VIP Chuyên sâu: Dự báo PMI Dịch vụ ISM và ADP tối nay: Tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tích cực?

Tóm tắt

  • Thị trường dự báo bảng lương tư nhân ADP đạt +200 nghìn việc làm.
  • PMI Dịch vụ ISM của Hoa Kỳ ước tính sẽ giảm nhẹ xuống 54,5 trong tháng 3.
  • Số liệu nếu sát dự báo phản ánh một thị trường lao động thắt chặt và hoạt động dịch vụ mở rộng.

Phân tích

Trong phiên giao dịch hôm nay 05/4, nhà đầu tư sẽ đón nhận hai thông tin quan trọng, bao gồm Thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP tháng 3 vào lúc 12:15 GMT. Sau đó, 14:00 GMT, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) sẽ công bố báo cáo PMI Dịch vụ tháng 3.

Dữ liệu Bảng lương tư nhân ADP

Nguồn ADP.

Nhiều khả năng Bảng lương tư nhân ADP tháng 3 cho thấy tăng trưởng việc làm tháng 3 chậm lại sau số liệu khủng 242 nghìn của tháng 2 nhưng cao hơn mức 119 nghìn của tháng 1. Hiện tại, Investing dự báo Bảng lương tư nhân ADP tháng 3 ghi nhận 200 nghìn việc làm mới.

Sự chậm lại trong thị trường việc làm xuất phát từ tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây sẽ không hẳn là tin xấu với Fed. Một thị trường lao động chặt chẽ không hẳn là hữu ích trong công cuộc chống lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ.

Tuy nhiên, ADP không phải là một công cụ dự đoán tốt về Bảng lương phi nông nghiệp (NFP). Vào tháng 1, NFP gây bất ngờ với mức tăng 504.000, cao nhất kể từ tháng 7/2022, trong khi ADP ở chỉ ghi nhận +119.000 – thấp nhất trong 2 năm.

Phản ứng của thị trường đối với tin tức Bảng lương ADP khá mờ nhạt trong suốt vài năm qua. Những phản ứng tức thì của thị trường có thể tồn tại trong thời gian ngắn nhưng nhà đầu tư cũng nên theo dõi sát sao để đảm bảo chiến lược của mình được tối ưu.

PMI dịch vụ ISM

Lĩnh vực Dịch vụ ISM được cho là tăng trưởng/mở rộng trong tháng thứ ba liên tiếp (trên ngưỡng 50) sau khi bất ngờ giảm xuống dưới ngưỡng 50 vào tháng 12 năm ngoái. Vào tháng 2, chỉ số này ở mức 55,1, gần sát ngưỡng 55,2 hồi tháng 1. Hiện thị trường dự báo PMI tháng 3 của ngành giảm về 54,5, một con số phù hợp với xu hướng giảm mà chỉ số này đã thể hiện vào năm ngoái.

Chỉ số việc làm ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2021 (54,0) vào tháng 2 và hiện dự kiến sẽ giảm một chút xuống 52. Chỉ số Giá phải trả được cho là giảm nhẹ từ 65,6 xuống 65,2.

Nguồn: ISM

Tin xấu vẫn là tin tốt cho thị trường?

Cả báo cáo việc làm và lĩnh vực dịch vụ dự kiến sẽ cho thấy sự tăng trưởng chậm lại so với các tháng trước. Tuy nhiên, thực tế là thị trường lao động vẫn tạo thêm việc làm và hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ vẫn đang ở trạng thái mở rộng. Dữ liệu tháng 3 được công bố ngay trong những ngày đầu tháng 4 và sẽ không phản ánh hết tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng, nếu có. Sau những ngày giữa tháng 3 đầy bất ổn, nền kinh tế Mỹ chưa phải đối diện với bất kì sự cố nào liên quan dến ngành ngân hàng. Theo đó, nhà đầu tư có thể tạm yên tâm, hi vọng điều tồi tệ nhất đã qua. Thị trường giờ có thể tập trung hơn vào dữ liệu kinh tế.

Thị trường việc làm sẽ vẫn thắt chặt? Liệu những dấu hiệu đầu tiên của ‘suy thoái thực sự’ cuối cùng cũng xuất hiện?

Vào tháng 12, tin xấu từ PMI Dịch vụ ISM đã trở thành tin tốt cho thị trường chứng khoán. Không rõ liệu tình huống đó có thể lặp lại hay không. PMI tích cực sẽ có lợi cho Đô la Mỹ, bằng cách thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn, đồng thời cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng. Tuy nhiên, PMI tiêu cực cũng có thể dẫn đến sự phục hồi của Đô la Mỹ nếu nó gây ra tâm lí né tránh rủi ro trên các thị trường tài chính. Vấn đề là, để kịch bản trái với thông lệ xảy ra, những con số sẽ phải gây sốc.

Báo cáo việc làm Mỹ quan trọng nhất tháng sẽ được công bố vào thứ Sáu. Hiện tại, thị trường đang kì vọng Bảng lương phi nông nghiệp ở mức 240.000, Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến 3,6% và Thu nhập trung bình hàng giờ dự kiến 0,3%. Dữ liệu việc làm vượt kỳ vọng là điều bình thường trong những tháng qua, đặc biệt là Bảng lương phi nông nghiệp, vốn tích lũy chuỗi 11 tháng đầy bất ngờ.

Tất cả các con số kinh tế đều có khả năng ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường đối với chính sách tiền tệ của Fed, vốn ổn định trong thời gian rất ngắn nhưng dao động mạnh khi xem xét những gì có thể xảy ra từ quý III trở đi. Những lo ngại về suy thoái kinh tế và rủi ro ngành ngân hàng gần đây đã khiến thị trường tin tưởng vào việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023. Triển vọng kinh tế là không chắc chắn và ngay cả Fed cũng không biết họ sẽ làm gì. Fed cũng không nêu rõ định hướng chính sách mà luôn nói phụ thuộc vào dữ liệu/tình hình kinh tế. Dữ liệu kinh tế của tuần này có thể giúp làm sáng tỏ một chút nhưng chưa chắc sẽ đem lại một lời khẳng định chắc chắn cho nhà đầu tư.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Vàng thế giới tăng gấp 10 lần SJC, chênh lệch giữa hai thị trường còn xấp xỉ 9 triệu đồng

Read Next

VIDEO: Phiên 05/04/2023: Vàng gặp cản nhưng vẫn có yếu tố hỗ trợ đi lên

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular