Tóm tắt
- Vàng thế giới giao dịch trên mốc 1.670 USD trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed.
- SJC tăng 120.000-250.000 đồng/lượng, giá bán chạm mốc 66,7 triệu đồng.
- Chênh lệch giữa hai thị trường duy trì mức 18,7 triệu đồng.
Nội Dung
Cập nhật lúc 12h, ngày 20/9, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 65,90 – 66,72 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng giá mua – bán so với chốt phiên chiều qua.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 65,82 – 66,58 triệu đồng/lượng, chiều mua tăng 120.000 đồng/lượng, chiều bán tăng 180.000 đồng/lượng so với chốt phiên thứ Hai.
Vàng SJC trên hệ thống Phú Quý, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 65,80 – 66,60 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với giá chốt phiên trước.
Vàng DOJI trên thị trường Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 65,75 – 66,60 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng mua vào và 100.000 đồng/lượng bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Thị trường thế giới
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.672,7 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.810 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại 48,02 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), chênh lệch với vàng miếng SJC duy trì mức 18,7 triệu đồng. Cùng thời điểm hôm qua, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 47,87 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang ở gần vùng đáy của 29 tháng, dưới sức ép từ triển vọng lãi suất tăng. Giới phân tích dự báo gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày 21/9. Đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp bước nhảy lãi suất “khủng” này được Fed áp dụng. Thị trường thậm chí cũng tính đến khả năng Fed nâng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm trong lần họp này, nhưng khả năng đó là không lớn.
Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Vàng vẫn đang dao động tại các mức đáy và một phần lớn nguyên do của điều này là dự báo về quyết định của Fed vào ngày thứ Tư ”.
Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên lãi suất tăng thường gây áp lực mất giá lên vàng. Không chỉ Fed mà hàng loạt ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu cũng đang “chạy đua” tăng lãi suất để chống lạm phát.
Ngoài ra, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Fed cũng đẩy tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác biến động nhẹ trong khoảng 109,6-109,7 điểm trong phiên đêm qua và sáng nay. Tuần trước, chỉ số này đạt gần 111 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2002, tạo thêm áp lực mất giá lên vàng vì vàng được định giá bằng USD.
Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 3,51%, mức cao nhất trong 11 năm, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vì vàng là tài sản không có lãi suất.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Nhà đầu tư không muốn đặt cược dài hạn vào giá vàng vì họ cho rằng ngay cả khi Fed có tạm dừng việc tăng lãi suất, thì điều đó cũng chẳng đảm bảo được rằng Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất”.
Giavang.net