Loạt tin tức kinh tế mới cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ khá trái chiều, khiến dự báo về hành động tiếp theo của Fed càng khó đoán.
- Mỹ: Cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 sơ bộ ở mức -91,63 tỷ USD, tệ hơn dự báo là -91 tỷ USD.
- Mỹ: Hàng tồn kho bán lẻ không bao gồm ô tô tháng 2 sơ bộ tăng 0,4%.
- Mỹ: Tồn kho bán sỉ tăng 0,2% hàng tháng.
- Mỹ: Chỉ số Redbook tăng 2,8% hàng năm.
- Mỹ: Chỉ số giá nhà tháng 1 đạt 393,2; tăng 0,2% hàng tháng.
- Mỹ: Niềm tin tiêu dùng của CB tháng 3 đạt 104,2 – cao hơn dự báo là 101,0.
- Mỹ: Chỉ số sản xuất của Richmond đạt -5, tốt hơn dự báo là -10.
Phố Wall đi xuống, cổ phiếu ngân hàng lại giảm sâu
Thị trường chứng khoán Mỹ mở phiên quanh vùng tham chiếu khi các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng ngành ngân hàng cũng như khả năng Fed nâng lãi suất trong thời gian tới. Dù có những thời điểm tăng trong phiên nhưng hầu như các chỉ số đều gặp khó khăn và đóng cửa giảm từ 0,15% – 0,45%.
Cụ thể, kết phiên 28/03, chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,45% xuống 11.716,08 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,16% còn 3971,27 điểm. Chỉ số Dow Jones hạ 37,83 điểm (tương đương 0,12%) xuống 32.394,25 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng gặp áp lực bán trong ngày 28/3 sau một cuộc điều trần căng thẳng ở Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ. Ba cơ quan quản lý hàng đầu đều tuyên bố ủng hộ thắt chặt quy định đối với những ngân hàng có trên 100 tỷ USD tài sản. Cổ phiếu First Republic giảm 2,3%, Wells Fargo giảm 0,8%, Bank of America cũng đi xuống 1,3%.
Dòng cổ phiếu dầu khí vẫn tăng mạnh nhất, là trụ đỡ kéo thị trường nhờ giá dầu liên tục tăng.
Tỷ giá
Chỉ số DXY tiếp tục tìm về các mức thấp mới. Đóng phiên 28/3, chỉ số DXY mất 0,39% về 102,428.
- Cặp EUR/USD tiến 0,42% chạm ngưỡng 1,08422.
- Cặp GBP/USD cộng 0,45 đạt 1,23413.
- Cặp USD/JPY lùi 0,54% về 130,814.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm tăng lên 3,571% (+1,05%). Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 2 năm vượt ngưỡng 4%.
Triển vọng nguồn cung thu hẹp tiếp tục đẩy giá dầu lên cao
Giá dầu thô tăng vào thứ Ba, kéo dài đà tăng mạnh từ phiên trước do nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực người Kurd ở Iraq và hy vọng rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng được kiềm chế. Chỉ số DXY tiếp tục giảm hỗ trợ các tài sản định giá bằng đồng bạc xanh như vàng, dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 62 xu (tương đương 0,79%) lên 78,74 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 0,52 USD (tương đương 0,71%) lên 73,31 USD/thùng.
Ngân hàng Barclays cho biết bất kỳ đợt ngừng xuất khẩu kéo dài nào của người Kurd cho đến cuối năm sẽ có nghĩa là giá dầu Brent tăng 3 USD/thùng so với dự báo giá dầu Brent 92 USD/thùng của ngân hàng này cho năm 2023.
Vàng tăng trở lại sau đợt giảm
Đà tăng của vàng chủ yếu từ sự suy giảm của đồng bạc xanh kích thích tâm lí mua vào bắt đáy. Đồng thời, những rủi ro trên thị trường khiến nhà đầu tư lựa chọn phân bổ tài sản vào các nơi trú ẩn an toàn như vàng, đồng yên.
Sau 2 phiên giảm, kết thúc phiên ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,92% lên $1974,54/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 1,14% lên $1976,30/oz.
Dòng tiền lớn tập trung vào vàng. SPDR Gold Trust phiên thứ Ba mua vào 3,76 tấn, nâng lượng nắm giữ của quỹ lên 927,73 tấn.
Kết luận
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chứng kiến những biến động mới khi rủi ro về ngành ngân hàng tại Mỹ còn khá nhiều ẩn số. Dòng tiền vẫn chủ yếu trú ngụ tại các tài sản an toàn như vàng, yên Nhật. Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust tháng 3 này đã mua ròng hơn 15 tấn vàng.
Điểm đáng chú ý của thị trường lúc này chính là DXY diễn biến trái chiều so với lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ. Nhà đầu tư dường như đang rất phân vân về triển vọng lãi suất của Fed tại các cuộc họp sắp tới khi Ngân hàng trung ương đau đầu trước bài toán kiểm soát lạm phát hay ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Giavang.net tổng hợp