VIP Tin 24/7: Tuần 10-15/10/2022: Thế giới ‘lao dốc’, SJC tăng mạnh. Diễn biến trái chiều đã đẩy chênh lệch giữa hai thị trường vọt lên ngưỡng 19 triệu đồng

Tóm tắt

  • Vàng thế giới mất 3% – tuần giảm mạnh nhất trong gần 2 tháng.
  • Vàng nhẫn cũng tiêu cực với mức giảm 500.000 đồng/lượng.
  • SJC một mình một kiểu với mức tăng 500.000 đồng/lượng.
  • Chênh lệch giữa SJC và vàng thế giới tăng mạnh 1,5 triệu đồng, lên 18,9 triệu đồng.

Nội dung

Vàng miếng SJC

Chốt phiên cuối tuần (15/10), vàng miếng tại thương hiệu SJC niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 65,90 – 66,90 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với mở cửa phiên đầu tuần (10/10).

Dù giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng SJC vẫn tăng nửa triệu đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần trong khi giá vàng thế giới mất khoảng 3%. Diễn biến này của SJC không còn xa lạ với nhà đầu tư khi mặt hàng kim loại quý này thường xuyên “lệch pha” với giá vàng thế giới.

SJC thường có hướng điều chỉnh theo yếu tố cung – cầu của thị trường trong nước hơn là theo diễn biến của giá vàng thế giới. Cụ thể, khi số lượng người bán ra nhiều hơn người mua vào thì đương nhiên giá sẽ giảm và ngược lại.

Với diễn biến trái chiều nên chênh lệch giữa SJC và giá vàng thế giới tăng mạnh lên 18,9 triệu đồng, từ mức 17,4 triệu đồng cuối tuần trước. Biên độ chênh lệch giữa chiều mua và chiều bán của SJC duy trì ngưỡng 1 triệu đồng, bằng với tuần trước.

Biến động giá vàng SJC – biểu đồ 1 tuần. Nguồn: Vip.giavang.net

Vàng nhẫn 9999

Cùng thời điểm trên, nhẫn trơn 9999 tại SJC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 51,60 – 52,60 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (10/10).

Trái ngược với vàng miếng SJC, vàn nhẫn lại có một tuần tiêu cực, đồng nghĩa với việc giá vàng nhẫn có xu hướng điều chỉnh theo chiều giảm của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, biên độ giảm của vàng nhẫn có phần khiêm tốn hơn nên chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng thế giới cũng tăng khá mạnh từ mức 4,2 triệu đồng cuối tuần trước, lên 4,6 triệu đồng ở thời điểm hiện tại.

Vì ngược chiều với vàng miếng nên chênh lệch giữa hai mặt hàng này cũng tăng mạnh lên 14,3 triệu, từ mức 13,3 triệu đồng cuối tuần trước. Chênh lệch mua vào – bán ra của vàng nhẫn duy trì ngưỡng 1 triệu đồng.

Giá vàng thế giới

Chốt phiên cuối tuần (14/10) giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 1.643,9 USD/ounce, giảm khoảng 3% so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (24.230 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 48,02 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại mốc 49,10 triệu đồng/lượng.

Dữ liệu vào ngày thứ Năm (13/10) cho thấy giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 9, củng cố dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện một đợt nâng lãi suất lớn khác, và do đó đã dẫn đến tuần giảm mạnh nhất của vàng trong gần 2 tháng.

Trong cuộc khảo sát mới nhất, CME FedWatch Tool cho biết có đến 99,7% chuyên gia kinh tế đánh giá Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong tháng 11 tới. Đây là tỉ lệ đồng thuận rất cao so với các đợt khảo sát trước đó.

Ngoài ra, 74% chuyên gia nhận định trong tháng cuối cùng của năm 2022, Fed sẽ nâng lãi suất lên 0,5%. Sau đó, Fed sẽ có một loạt các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn vào tháng 2 và 3-2023.

Edward Moya, chuyên gia phân tích OANDA nhận định: “Lạm phát dường như sẽ trở nên dai dẳng hơn. Thị trường sẽ dần chuyển hướng sang kỳ vọng nhiều hơn vào các kỳ vọng nâng lãi suất của Fed. Điều đó khiến triển vọng của vàng ngày càng tồi tệ”.

Đồng USD tăng giá cũng gây thêm áp lực giảm lên vàng vì vàng được định giá bằng USD. Chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức 113,3 điểm, tăng 0,5% trong tuần này.

Daniel Ghali, Chiến lược gia hàng hoá tại TD Securities, nhận định: “Giá vàng ngày càng tương quan với diễn biến của đồng USD và có thể giảm xuống mức thấp 1.600 USD/ounce”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt trong phiên ngày thứ Sáu, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm vượt mức 4% lần thứ hai chỉ trong vòng 2 ngày, khi nhà đầu tư phản ứng với những kỳ vọng lạm phát cao hơn. Lợi suất trái phiếu tăng cũng là một lý do khiến vàng giảm hấp dẫn, vì kim loại quý cạnh tranh với trái phiếu kho bạc Mỹ ở vai trò kênh đầu tư an toàn.

Giavang.net

Read Previous

VIP Chuyên sâu: Vàng phát đi tín hiệu S.O.S khi Lợi suất 10 năm vượt 4%

Read Next

VIP Chiến lược: DXY hạ nhiệt, vàng bứt lên sau tuần tệ nhất 2 tháng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular