ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 21/04
- Canada: Doánh số bán lẻ tháng 2 giảm 0,2% hàng tháng, tốt hơn dự báo giảm 0,6%. Số liệu tháng 1 được điều chỉnh tăng lên 1,6%.
- Canada: Doanh số bán lẻ lõi tháng 2 giảm 0,7% hàng tháng, tệ hơn dự báo giảm 0,1%.
- Mỹ: Chỉ số quản lí thu mua PMI sản xuất tháng 4 sơ bộ ở mức 50,4 – cao hơn dự báo là 49 và mức 49,2 của tháng 3.
- Mỹ: Chỉ số PMI hỗn hợp của S&P Global tháng 4 sơ bộ ở mức 53,5 – cao hơn dự báo là 52,8 và số liệu tháng 3 là 52,3.
- Mỹ: Chỉ số PMI dịch vụ tháng 4 sơ bộ ở mức 53,7 – cao hơn dự báo là 51,5 và mức 52,6 của tháng 3.
- Mỹ: Quan chức Fed Cook: Áp lực lạm phát đã được kiểm soát, nhưng lạm phát lõi vẫn khá dai dẳng.
- Mỹ: Quan chức Fed Cook: Thị trường lao động vẫn mạnh, nhưng bắt đầu cho thấy tín hiệu hạ nhiệt.
- Mỹ: Tiền gửi tại tất cả các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 17,38 nghìn tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 12/4, giảm so với 17,43 nghìn tỷ USD của tuần trước – Dữ liệu của Fed, không được điều chỉnh theo mùa.
- Mỹ: Tín dụng ngân hàng tại tất cả các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 17,28 nghìn tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 12/4, giảm so với mức 17,32 nghìn tỷ USD của tuần trước – Dữ liệu của Fed, không điều chỉnh theo mùa.
Phố Wall ngập trong sắc đỏ dù các chỉ số giảm không quá sâu
Thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch khá ảm đạm trong phiên cuối tuần, mở phiên và kết phiên đều quanh mức tham chiếu. Các chỉ số lúc giảm sâu nhất cũng chỉ mất 0,6% và lúc tăng thì cũng không vựt quá biên độ 0,2%. Cụ thể, chốt tuần 21/4, chỉ số Dow Jones nhích 22,34 điểm (tương đương 0,07%) lên 33.808,96 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tiến 0,09% lên 4.133,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,11% lên 12.072,46 điểm.
Nhà đầu tư tiếp tục đón nhận báo cáo kết quả kinh doanh của các hãng. Cổ phiếu Procter & Gamble đã tăng 3,5% sau khi công bố kết qủa kinh doanh tốt hơn dự báo và nâng triển vọng doanh số. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu hoạt động kém nhất, với cổ phiếu Freeport-McMoRan sụt 4,1% sau khi kết quả kinh doanh quý 1 giảm so với cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu Albemarle lao dốc 10% khi Chile cho biết sẽ quốc hữu hoá ngành công nghiệp lithium của mình.
Trong 11 nhóm ngành của S&P 500, có 6 nhóm ngành đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc xanh.
Đà hồi phục phiên thứ Sáu quá mờ nhạt, các chỉ số chính vẫn không thoát đà giảm tuần. Cụ thể, chỉ số Dow Jones mất 0,23% và chấm dứt chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0,1% và 0,42%.
Tỷ giá
Đóng phiên 21/04, Chỉ số DXY hạ nhẹ 0,07% về 101,724 – dao động giữa hai mốc 102,119 và mức 101,646. Tính cả tuần, chỉ số tăng 0,14% – chấm dứt mạch giảm 5 tuần trước đó.
- Cặp EUR/USD tăng 0,21% chạm ngưỡng 1,09884. Xét theo tuần, cặp tỷ giá giảm 0,04% – chấm dứt mach tăng 4 tuần trước đó.
- Cặp GBP/USD giảm nhẹ 0,01% còn 1,24416 saukhi từng rớt xuống mức 1,23671. Cả tuần, đồng bảng nào cũng tăng 0,24% – thiết lập mạch tăng 8 tuần liên tục.
- Cặp USD/JPY mất 0,09% còn 134,105. Cả tuần, cặp USD/JPY tăng 0,28% – thiết lập mạch tăng 2 tuần.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm chốt phiên thứ Năm tại 3,576% (+1,19%). Cả tuần, Lợi suất tăng 1,68%.
Dầu thô giảm hơn 5% trong tuần
Thị trường năng lượng tăng khi USD có hai phiên giảm liên tục. Tuy nhiên, đà hồi phục quá yếu nên giá dầu vẫn giảm 5% trong tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tương lai tiến 68 xu (tương đương 0,8%) lên 81,77 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tương lai cộng 65 xu (tương đương 0,8%) lên 78,02 USD/thùng.
Dẫu vậy, hợp đồng dầu Brent đã giảm 5,5% trong tuần qua, còn hợp đồng dầu WTI sụt 5,7%.
Tại Ấn Độ, hoạt động xử lý dầu thô của các nhà máy lọc dầu đã đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng 3, dữ liệu tạm thời của chính phủ cho thấy, đáp ứng nhu cầu theo mùa ổn định tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới.
Vàng thiết lập tuần giảm mạnh nhất trong 8 tuần
Xu hướng chốt lời vàng ngày càng mạnh mẽ hơn trước khi Fed bước vào thời điểm ‘tạm dừng’ chia sẻ quan điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,4% xuống $1976,27/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 1,5% còn $1987,10/oz.
Vàng đã giảm 1,2% trong tuần này, chịu áp lực bởi đà tăng của đồng USD nói chung, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua ở nước ngoài.
Hôm 21/4, lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust giảm còn 923,68 tấn sau khi quỹ bán ròng 2,89 tấn.
Kết luận
Thị trường tài chính phiên cuối tuần đón nhận loạt tin PMI cao hơn dự báo, khẳng định hoạt động sản xuất dịch vụ của nhiều nền kinh tế trọng điểm khá tích cực. Tuy nhiên, quan điểm của quan chức Fed cũng khiến nhà đầu tư khá lo ngại về triển vọng lãi suất tăng. Vàng cũng vì lẽ đó mà thiết lập tuần tệ nhất 2 tháng qua.
Trong tuần sau, nhà đầu tư cần bám sát số liệu kinh tế Mỹ, đặc biệt là lạm phát lõi PCE để đánh giá được tiềm năng điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed trong đầu tháng 5. Tuần tới cũng là tuần mà các quan chức Fed sẽ ‘tạm lui về ở ẩn’, không chia sẻ bất kì quan điểm nào trước báo giới, vì thế các số liệu kinh tế sẽ là nhân tố chính điều hướng thị trường.
Giavang.net