VIP Chuyên sâu: Dự báo kết quả FOMC tháng 3: Ông Powell tăng lãi suất nhưng liệu có đủ ‘diều hâu’?

Tóm tắt

  • Các nhà kinh tế không dám chắc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng hay không.
  • Chủ tịch Powell có thể vẫn đồng hành với ECB trong việc nâng lãi suất và truyền đạt sự tự tin rằng nền kinh tế vẫn chịu được mức lãi suất cao.
  • Động thái tăng lãi suất có thể kích hoạt đà tăng tạm thời đối với đồng USD.
  • Biểu đồ chấm của Fed và những lời xoa dịu của Chủ tịch Powell có thể khiến USD mất đi đà tăng ngay sau cuộc họp.

Phân tích

Chúng tôi cho rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đề cập nhưng không quá sâu sắc tới cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, họ vẫn sẽ tăng lãi suất như những gì họ đã nói trước đó. Tuy nhiên, biên độ nâng lãi suất có thể không quá lớn, chỉ 25 điểm và đà tăng của đồng USD sau FOMC tháng 3 có thể không lâu.

Vậy lý do nào khiến Fed cần tăng lãi suất

Truyền tải thông điệp ổn định

Cục Dự trữ Liên bang là ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới và luôn tham gia vào việc điều tiết các ngân hàng trong nước, bên cạnh việc thiết lập chính sách tiền tệ. Họ đã tham gia sâu sắc vào việc tiếp quản của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đối với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Đồng thời, Fed cũng rất nỗ lực để giải cứu First Republic, một ngân hàng khu vực khác. Ngân hàng trung ương Mỹ biết khá rõ những gì đang xảy ra trong các ngân hàng địa phương.

Một mặt, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể khiến các ngân hàng tại Mỹ thắt chặt các điều kiện cho vay, làm dịu nền kinh tế và giảm lạm phát – thực hiện mong muốn của Fed bâ giờ. Điều đó ngụ ý nhu cầu tăng lãi suất với biên độ thấp hơn.

Mặt khác, bằng cách phản ứng với tình trạng hỗn loạn hiện tại bằng việc nâng chi phí đi vay, một số người sẽ nghi ngờ rằng Fed biết điều gì đó mà tất cả chúng ta thì không – càng làm tăng thêm sự khó đoán. Bằng cách tuân theo định hướng trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông sẽ truyền tải một thông điệp về sự tự tin.

Mục tiêu của Fed là ổn định tài chính, vì vậy việc tăng lãi suất sẽ góp phần tạo ra sự ổn định đó bằng thông điệp. Quyết định nâng lãi suất cũng chắc chắn kiểm soát lạm phát, không gây bất ngờ lớn cho thị trường.

Fed đã nới lỏng chính sách thông qua Cửa sổ chiết khấu

Trong vài tuần qua, bảng cân đối kế toán của Fed tăng khoảng 300 tỷ USD. Các ngân hàng thương mại đã khai thác Cửa sổ chiết khấu của Fed và các công cụ khác để đạt được khoản thanh khoản rất cần thiết. Sự mở rộng này trái ngược với quá trình siết chặt bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương bằng cách hạn chế tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn suốt từ năm ngoái.

Bảng cân đối kế toán của Mỹ bất ngờ phình to

Nguồn: FXStreet

Nói cách khác, quy trình thắt chặt của Fed bao gồm việc rút tiền khỏi thị trường và hành động của họ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây đã đảo ngược một số quy trình này. Việc nới lỏng này là một lý do khác để Fed nâng lãi suất nhằm cân bằng chính sách tiền tệ.

Lạm phát vẫn quá cao

Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã và đang khiến thị trường rời bỏ ‘trọng tâm’ của Fed – lạm phát cao dai dẳng. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI cốt lõi) đã tăng tốc trong vài tháng qua, trái ngược với kỳ vọng về việc hạ giá hàng hóa.

Mức tăng CPI cơ bản 0,5% hàng tháng hồi tháng 2 là một số liệu rất đáng lo ngại với Fed.

Nguồn: FxStreet

Trên thị trường lao động, báo cáo gần đây nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương đã hạ nhiệt, tháng 2 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tạo ra các số lượng việc làm mới cao ấn tượng, phản ánh áp lực giá tăng hơn nữa.

Khả năng cao đồng USD sẽ tăng và vàng giảm nhẹ sau quyết định của Fed. Đến khi biểu đồ dấu chấm và phát biểu của ông Powell được đưa ra, chỉ số DXY sẽ có những rung lắc nhất định.

Ngay lúc này, thị trường trái phiếu không định giá đầy đủ mức tăng 25 bps. Một số thành phần trên thị trường đã kêu gọi Fed tạm dừng, trong khi “người trong cuộc” Nick Timiraos, một nhà báo của Wall Street Journal, chỉ nói rằng ngân hàng phải đối mặt với một “quyết định khó khăn”.

Vì thế, chúng tôi cho rằng đồng USD sẽ tăng sau khi Fed tăng lãi suất còn chứng khoán, vàng thì giảm nhẹ. Với cuộc tranh luận sôi nổi “tăng hay không tăng” đang diễn ra, các dự đoán của Fed về tăng trưởng, việc làm, lạm phát và quan trọng nhất – lãi suất, gần như đã bị lãng quên.

Sau phản ứng ban đầu, trọng tâm sẽ chuyển sang dự báo lãi suất. Chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào vào năm 2023 – Fed hầu như khó có thể giảm lãi suất trong năm nay. Bằng cách báo hiệu mức đỉnh lãi suất gần 5,50%, Fed sẽ tiếp tục truyền đi thông điệp về sự tự tin về đường hướng chính sách của họ. Họ có thể chia sẻ kì vọng giảm lãi suất vào năm 2024 và 2025 – nhưng thị trường không nhìn xa đến thế.

Điều có thể xoa dịu nhà đầu tư là cuộc họp báo của ông Powell. Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp của ông sẽ phải bình luận về cuộc khủng hoảng ngân hàng, nói rằng họ đang hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề và sẵn sàng hành động nếu tình hình xấu đi.

Những lời ôn hòa như vậy sẽ xoa dịu và cân bằng nỗi đau đến từ việc tăng lãi suất và chặt đứt kì vọng tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Fed công bố quyết định lãi suất, tuyên bố và biểu đồ dấu chấm vào lúc 18:00 GMT. Chúng tôi kỳ vọng Đô la Mỹ ban đầu sẽ tăng, vàng chứng khoán giảm nhẹ khi tin tăng lãi suất được đưa ra cùng biểu đồ dấu chấm, sau đó USD giảm bớt một số mức tăng của nó để đáp lại những lời lẽ nhẹ nhàng trong tuyên bố.

Và sau đó, lúc 18:30 GMT, Chủ tịch Fed Powell phát biểu.

Chủ tịch Powell: Tập trung vào ổn định tài chính hay giá cả? Thị trường lao động liệu có thể bình yên?

Các ngân hàng trung ương luôn là những vị nghệ sĩ, nói mà không đưa ra cam kết rõ ràng – nói mà như không nói gì. Các nhà đầu tư cần đưa ra quyết định cho mình cho dù Chủ tịch Fed có nói nước đôi hay không.

Chủ tịch Fed sẽ ưu tiên ổn định tài chính hơn ổn định giá cả? Nếu rõ ràng Powell thích các ngân hàng ổn định hơn là chống lạm phát, chứng khoán sẽ tăng và Đô la Mỹ sẽ giảm. Thông điệp vậy rất khó có thể được đưa ra – Fed dường như muốn hành động phục vụ người dân Mỹ chứ không phải ngân hàng.

Nếu chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu, ngay cả khi nó dẫn đến suy thoái, cổ phiếu, vàng sẽ lao dốc và đồng bạc xanh sẽ tăng giá. Một thông điệp rõ ràng như vậy cũng có cơ hội thấp.

Chúng tôi kỳ vọng ông Powell sẽ dành thời gian và sự nhấn mạnh đáng kể cho thị trường lao động – nhiệm vụ chính thức thứ hai của Fed, bên cạnh việc ổn định giá cả. Ông có thể gắn các động thái tiếp theo của ngân hàng với dữ liệu việc làm thay vì chỉ nói về ngân hàng và lạm phát.

Trong một kịch bản như vậy, thị trường sẽ bám vào hy vọng rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách để vực dậy thị trường lao động. Điều đó có nghĩa là cổ phiếu sẽ phục hồi đáng kể hơn và đồng Đô la Mỹ giảm giá đáng kể – bất chấp những hứa hẹn về lãi suất cao hơn trong biểu đồ dấu chấm.

Kết luận

Nhìn chung, thị trường chắc chắn sẽ có rung lắc sau khi Fed đưa ra quyết sách tháng 3. Khả năng cao đồng USD sẽ tăng rồi thu hẹp đà tăng sau tuyên bố của Fed. Vàng theo đó sẽ giảm nhẹ rồi hồi phục.

Tuy nhiên, cần theo dõi cách Fed nói về ngân hàng, việc làm, lạm phát và cả những rủi ro mới.

Quyết định của Fed là một sự kiện phức tạp để giao dịch, với nhiều phản ứng khác nhau trong sự kiện và các phản ứng tiếp theo khi Tokyo và London mở cửa. Hãy giao dịch cẩn thận và giảm đòn bẩy của bạn – đứng ngoài thị trường cũng là một quyết định đúng đắn.

Giavang.net

Read Previous

VIP Chuyên sâu: Vàng tăng – giảm liên tục trước quyết sách tháng 3 của Fed

Read Next

VIP Tin 24/7: Vàng tăng vọt 40USD; Dầu thô lên đỉnh 1 tuần sau quyết sách của Fed; Phố Wall rơi mạnh về cuối phiên

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular