VIP Chuyên đề: NHÌN LẠI THỊ TRƯỜNG VÀNG NĂM 2022: Thăng trầm cùng xu hướng tăng lãi suất, vàng là tài sản tốt thứ hai toàn cầu chỉ sau USD

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Giáng sinh và Tết Dương lịch, thời gian trôi quá nhanh và đây là lúc thích hợp để chúng ta nhìn lại thị trường tài chính toàn cầu, diễn biến giá vàng cũng như bối cảnh thị trường năm 2022.

Nhìn lại diễn biến giá vàng năm 2022

Thị trường vàng năm 2022 có thể được miêu tả theo câu nói: Lên bổng – xuống trầm và hồi phục cực kì ấn tượng.

Diễn biến giá vàng 1 năm qua dựa trên giá đóng cửa thị trường New York. Nguồn Kitco

Sau một thời gian dài gồng mình chống dịch Covid-19, giao thương toàn cầu đã trở lại từ đầu năm 2022 khi nhiều quốc gia mở của nền kinh tế, chấp nhận sống chung với dịch. Hoạt động giao dịch vàng kể cả vàng vật chất và vàng hợp đồng cũng diễn ra sôi nổi hơn đôi chút so với năm 2021. Tuy nhiên, đánh giá chung thì nhu cầu đầu tư vàng chỉ khởi sắc trong những ngày đầu năm và cuối năm, còn trong quý II và quý III thì nhu cầu đầu tư khá hạn chế.

Vàng khởi động năm 2022 quanh vùng giá $1800 và dường như đang chuẩn bị kết thúc năm tại vùng giá này. Tuy rằng nhìn chung lại thì giá vàng không tăng – không giảm, nhưng sự biến động của nó năm 2022 đã khiến không ít nhà đầu tư phải giật mình.

Giá vàng khởi động năm mới với động lực tăng tốt khi các quỹ liên tục gom mua, đồng thời vai trò phòng ngừa lạm phát được khẳng định khi kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát cao vì tiền rẻ được bơm ra ồ ạt sau khủng hoảng Covid -19. Chính Chủ tịch Jerome Powell trong Hội nghị Jackson Hole cuối năm 2021 và các cuộc họp cuối năm vẫn khẳng định lạm phát chỉ là tạm thời và đã phải thay đổi thái độ đó vào hồi tháng 3 năm nay. Trên thực tế, lạm phát tại các nền kinh tế thế giới đã tăng quá cao và chạm đỉnh nhiều thập kỉ qua.

Biểu đồ lạm phát Mỹ từ tháng 1/2020. Nguồn Tradingecnomics

Giá vàng tăng trong quý I năm nay, đặc biệt là bứt phá vào cuối tháng 2 và chạm đỉnh 207x vào tháng 3 khi nhà đầu tư đổ xô tới vàng – tài sản trú ẩn an toàn bởi cuộc chiến của Nga tấn công Ukraine. Cuộc chiến này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc tới địa chính trị toàn cầu mà còn ảnh hưởng tới kinh tế, gián tiếp ảnh hưởng tới giá vàng.

Trong quý I năm 2022, kinh tế thế giới vừa mới nhen nhóm hồi phục sau đại dịch Covid-19 thì lại chịu áp lực quá lớn từ giá dầu tăng cao vì xung đột Nga –Ukraine. Việc các quốc gia phương Tây trừng phạt Nga bằng cách cấm vận dầu khí và phong tỏa tài khoản của Nga tại các nước trên thế giới đã đẩy giá dầu lên cao kỉ lục 150USD, tạo ra xu hướng lạm phát toàn cầu.

Lạm phát tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Anh đã ngấp nghé hoặc chạm mức 2 con số 10%.

Việc lạm phát tăng cao đã khiến các Ngân hàng trung ương toàn cầu bước vào một cuộc chạy đua: cuộc chạy đua nâng lãi suất với tiên phong là Cục dự trữ Liên bang Mỹ.

