VIP Tin 24/7: Rục rịch tăng giá trở lại, SJC lại từng bước vươn xa khỏi mốc 67 triệu đồng, chênh lệch với vàng thế giới gia tăng đáng kể

Tóm tắt

  • Tăng 100.000 đồng/lượng, giá bán của SJC chạm mốc 67,3 triệu đồng.
  • Vàng thế giới sau quy đổi giao dịch ở ngưỡng 55 triệu đồng/lượng.
  • Chênh lệch giữa hai thị trường tăng 400.000 đồng, lên trên mốc 12 triệu đồng.
  • Thị trường vàng năm 2023 tiếp tục có những dự báo đầy “ánh hào quang”.

Nội dung

Cập nhật lúc 12h, ngày 17/1, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,40 – 67,22 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.

Vàng SJC trên hệ thống Phú Quý, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,30 – 67,20 triệu đồng/lượng, ngang giá chiều mua và bán so với chốt phiên thứ Hai.

Vàng DOJI trên thị trường Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,15 – 67,15 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng giá mua và bán so với chốt phiên liền trước.

BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 66,40 – 67,20 triệu đồng/lượng, mua vào đi ngang, bán ra tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên trước.

Biến động giá vàng SJC tại BTMC – biểu đồ 1 tuần. Nguồn: Giavang.net tổng hợp

Thị trường thế giới

Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.911,4 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.600 VND/USD) vàng thế giới đứng tại mốc 55,01 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 12,3 triệu đồng. Cùng thời điểm hôm qua, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại mốc 55,34 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 11,9 triệu đồng.

Tính từ tháng 11/2022 đến nay, giá vàng đã tăng trên 18%, khi vọt lên hơn 1.900 USD/ounce. Nguyên nhân là lạm phát Mỹ hạ nhiệt đã giúp thị trường hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không còn quá mạnh tay với chính sách tiền tệ.

Lãi suất tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua chính là lực cản với giá vàng. Vào tháng 3/2022, giá vàng từng lên cao nhất trong lịch sử là 2.070 USD/ounce nhưng vì lãi suất tăng mạnh nên giá vàng đã rớt xuống 1.613 USD/ounce vào tháng 9/2022.

Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Mỹ Bank of America dự báo tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm “sẽ trở thành những luồng gió thuận vĩ mô hậu thuẫn giá vàng, đưa giá vàng vượt 2.000 USD/ounce sau vài tháng nữa”.

Ông Nitesh Shah, chuyên gia phân tích Quỹ đầu tư WisdomTree (Mỹ) cho biết, với áp lực giảm bớt từ đồng USD và trái phiếu, các nhà đầu tư có thể sẽ mua vàng như một “hàng rào” chống lại lạm phát và bất ổn kinh tế. Do đó, giá vàng có thể dễ dàng vượt qua mức 2.100 USD/ounce vào cuối năm 2023.

Ngoài ra, giới phân tích dự báo các ngân hàng trung ương tiếp tục gom mua vàng sau khi nhóm này mua ròng vàng trong 9 tháng đầu năm 2022, với lượng mua ròng lớn nhất trong nửa thế kỷ – theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Theo dự báo của ngân hàng ANZ, nhu cầu mua lẻ vàng miếng và tiền xu vàng sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, nhất là khi kinh tế Trung Quốc khởi sắc. Tuy nhiên, ANZ cho rằng trong ngắn hạn, giá vàng có thể đã tăng quá nhanh và cần điều chỉnh.

“Nếu giá vàng giảm từ mức hiện nay về vùng 1.870-1.900 USD/ounce, chúng tôi dự báo xu hướng tăng sẽ đảo ngược”, ANZ nhận định và nói thêm rằng nếu giảm dưới 1.800 USD/ounce, giá vàng có thể trượt về 1.730 USD/ounce.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: GDP Trung Quốc quý IV vượt dự báo; Lợi suất TPCP Nhật Bản kì hạn 10 năm vượt trần 3 phiên liên tục

Read Next

VIP Chuyên sâu: Phân tích giá vàng: XAU/USD điều chỉnh giảm trong bối cảnh Đô la Mỹ hồi phục. Tuy nhiên, xu hướng giảm có vẻ hạn chế

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular