VIP Tin 24/7: Điểm tin mà NĐT CẦN biết trong phiên 21/11

Thị trường tài chính khởi động tuần mới trong tâm trạng đầy thận trọng, dòng tiền tiếp tục trở về với USD sau khi chỉ số DXY có hai ngày cuối tuần tăng giá khá tốt.

Chỉ số DXY hiện đã leo lên mức cao mới trong 10 ngày trên 107,5. Lợi suất Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn giữ ổn định ở mức khoảng 3,8%.

Vào cuối phiên hôm nay, nhà đầu tư sẽ theo dõi Chỉ số hoạt động quốc gia của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago tháng 10 để đánh giá hướng đi của đồng USD.

Bên cạnh đó, bài phát biểu của Fernandez-Bollo (Thành viên Ban Kiểm Soát Ngân hàng Trung ương châu Âu); bài phát biểu của Cunliffe (thành viên MPC Anh) và bài phát biểu của Nagel (Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức) sẽ được nhà đầu tư chú ý.

Lạm phát tại Đức có dấu hiệu cải thiện hơn khi Chỉ số PPI Đức tháng 10 giảm 4,2% so với tháng trước (khác xa dự báo tăng 0,9%) và chỉ tăng 34,5% so với cùng kì năm ngoái (so với dự báo là 41,5%).

Vào thứ Bảy, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic bày tỏ ông đã sẵn sàng từ bỏ kế hoạch tăng lãi suất 75 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm. Tuy nhiên, những bình luận này không ảnh hưởng đến việc định giá thị trường về đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Theo Công cụ FedWatch của Tập đoàn CME, xác suất Fed tăng lãi suất 50 bps trong tháng 12 là 80%, hầu như không thay đổi so với tuần trước.

Ở một diễn biến khác, kì vọng Trung Quốc từ bỏ chính sách zero Covid gần như là biến mất. Cuối tuần qua, Trung Quốc báo cáo có ca tử vong do Covid lần đầu tiên kể từ tháng 5. Ngoài ra, một số quận ở Bắc Kinh đã phải đóng cửa trường học trong bối cảnh số ca mắc bệnh gia tăng. Thành phố Quảng Châu cũng đã ra lệnh phong tỏa quận Bạch Vân trong 5 ngày. Theo đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã mất gần 2% và chỉ số Shanghai Composite giảm khoảng 0,5%. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm từ 0,3% đến 0,4% phản ánh sự né tránh rủi ro của nhà đầu tư.

Tỷ giá

Trước áp lực tăng giá mạnh của đồng USD, EUR/USD đã rời khỏi ngưỡng 1,0300 và điều chỉnh về vùng 1,0250 trong phiên thứ Hai 21/11. Vào thứ Sáu nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Klaas Knot bình luận: “Khi lập trường của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa, nhiều khả năng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại”.

GBP/USD vừa có một tuần tăng nhẹ nhưng động lực đi lên gần như đã bị triệt tiêu trong ngày đầu tuần. Đồng bảng giảm còn chưa đầy 1,1800USD trong hôm nay, mất hơn 0,5% trong ngày.

Tuần trước là một tuần khá giằng co của đồng JPY. Sang tuần mới, đồng yên giảm khi USD mở rộng đà tăng với cặp USD/JPY tiến lên mức 141,00. Nội các Nhật Bản đã soạn thảo một kế hoạch chi tiêu trị giá 29 nghìn tỷ Yên Nhật (207,37 tỷ USD), được hỗ trợ bởi khoản nợ mới khoảng 23 nghìn tỷ Yên Nhật. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết chính phủ sẽ định hướng chính sách kinh tế và tài chính một cách “có trách nhiệm”.

Vàng – Tiền kĩ thuật số

Sau phiên điều chỉnh mạnh vào thứ Sáu, vàng thiết lập đà giảm tuần đầu tiên trong 3 tuần. Kim loại quý tiếp tục giảm và mất ngưỡng $1750 trong ngày hôm nay. Dường như tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang không hề ủng hộ kim loại quý.

Bitcoin chịu áp lực bán vào Chủ nhật và mất hơn 2%. BTC/USD tiếp tục giảm xuống mức 16.000USD vào đầu phiên Âu hôm nay 21/11. Cùng chiều, Ethereum xuyên thủng mốc 1.200USD vào Chủ nhật và giảm hơn 6%. ETH/USD hiện mất hơn 1% trong ngày ở mức khoảng 1.100USD.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Thị trường vàng gặp khó trước tín hiệu cứng rắn của Fed. Chênh lệch nội – ngoại hiện ở mức 15,2 triệu đồng

Read Next

VIP Chiến lược: Vàng quay xe quá nhanh, mức đỉnh cũ $1729 đang rất gần

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular