Tóm tắt
- Lùi về ngưỡng 1.935 USD, vàng thế giới sau quy đổi mất mốc 56 triệu đồng/lượng.
- SJC nhích nhẹ lên gần 67,3 triệu đồng – cao nhất kể từ ngày 23/5/2023.
- Chênh lệch giữa hai thị trường tăng 100.000 đồng lên 11,3 triệu đồng.
- Các chuyên gia vẫn bày tỏ sự lạc quan với triển vọng của giá vàng.
Nội dung
Cập nhật lúc 14h, ngày 12/7, giá SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,65 – 67,27 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa.
SJC Hồ Chí Minh, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,65 – 67,25 triệu đồng/lượng, mua vào – bán ra cùng tăng 50.000 đồng/lượng so với mở cửa sáng nay.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,55 – 67,20 triệu đồng/lượng, giá mua và bán đi ngang so với thời điểm mở cửa.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,62 – 67,18 triệu đồng/lượng, mua vào và bán ra không thay đổi so với giá mở cửa cùng ngày.
Thị trường thế giới
Sau khi đạt ngưỡng 1.940 USD/ounce (tương đương 56,05 triệu đồng/lượng) trong phiên sáng nay, giá vàng thế giới dần “hạ nhiệt” và lùi về mức 1.935 USD/ounce ở thời điểm hiện tại. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.690 VND/USD) vàng thế giới hiện đứng tại 55,90 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 11,3 triệu đồng. Cùng thời điểm hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi đứng tại 55,93 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 11,2 triệu đồng.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế được hỏi dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ, dự kiến được Bộ Lao động nước này công bố vào ngày thứ Tư, cho thấy mức tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc từ mức tăng 4% của tháng 5. Đó sẽ là mức lạm phát toàn phần thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Chỉ số CPI lõi được dự báo giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn 5% từ mức 5,3% trước đó. Dù vậy, mức lạm phát lõi như vậy vẫn còn cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra.
Số liệu công bố tuần trước cho thấy số công việc mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ ít hơn nhiều so với dự kiến. Báo cáo này đang khiến đồng USD bị bán mạnh, nhưng hầu như không làm thay đổi kỳ vọng của thị trường về lãi suất của Fed. Thay vào đó, thị trường tiếp tục kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7.
Cuộc họp sắp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 25-26/7. Số liệu từ công cụ FedWatch Tool của CME Group cho thấy thị trường đang đặt cược khả năng khoảng 92% Fed nâng lãi suất trong cuộc họp này.
“Nếu số liệu lạm phát yếu hơn dự báo, giá vàng có thể nhảy vọt lên 1.950 USD/ounce. Ngược lại, một báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo có thể khiến giá vàng tuột khỏi mốc 1.900 USD/ounce”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.
Bà Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu Tập đoàn quản lý đầu tư Invesco (Mỹ) cho biết, giá vàng vẫn đang mắc kẹt vì các hành động tăng lãi suất của Fed. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% vào cuối tháng 7 này. Do đó, giá vàng chưa thể bứt phá tích cực.
“Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn hoạt động tương đối ổn định dù đang trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Các chuyên gia cũng chưa thể hình dung hết các tác hại của nền kinh tế trong môi trường lãi suất cao. Do đó, vàng vẫn là tài sản phòng ngừa rủi ro đầy hiệu quả trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, bà Kristina Hooper nói.
Cùng nhận định, ông Moya cho biết việc tăng lãi suất có nguy cơ gây tổn hại nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, vàng là tài sản tốt để phòng ngừa các bất ổn.
“Lãi suất tăng là trở ngại đối với giá vàng, nhưng cũng có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Mối lo kinh tế suy thoái là một yếu tố hỗ trợ giá vàng, một tài sản an toàn”, ông Moya nói.
Giavang.net