Fed – Ngân hàng trung ương Mỹ từng là Ngân hàng tiên phong trong xu hướng nới lỏng tiền tệ trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng kinh tế vì Covid-19. Sang năm 2022, Fed cũng chính là Ngân hàng tiên phong trong việc nâng lãi suất. Trong cuộc họp tháng 3, Fed bắt đầu chu kì thắt chặt tiền tệ của mình bằng đợt tăng lãi suất 0,25% và mở đường cho loạt lần tăng lãi suất với biên độ cao và tốc độ kinh ngạc nhất từ năm 1980.

Cũng giống như Fed, các Ngân hàng trung ương toàn cầu lớn như Ngân hàng trung ương châu Âu ECB, Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng Dự trữ Úc, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ… cùng tăng lãi suất siêu khủng. Dưới đây là biểu đồ nâng lãi suất của các Ngân hàng trung ương toàn cầu. Nhà đầu tư có thể thấy là họ đã hiếu chiến đến mức nào, ngoại trừ BOJ – Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Vàng là tài sản không mang lại bất kì khoản lãi nào, vì thế vàng luôn bị mất đi sức hút khi lãi suất tăng cao.

Vì Fed là Ngân hàng trung ương tiên phong trong việc nâng lãi suất, nâng sớm hơn và quyết liệt hơn rất nhiều nên USD đã vượt trội hơn hẳn các đồng tiền khác, kéo theo tài sản định giá bằng đồng USD giảm. Dưới đây là biểu đồ so sánh tương quan của vàng với USD trong năm nay.

So sánh chỉ số DXY đường màu vàng với giá vàng. Nguồn Tradingview.

 Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm được coi là lợi suất chuẩn – tăng rất mạnh nhờ kì vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. Lợi suất tăng cũng khiến vàng mất đi rất nhiều động lực tăng giá vì nó không đem lại bất kì khoản lãi nào.

So sánh giá vàng với lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm. Nguồn Tradingview.

Tuy nhiên, hành động nào của Fed cũng đều mang lại hệ quả tích cực và tiêu cực nhất định. Động thái của Fed đã đẩy lợi suất Trái phiếu kì hạn 2 năm vượt xa lợi suất Trái phiếu kì hạn 10 năm – một dấu hiệu cảnh báo suy thoái rõ nét.

So sánh lợi suất Trái phiếu kì hạn 2 năm (đường màu tím) với lợi suất Trái phiếu kì hạn 10 năm của Mỹ.

Việc Fed nâng lãi suất quá nhanh khiến dòng tiền trở lại với USD, nhà đầu tư bán tháo trái phiếu kì hạn ngắn, đẩy lợi suất tăng cao. Chênh lệch giữa hai lợi suất cao kỉ lục đang cảnh báo suy thoái kinh tế và hỗ trợ vàng như một tài sản trú ẩn.

Sở dĩ Fed có thể tự tin nâng lãi suất một cách quyết liệt là bởi nền kinh tế Mỹ đã có một thị trường lao động đủ tốt trước đó. Nhớ lại, sau đại dịch, Fed đã hạ lãi suất và bơm tiền ra nền kinh tế nhằm khôi phục lại thị trường lao động bị tàn phá nặng nề với thất nghiệp cao chót vót. Sang năm 2022, số lượng việc làm hàng tháng tạo ra trên bảng lương phi nông nghiệp vẫn cao hơn trung bình trước dịch, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỉ lục dưới 4% đã giúp cho Fed có thể tiếp tục mạnh dạn nâng lãi suất tổng cộng 7 lần trong năm: 1 lần 25 điểm, 2 lần 50 điểm và 4 lần 75 điểm.

Biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp Mỹ. Nguồn Tradingecnomics.

Thị trường vàng giảm suốt liên tục 7 tháng – đây là chuỗi giảm tháng tồi tệ nhất của vàng trong 5 thập kỉ qua. Giá vàng xác định mẫu hình đáy kép tại vùng $161x rồi bật lên rất mạnh trong 2 tháng cuối năm 2022. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, giá vàng đã tăng 200USD. Trong tháng 11 – giá vàng tăng 8% gần như lấy lại hầu hết những gì đã mất trong 5 tháng trước đó. Đà tăng của vàng tháng 11 dựa trên nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là bởi lạm phát tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ đạt đỉnh. Lạm phát đạt đỉnh thì nhu cầu tăng lãi suất không còn quá nhiều, theo đó chu kì thắt chặt tiền tệ cũng được dự đoán sẽ không còn kéo dài quá lâu. Biểu đồ cho thấy lạm phát Mỹ đang hạ nhiệt rõ rệt.

Biểu đồ tỷ lệ lạm phát Mỹ. Nguồn Tradingeconomics.

Tại các nền kinh tế lớn khác, lạm phát cũng đã hạ nhiệt, thể hiện qua chỉ số giá sản xuất và số liệu CPI.

Khi lạm phát hạ nhiệt, các Ngân hàng trung ương hàng đầu cũng giảm biên độ nâng lãi suất. Fed, ECB, BOE chỉ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì động thái nâng 75 điểm trước đó. Thái độ có phần ôn hòa này đã giúp vàng bứt phá mạnh mẽ trong những ngày cuối năm.

Tuy nhiên, phải thẳng thắng đối diện với sự thật là vàng vẫn sẽ gặp chông gai khi các Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới là Fed, ECB, BOE… khẳng định vẫn cần tăng thêm lãi suất vì lạm phát giảm nhưng vẫn còn rất cao so với mức mục tiêu. Trong biểu đồ dotplot được đưa ra cuối cuộc họp FOMC ngày 14/12, đỉnh lãi suất của Fed có thể khoảng 5%, nghĩa là Fed còn cần tăng lãi suất thêm vài lần nữa.

Việc giá vàng tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm cũng bởi thông tin các Ngân hàng trung ương gom mạnh vàng. Đặc biệt là Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố tăng dự trữ vàng lần đầu tiên sau nhiều năm im hơi lặng tiếng.

Các Ngân hàng Trung ương đua nhau gom vàng

Theo báo cáo công bố ngày 1/11 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào gần 400 tấn vàng trong quý III/2022, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đưa tổng khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua trong năm nay, tính đến tháng 9/2022, lên mức 673 tấn, cao hơn so với bất cứ năm nào kể từ năm 1967.

WGC cho biết trong quý III, các ngân hàng trung ương mua kỷ lục 399 tấn vàng, trị giá khoảng 20 tỷ USD, góp phần làm tăng nhu cầu với kim loại quý này của toàn cầu.

Tổng cộng nhu cầu vàng của thế giới lên tới 1.181 tấn trong quý III, tăng 28% so với mức 922 tấn vào cùng kỳ năm 2021. Theo WGC, nhu cầu vàng của thế giới kể từ đầu năm đã vượt mức nhu cầu trước đại dịch.

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Qatar và Ấn Độ nằm trong số những ngân hàng đã mua với lượng lớn. Lượng mua vàng miếng và xu vàng cũng tăng vọt ở Thổ Nhĩ Kỳ, lên 46,8 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái, do người dân tăng mua vàng để đề phòng khi lạm phát đang ở mức hơn 83%. Vàng hiện chiếm 2/3 dự trữ của Uzbekistan, chỉ vài tháng sau khi nước này lên kế hoạch giảm lượng vàng dự trữ xuống một nửa. Kazakhstan cũng đang tăng gấp đôi lượng dự trữ.

Tình trạng trên một phần do vàng trở nên hấp dẫn trở lại trong thời kỳ bất ổn và lạm phát cao. Về lâu dài, vàng được coi là nguồn dự trữ giá trị và không phụ thuộc vào bất kỳ nền kinh tế nào trong khi miễn nhiễm với những bất ổn về chính trị và tài chính.

Ngoài ra còn có động cơ khác. Dự trữ vàng là cách để tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Phần lớn dự trữ của Nga đã bị đóng băng kể từ tháng Ba và các ngân hàng nước này hầu như đã bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế bằng USD. Hầu như không có ngân hàng trung ương nào giữ đồng ruble làm dự trữ ngoại tệ.

Đối với những quốc gia có truyền thống làm ăn với Điện Kremlin – từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Turkmenistan- vàng là phương tiện trao đổi thay thế. Nhóm các thị trường mới nổi này nằm trong số đối tượng mua vàng nhiều nhất trong thời gian này. Đây không phải là việc phương Tây có thể can thiệp được.

Sáng 7/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ thông báo rằng họ đã mua 32 tấn vàng trong tháng 11. Theo các báo cáo, ngân hàng trung ương đã mua vàng khi giá ở mức khoảng $1650/oz. Mặc dù thông báo từ ngân hàng trung ương Trung Quốc được đưa ra một cách bất ngờ, nhưng điều này hầu như không gây ngạc nhiên khi nhiều nhà phân tích suy đoán rằng quốc gia này đã tăng lượng dự trữ vàng của mình trong hầu hết năm.

Ngoài việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trước mối nguy lạm phát và các vấn đề địa chính trị, các ngân hàng trung ương thấy đầu tư vàng hiện nay đang là món hời. Nếu so sánh đầu tư vàng so với các tài sản khác trong năm 2022, vàng đem đến hiệu quả đầu tư rõ rệt.

Đầu tư vàng không lỗ, BTC và chứng khoán thì sấp mặt

Dù rằng tính tới thời điểm hiện tại vàng đi ngang so với đầu năm nhưng chắc chắn vàng là một trong những tài sản tốt nhất năm 2022. Năm 2022 có thể là năm của nhà đầu tư giá xuống phe sell đã giành thành quả lớn từ cuối tháng 3, thị trường giá lên suốt 2 năm đại dịch của cổ phiếu, tiền kĩ thuật số đã chấm dứt.

Nhìn vào biểu đồ dưới đây, chúng ta thấy được vàng đi ngang trong khi chỉ số S&P 500 mất tới gần 20% thì Bitcoin đã rơi tự do 66%. Ngoài USD, vàng là tài sản giữ tiền tốt nhất cho nhà đầu tư trong năm nay.

Trên đây chỉ là đại diện xu hướng thị trường chung là chứng khoán, tiền kĩ thuật số. Về cơ bản, thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng tương tự chứng khoán Mỹ. Các công ty bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao nên tình hình kinh doanh không tốt và tiêu dùng chưa thực sự bùng nổ. Với thị trường tiền điện tử, giá các đồng tiền rơi tự do khi dòng tiền chảy ra khỏi các tài sản rủi ro và nhiều công ty, sàn không đủ thanh khoản. Câu chuyện FTX gần đây là một điển hình, cho thấy sự rủi ro trong đầu tư tiền kĩ thuật số.

Đầu tư vàng: Nhu cầu vật chất chịu ảnh hưởng bởi Covid – các quỹ ồ ạt xả vàng vì lãi suất cao

Năm 2022 chứng kiến sự suy giảm của lực cầu vật chất khi hai thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Ấn Độ chịu tác động nhiều của Covid-19. Dịp lễ Tết Nguyên Đán và các ngày lễ tại Trung Quốc năm qua lượng tiêu thụ vàng giảm hẳn khi Chính phủ Trung Quốc vẫn áp dụng nghiêm ngặt zero Covid-19. Những ngày cuối năm 2022, khi Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các quy định chống dịch, không chỉ chứng khoán Trung Quốc tăng mà vàng cũng tăng mạnh. Nhu cầu vàng bị dồn nén suốt 3 năm qua sẽ được thể hiện rõ nét nhất trong đầu năm 2023 khi người dân Trung Quốc mua vàng làm quà biếu tăng, làm vật tích trữ.

Thị trường vàng ETF cũng diễn biến tương tự theo giá vàng, dòng tiền chảy vào vàng khi giá tăng và có xu hướng chảy ra khỏi vàng khi giá giảm kể từ tháng 3 – 10. Biểu đồ dưới đây cho thấy tương quan thị trường vàng cũng như dòng tiền của quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust.

SPDR mua ròng vàng mạnh 60 tấn vàng trong tháng 3 nhưng liên tiếp xả trong các tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11.

Dòng tiền của các quỹ tín thác có một sức ảnh hưởng lớn tới giá vàng. Việc bán của các quỹ đã làm trầm trọng hơn đà giảm của vàng từ tháng 3-10.

Thị trường vàng Việt Nam: Mua tích trữ luôn có lời

Song hành với diễn biến giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng đầu năm và giảm từ cuối tháng 3. Tuy nhiên, biên độ giảm của vàng SJC nhỏ hơn nên chênh lệch giữa hai thị trường rất cao, có lúc tới khoảng 20 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC khởi động năm 2022 tại vùng 60,95 – 61,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) và hiện đang đứng ở khoảng 66,4 -67,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Như vậy, giá vàng đã tăng khoảng hơn 5 triệu đồng trong năm, khoảng 8%.

Thị trường vàng trong nước tạo đỉnh tại vùng giá 74 triệu và giảm dần theo thế giới nhưng lúc nào cũng giữ chênh lệch ở mức rất cao. Nguyên nhân một phần do tỷ giá USD cao khiến giá vàng được neo cao hơn. Đồng thời, vàng cũng được coi là một tài sản trú ẩn trong nước khi chứng khoán, bất động sản tạo đỉnh vào giữa năm và liên tục lao dốc. Có những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới 18 triệu đồng và vấn đề này cũng đã được đưa ra bàn luận tại Quốc Hội nhưng chưa được giải đáp.

Vàng trong nước được duy trì ở vùng giá cao và rất khó giảm sâu vì nhu cầu mua của người dân khá lớn. Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng trong quý III năm 2021 đạt 3,3 tấn và đã tăng vọt lên 12 tấn trong quý III năm nay, tăng 264%. Lực cầu vàng Việt Nam chủ yếu là vàng thỏi và xu vàng đạt 8,5 tấn, số còn lại là vàng trang sức.

 Để đầu tư vàng trong nước, Giavang.net khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn vàng 9999 vì vàng này có độ nhạy giá với thị trường thế giới và có thể lướt sóng kiếm lời do biên độ mua – bán không quá cao như vàng SJC.

Trong những ngày cuối năm, nhu cầu đầu tư vàng ngày càng lớn và giá vàng trong nước cũng không quá biến động bởi trước đó đã cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều. Nếu bạn là nhà đầu tư theo hướng an toàn, có thể lựa chọn vàng khi tình hình bất động sản, chứng khoán gặp nhiều khó khăn và tỷ giá chỉ mới có dấu hiệu hạ nhiệt.

Kết luận

Thị trường vàng thế giới và trong nước vừa trải qua một năm với cực kì nhiều cảm xúc với những biến động bất thường. Dù có lúc tăng mạnh, có lúc giảm sâu nhưng tựu chung lại vàng vẫn là tài sản đáng để đầu tư. Khi kinh tế có xuất hiện những dấu hiệu của suy thoái, khủng hoảng vàng thể hiện mạnh mẽ vai trò là nơi trú ẩn cất giữ giá trị. Việc phân bổ đầu tư một phần danh mục vào vàng trong năm 2022 đã giúp các nhà đầu tư giảm thiệt hạ đáng kể khi các cơn bão đổ bộ vào thị trường tài chính. Năm 2023 sắp đến gần, những bất ổn về địa chính trị và kinh tế cũng vẫn chưa được giải quyết, vì thế nhà đầu tư hãy lựa chọn cho mình một danh mục phù hợp và vàng nên tiếp tục là một phần bảo hiểm của danh mục đó.

              Chúc quý nhà đầu tư có một năm 2023 nhiều thắng lợi.

Read Previous

VIP Tin 24/7: SJC ‘bốc hơi’ gần nửa triệu, chênh lệch với vàng thế giới giảm gần 1 triệu đồng

Read Next

VIP Chiến lược: Dù chỉ 1% cơ hội, phe bán vẫn muốn vàng về $1795 trước tin Niềm tin tiêu dùng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular