghi chú

Bài viết sử dụng thông tin từ SPDR Gold Trust, Kgold, biểu đồ tham khảo từ Tradingview.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: SJC giảm 50.000 đồng trong tuần này và 250.000 trong tháng 9 nhưng lại mất hơn 2 triệu đồng trong quý III, vàng dần “mờ nhạt” trong mắt nhà đầu tư?

Read Next

VIP Chuyên sâu: Thị trường ngoại hối chao đảo là tín hiệu đầu tiên cho thấy Fed đã phá hỏng nền kinh tế toàn cầu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular