Tóm tắt
- Giá vàng thế giới có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
- Theo sát biến động của vàng thế giới, vàng nhẫn cũng bật tăng mạnh.
- SJC thoát đáy 5 tháng nhưng vẫn chốt tuần với xu hướng giảm.
- SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới chưa tới 13 triệu đồng.
Nội dung
Giá vàng miếng SJC
Chốt phiên cuối tuần (11/3), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết giá mua – bán của vàng miếng SJC ở mốc 66,00 – 66,80 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua và 50.000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần (6/3).
Đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần đã đẩy giá SJC thoát đáy 5 tháng, nhưng chưa đủ mạnh để lấy lại mốc 67 triệu đồng và cũng không đủ lực kéo giá vàng thoát khỏi xu hướng giảm trong tuần này.
Không chỉ kết tuần với xu hướng giảm, SJC còn kéo giãn biên độ mua – bán với diễn biến giảm mạnh hơn ở chiều mua vào. Hiện tại mức chênh giữa hai chiều mua – bán của SJC ở ngưỡng 800.000 đồng, tăng 100.000 đồng so với 700.000 đồng cuối tuần trước. Chênh lệch mua – bán càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn, khi nhà đầu tư phải mua với giá doanh nghiệp bán ra và bán với giá của doanh nghiệp mua vào.
“Dửng dưng” trước đà tăng mạnh của giá vàng thế giới, SJC “co” mạnh khoảng cách giữa hai thị trường xuống dưới mốc 13 triệu đồng. Cụ thể, chênh lệch hiện đang là 12,7 triệu đồng, giảm 600.000 đồng so với mức 13,3 triệu đồng cuối tuần trước.
Giải thích cho việc giá vàng miếng không theo đà tăng của thị trường thế giới, theo một số đơn vị kinh doanh vàng cho biết, vì SJC đã có mức chênh lệch khá cao vơi giá vàng thế giới và việc tăng/giảm có chiều hướng phụ thuộc vào cung cầu trong nước là chính.
Giá vàng nhẫn 9999
Vàng nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần ở mức 53,80 – 54,80 triệu đồng/lượng, mua vào tăng 400.000 đồng/lượng, bán ra tăng 500.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên đầu tuần (6/3).
Ngược chiều SJC, vàng nhẫn tiếp tục có “bước nhảy” theo sát giá vàng thế giới với mức tăng tới 500.000 đồng. Do vậy, chênh lệch giữa vàng nhẫn và SJC cũng giảm mạnh, từ mức 12,6 triệu đồng cuối tuần trước xuống còn 12 triệu đồng cuối tuần này.
Chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng thế giới có lúc vọt lên ngưỡng 1,5 triệu đồng trong tuần này, nhưng đà tăng mạnh hơn của giá vàng thế giới trong phiên cuối tuần đã kéo mức chênh lùi khỏi mốc 1 triệu đồng – về 650.000 đồng – không quá nhiều biến động so với mức 770.000 đồng cuối tuần trước.
Dù tăng/giảm trái chiều nhưng điểm chung của vàng nhẫn và vàng miếng trong tuần này là diễn biến gia tăng khoảng cách giữa hai chiều mua – bán. Với nhịp tăng mạnh hơn ở chiều bán, chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn đẩy lên 1 triệu đồng, tăng 100.000 đồng so vơi mức 900.000 đồng cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới
Chốt phiên thứ Sáu (10/3) giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 1.867,2 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (23.780 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 54,15 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 53,58 triệu đồng/lượng (với tỷ giá USD giao dịch ở mức 23.780 VND/USD).
Dù giảm mạnh vào đầu tuần, giá vàng thế giới đã có hai phiên tăng mạnh vào ngày thứ Năm và thứ Sáu, để chốt tuần với mức tăng xấp xỉ 1% – ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp của giá kim loại quý này.
Những rắc rối của Silicon Valley Bank, một ngân hàng Mỹ chuyên cho vay trong lĩnh vực công nghệ, lan tràn khắp các thị trường toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, qua đó làm tăng nhu cầu vàng vốn thường được xem là một trú ẩn an toàn trong những thời điểm bất ổn.
“Vừa có một vụ đổ vỡ ngân hàng lớn của Mỹ, lớn nhất kể từ năm 2008. Điều này rõ ràng khiến thị trường hoảng sợ”, CEO Sylvia Jablonski của Defiance ETFs nhận định.
Lực hỗ trợ cho giá vàng trong phiên ngày thứ Sáu còn đến từ báo cáo việc làm tháng 2 do Bộ Lao động Mỹ công bố.
Khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế nước này có thêm 311.000 công việc mới trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức dự báo 205.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,6%, so với mức dự báo là 3,4%, do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên mức 62,5% – mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Đối với nhà đầu tư, tin tốt từ báo cáo này là tiền lương bình quân tính theo giờ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo là tăng 4,8%. Mức tăng tháng là 0,2%, cũng thấp hơn so với con số dự báo là tăng 0,4%. Sự giảm tốc của tiền lương mang tới cho nhà đầu tư kỳ vọng vào một sự bớt cứng rắn của Fed.
Trước đó trong tuần này, vàng chịu áp lực giảm mạnh vì sự cứng rắn mà Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện trong hai phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ông Powell nói rằng để lạm phát thực sự được khống chế, lãi suất có thể phải tăng lên mức cao hơn và giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn so với dự kiến.
“Thị trường nhận thấy rằng, yếu tố tiền lương trong báo cáo việc làm của Mỹ đã tăng chậm hơn so với dự báo. Điều này bù lại số liệu cho thấy số lượng việc làm mới tăng mạnh hơn dự kiến”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals nhận định.
Tuần tới, dữ liệu kinh tế quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố. Yếu tố này sẽ có sức ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của Fed.
Ngân hàng đầu tư Liberum đánh giá, giá vàng trở nên hợp lý trong ba năm qua, giúp các nhà đầu tư dễ dàng phân tích hơn. Vàng đã trải qua những biến động đáng kể trong 3 năm qua, giao dịch dưới mức 1.500 USD/ounce và tăng lên mức cao kỷ lục mới trên 2.050 USD/ounce.
Liberum dự báo, giá vàng có mức trung bình trong năm nay là 1.690 USD/ounce. Giá vàng có mức trung bình quý I là 1.795 USD/ounce. Giá vàng ổn định ở mức 1.600 USD/ounce vào năm 2024.
Giavang.net