Với sự chao đảo của thị trường tài chính toàn cầu những ngày qua, bất kì nhà đầu tư nào cũng cảm nhận sâu sắc vai trò thiết yếu của vàng trong một danh mục tài sản đa dạng. Mới đây, Ngân hàng Société Générale bật mí họ đang duy trì mức phân bổ 6% cho kim loại quý trong chiến lược Danh mục đầu tư đa tài sản mới nhất của mình.
Sau khi xem xét biến động của thị trường suốt tháng 12 và tháng 1, ngân hàng Pháp cho biết họ đang giữ vị thế ‘phòng thủ’ trước rủi ro. Nhóm chuyên gia của ngân hàng đánh giá mối đe dọa suy thoái ngày càng tăng và cho biết ‘điểm đến’ quan trọng hơn ‘quá trình’ hay ‘sự biến động ngắn hạn của thị trường’.
Các nhà phân tích tại Société Générale dự báo Hoa Kỳ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2024. Trong báo cáo, họ chia sẻ:
Với những dấu hiệu rõ ràng đầu tiên về sự rạn nứt (rủi ro hệ thống) và suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ hiện là một phần của thời hạn đầu tư 12 tháng, chúng tôi chắc chắn không muốn nâng cao vị thế tài sản rủi ro trong danh mục của mình vào thời điểm này.
Xem xét cách SocGen đang chuẩn bị cho suy thoái kinh tế, sự thay đổi đáng kể nhất trong danh mục đầu tư của họ là phân bổ 10% là tiền mặt, tăng từ mức không phân bổ vào tháng 12. Tìm hiểu sâu hơn về việc nắm giữ tiền mặt của Ngân hàng, Société Générale cho biết sự đa dạng hóa sẽ rất quan trọng. Vị thế tiền tệ lớn nhất của ngân hàng là bằng đồng euro, chiếm 43% tổng dự trữ tiền mặt; đồng thời, mức độ tiếp xúc với đồng đô la chiếm khoảng 29%. Ngân hàng nắm giữ 9% tiền mặt bằng đồng yên Nhật và 2% bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và cuối cùng, tiền tệ của các thị trường mới nổi chiếm khoảng 17% lượng tiền mặt của ngân hàng. Các nhà phân tích cho biết:
Tiền mặt đang trở thành một giải pháp thay thế hấp dẫn cho thu nhập cố định trong bối cảnh không chắc chắn về thời hạn và rủi ro vỡ nợ. Chúng tôi nghi ngờ sức mạnh của USD đã đạt đến đỉnh điểm và trạng thái cân bằng sẽ ngày càng có lợi cho đồng euro do có sự chậm trễ về thời gian giữa Fed và chu kỳ tăng lãi suất của ECB.
Đồng thời, SocGen cho biết xu hướng phi đô la hóa toàn cầu tiếp tục mở rộng. Họ hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng để đa dạng hóa các khoản nắm giữ của mình, ngay cả khi tốc độ có phần chậm lại so với mức kỷ lục của năm ngoái.
Xung đột Nga-Ukraine càng kéo dài, các quốc gia không liên kết với phương Tây sẽ sẵn sàng tự cô lập mình khỏi USD càng nhanh. Điều này sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương tiếp tục gom mua vàng. Đây là động lực tăng giá dài hạn cho vàng và cực kì hỗ trợ giá.
Các nhà phân tích nói thêm rằng vàng cũng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ lợi suất trái phiếu thấp hơn vì họ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.
Vàng đã chứng kiến sự hồi sinh của nhu cầu trú ẩn an toàn trong suốt 2 tuần qua khi cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đã làm chao đảo thị trường tài chính. Hôm thứ Hai 20/3, giá vàng nhanh chóng được đẩy lên mức cao nhất trong 12 tháng trên $2000.
Trong một báo cáo riêng, các nhà phân tích hàng hóa tại SocGen chờ đợi vàng kiểm tra lại mức cao nhất năm 2020 vào cuối năm nay, ngay cả khi giá có thể xuất hiện sự điều chỉnh trong thời gian tới. Báo cáo cho hay:
Vàng dự kiến sẽ dần hướng tới phần trên của phạm vi kể từ năm 2020 ở mức $2055/$2075. Đây là vùng kháng cự quan trọng; vượt qua nó có thể có nghĩa là bắt đầu một xu hướng tăng lớn hơn.
SocGen tiếp tục nắm giữ 6% danh mục đầu tư là vàng. Đồng thời, họ đã tăng mức độ tiếp xúc hàng hóa rộng rãi lên 5%. Như vậy vàng và hàng hóa chiếm 11% danh mục của họ.
SocGen khá bi quan về thị trường trái phiếu
Các nhà phân tích cho rằng đồng đô la Mỹ yếu đi sẽ tiếp tục hỗ trợ chỉ số hàng hóa rộng lớn hơn. SocGen đánh giá quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn thế giới sẽ thúc đẩy giá cả hàng hóa trong dài hạn. Họ lập luận:
Lạm phát xanh là lạm phát được tạo ra khi giá tăng do nhu cầu tăng (hoặc giảm nguồn cung) đối với các mặt hàng quan trọng cần thiết để làm cho thế giới bền vững và xanh hơn. Hơn 20 kim loại khác nhau rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và nhu cầu tích lũy đối với đồng và niken sẽ phải tăng gấp đôi và thậm chí gấp bốn lần, tương ứng, trong 30 năm tới để đạt được Thỏa thuận Paris…
Xét trên phạm vi thị trường tài chính rộng lớn hơn, SocGen đang tăng nhẹ tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu, nâng tỷ lệ này lên 35% trong danh mục đầu tư của mình, tăng từ mức 33% trong tháng 12. Để phù hợp với triển vọng đồng đô la Mỹ yếu, ngân hàng đã tăng mức độ tiếp xúc với chứng khoán châu Âu và giảm mức độ tiếp xúc với chứng khoán Mỹ. Cụ thể, ngân hàng khuyến nghị các nhà đầu tư tránh xa cổ phiếu ngân hàng Mỹ khi lĩnh vực này chứng kiến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, điều quan trọng nhất cần nhớ là chứng khoán Mỹ không chạm đáy cho đến khi suy thoái bắt đầu và chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed là cần thiết để chứng kiến sự khởi động lại của thị trường tăng giá trường kỳ. Chúng tôi nghĩ rằng cả suy thoái kinh tế ở Mỹ và một chu kỳ cắt giảm lãi suất sẽ đều bắt đầu vào năm tới.
SocGen cũng đang thực hiện giảm mức độ tiếp xúc với trái phiếu trên diện rộng. Ngân hàng đang tìm cách nắm giữ 29% danh mục đầu tư vào trái phiếu chính phủ và 15% vào trái phiếu doanh nghiệp, giảm từ mức tương ứng là 33% và 25% trước đó.
Khi xem xét các tài sản có thu nhập cố định, chúng tôi thấy rằng mức độ biến động là cực kì cao. Có rất nhiều điều không chắc chắn về việc liệu lợi suất trái phiếu chính phủ hiện tại có đủ để bù đắp rủi ro hay không. Ngoài ra còn có rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh quỹ đạo của nền kinh tế toàn cầu và từ đó liệu lợi suất hiện tại của trái phiếu doanh nghiệp có đủ cao để hấp dẫn hay không. Mặt khác, tiền mặt (lãi suất tiền gửi qua đêm) không có rủi ro về thời hạn và rủi ro vỡ nợ.
Giavang.net