VIP Chuyên sâu: Nhận định thị trường Vàng – USD năm 2023: (Phần 1): Giá vàng năm 2022: Một năm nhìn lại

Khi năm 2022 sắp qua đi, trước thềm Tết Dương Lịch, chúng ta có thời gian nhìn nhận lại hai thị trường được đánh giá là tốt nhất trong năm và đưa ra những dự báo cho năm 2023 sắp tới.

Vào cuối năm 2021, Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra lời cảnh báo rằng lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao và thừa nhận họ hơi chủ quan khi đưa ra các dự dự báo về lạm phát. Fed cũng thừa nhận lạm phát sẽ cao dai dẳng hơn những gì họ dự báo trước đây. Xuất phát từ việc các nhà hoạch định chính sách của Fed truyền đạt rõ ràng ý định thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát từ đầu năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 17% trong tháng 1/2022 vượt ngưỡng 2%, khiến vàng (XAU/USD) mất 2% trên cơ sở hàng tháng.

Sau đó, vào ngày 24/2, Nga đã phát động một cuộc xâm lược quy mô lớn vào Ukraine – cuộc chiến mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Chỉ 2 ngày sau, vào ngày 26/2, các đồng minh phương Tây đã liên tiếp công bố các biện pháp trừng phạt đáng kể đối với Nga và cuối cùng loại Nga khỏi các hệ thống thanh toán toàn cầu. Ngay lập tức, nhà đầu tư đổ xô tới vàng như một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Lực cầu vàng tăng nhanh chóng, đẩy giá lên cao với mức đỉnh trên 2.000 USD xuất hiện vào đầu tháng 3.

Lạm phát, Fed và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ

Mặc dù căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao trong suốt tháng 3, nhưng quyết định của Fed trong cuộc họp FOMC rằng lãi suất chính sách tăng thêm 25 điểm cơ bản lên khoảng 0,25-0,50% sau khi giữ ở mức 0-0,25% trong 2 năm đã buộc vàng (XAU/USD) phải đánh mất đi phần lớn đà tăng hồi đầu tháng 3.

Kể từ thời điểm đó, Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ ngày càng nhanh trong khi lạm phát thậm chí còn tăng mạnh hơn và dai dẳng hơn so với ước tính ban đầu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt lên 9,1% trên cơ sở hàng năm vào tháng 6, đánh dấu tốc độ tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 11/1981.

Biểu đồ Chỉ số giá tiêu dùng Hoa Kỳ (YoY)

Vào tháng 5, Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản trước khi chọn tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.

Biểu đồ lãi suất của Fed năm 2022

Trong giai đoạn Fed thực hiện thắt chặt tiền tệ với thái độ cực kì diều hâu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm liên tục tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 15 năm qua trên 4,3% vào tháng 10. Vàng, với tư cách là một tài sản không mang lại bất kì khoản lợi suất nào, có mối tương quan nghịch với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, chịu áp lực giảm giá liên tục.

Việc Fed tăng lãi suất với tốc độ và quy mô chưa từng có trong quý II, quý III của năm cho thấy sự khác biệt về chính sách giữa Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương lớn khác, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản, Đô la Mỹ đã trở thành tài sản được các nhà đầu tư lựa chọn. Theo đó, vàng càng mất giá. Chỉ số Đô la Mỹ, theo dõi hiệu suất của Đô la Mỹ so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đã tăng từ 95,65 vào đầu tháng 1 lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là 114,78 vào cuối tháng 9, tăng gần 20% trong khoảng thời gian đó.

Sau cuộc họp chính sách tháng 11, Fed đã truyền đi thông điệp trong tuyên bố chính sách của mình rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tính đến việc thắt chặt tích lũy và độ trễ chính sách khi xác định tốc độ tăng lãi suất trong tương lai. Nhận xét này đã khiến thị trường định giá theo mức tăng nhỏ hơn, 50 bps vào tháng 12. Do đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đảo chiều đi xuống – giúp giá vàng tăng mạnh trong tháng 11.

Hơn nữa, lạm phát bắt đầu giảm liên tục trong quý III của năm với CPI hàng năm và CPI cơ bản lần lượt ở mức 7,1% và 6% trong tháng 11. Tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm, Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản lên mức 4,25-4,5%. Tóm tắt các dự báo kinh tế (SEP), thường được gọi là biểu đồ dotplot – dấu chấm, tiết lộ rằng dự báo về mức lãi suất trung bình của các nhà hoạch định chính sách đã tăng lên 5,1% từ 4,6% trong SEP của tháng 9. Mặc dù biểu đồ chấm có phần diều hâu đã giúp Đô la Mỹ hạn chế đà giảm, nhưng giá Vàng không gặp khó khăn trong việc giữ vững vị thế với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ổn định ở mức khoảng 3,5% trong nửa đầu tháng 12.

Chính sách zero Covid của Trung Quốc

Sức mạnh của đồng Đô la Mỹ so với hầu hết các đồng tiền khác đã gây áp lực lên vàng thông qua việc kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn với người nắm giữ đồng tiền khác, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc, hai trong số những quốc gia tiêu dùng vàng hàng đầu thế giới. Trên thực tế, đồng Rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với Đô la Mỹ vào tháng 10 khi USD/INR tăng trên 83.

Trong khi đó, Trung Quốc kiên định với chính sách zero Covid dể đối phó với số ca mắc bệnh gia tăng trong 3 quý đầu năm cũng cản trở nhiều tới vàng. Quốc gia này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn thành phố, tăng cường hạn chế và buộc công dân phải ở lại các trung tâm cách ly. Khi phương Tây cố gắng vượt qua đại dịch bằng cách tăng cường tiêm chủng và cải thiện các phương pháp điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, thì cách tiếp cận có phần cực đoan của Trung Quốc đã khiến các vấn đề về chuỗi cung ứng tồn tại lâu hơn dự kiến và đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại bị trì hoãn đã không cho phép giá vàng phục hồi khi các nhà đầu tư nghi ngờ về sự phục hồi trong triển vọng nhu cầu của kim loại quý.

Trong quý cuối cùng của năm, các thị trường trở nên lạc quan về việc Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt sau khi CPI hàng năm giảm xuống 7,7% trong tháng 10 từ mức 8,2% trong tháng 9. Sau cuộc họp chính sách vào tháng 11, Fed tuyên bố rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tính đến “việc thắt chặt tích lũy, độ trễ chính sách và sự phát triển kinh tế và tài chính” khi xác định tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Những người tham gia thị trường bắt đầu định giá mức tăng 50 bps vào tháng 12. Theo đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3,5% và vàng (XAU/USD) tăng hơn 8% trong tháng 11, chấm dứt chuỗi 7 tháng giảm liên tiếp.

Ngoài ra, trong những ngày cuối năm, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế mặc dù thông báo số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục vào cuối tháng 11, khiến thị trường có niềm tin rằng giới chức Trung Quốc cuối cùng cũng tìm cách rời bỏ chính sách zero Covid và tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng.

Còn tiếp

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: CK Hồng Kông ‘độc quyền sắc xanh’ sau tin biên giới mở cửa; BOJ tự tin tiến gần tới mục tiêu lạm phát dài hạn

Read Next

VIP Chuyên sâu: Chẳng phải tin từ Mỹ hay USD, Trung Quốc mới là liều thuốc tăng lực cho vàng cuối năm 2022

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular