Tóm tắt
- Trong phiên 16/3, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ tháng 3.
- Đặt cược ECB nâng 50 điểm tưởng chừng rất vững chắc giờ đã lung lay.
- Nhà đầu tư cần tập trung vào định hướng chính sách trong tương lai, “quy trình tăng lãi suất đáng kể” có thể bị thách thức.
- Biến động của vàng (XAU/USD) có thể tương đối lớn.
Phân tích
Vào thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ của mình vào lúc 13:15 GMT. Sau đó, lúc 13:45 GMT, Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ có cuộc họp báo.
Trong ngày 02/02 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản như mong đợi. Trong câu đầu tiên của tuyên bố, ngân hàng trung ương cho biết: “Hội đồng quản trị sẽ duy trì lộ trình tăng lãi suất đáng kể với tốc độ ổn định và giữ lãi suất ở mức đủ hạn chế để đảm bảo lạm phát quay trở lại kịp thời mức 2% mục tiêu trung hạn”.
Định hướng chính sách tiền tệ của ECB đã có sự thay đổi dần dần trong những tuần qua bởi một số quan điểm của thành viên ECB. Họ lập luận rằng các quyết định nên được đưa ra từng cuộc họp và dựa trên dữ liệu được công bố qua từng thời điểm. Quan trọng nhất, câu chuyện ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) phá sản và sau đó, Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ – cổ phiếu lao dốc đang thực sự là vấn đề ‘khó’ đối với tất cả các ngân hàng trung ương.
Lạm phát cao nhưng ngành ngân hàng đang ‘gặp khó’
Hệ thống ngân hàng toàn cầu đang đứng trước thử thách rất lớn trong nhiều năm qua. Chắc chắn, chưa một ai có thể đoán định được tác động của sự bất ổn ngành ngân hàng đối với thị trường tài chính nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.
Tuy nhiên, ECB lại phải đưa ra quyết sách ngay trong thời điểm ‘nước sôi lửa bỏng’ khi SVB và Credit Suisse vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có thể ECB chỉ nâng lãi suất 25 điểm hoặc nâng 50 điểm nhưng cần đưa ra những lời lẽ mang tính thận trọng hơn. ECB vẫn cần nâng lãi suất thêm nữa bởi lạm phát tại khu vực châu Âu vẫn khá nóng. Vào tháng 2, Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm giảm khiêm tốn từ 8,6% xuống 8,5%.
Chắc chắn, trong cuộc họp lần này, phe bồ câu của ECB sẽ đưa ra nhiều lập luận mới và mang tính thuyết phục. Với lạm phát cao và lãi suất thấp hơn nhiều so với lạm phát, có vẻ như ngay cả những quan chức thuộc phe bồ câu cũng không muốn tạm dừng nâng lãi suất trong tuần này, họ chỉ có thể ủng hộ biên độ tăng lãi suất nhỏ hơn. Đối với các cuộc họp tiếp theo, sự biến động và bất ổn có thể diễn ra đủ nhanh và mạnh khiến các Ngân hàng trung ương như Fed và ECB nghĩ tới câu chuyện ‘tạm dừng’.
Cuộc họp báo của bà Lagarde sau khi công bố quyết sách chắc chắn sẽ được chú ý, và bà có thể nói nhiều hơn về khủng hoảng ngành ngân hàng. Điều mà chúng ta quan tâm là bà định hướng gì cho cuộc họp tiếp theo và các cuộc họp phía sau, ‘chu trình nâng lãi suất’ sắp tới ra sao sẽ là điều mà chúng tôi quan tâm hơn cả.
Vàng trong bối cảnh hiện nay
Phản ứng trên thị trường tiền tệ đối với cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng nhẹ hơn so với các thị trường khác, đặc biệt là trái phiếu và hàng hóa.
Giá vàng nhảy vọt lên mức mạnh nhất trong một tháng, tăng gần 100 USD chỉ trong vài phiên giao dịch. Lợi suất Trái phiếu chính phủ trên toàn cầu đều rớt thảm trong những ngày qua, hỗ trợ đắc lực đà tăng của quý kim. Hôm thứ Tư, vàng vượt ngưỡng $1937 – cao nhất kể từ giữa tháng 2.
Nhìn lại 5 cuộc họp gần đây nhất của ECB, vàng đã có 2 lần phản ứng rất dữ dội. Điều này cũng là lời cảnh báo với nhà đầu tư vàng khi biến động của EUR tác động sâu sắc tới chỉ số DXY và lợi suất.
Quyết định của ECB có thể có tác động lớn đến giá Vàng thông qua lợi suất. Bà Largade có khả năng ảnh hưởng đến lãi suất tương lai thông qua cách nhìn về định hướng lãi suất tăng nhiều hay ít. Vàng khó có thể duy trì ổn định vào thời điểm EUR/USD có những biến động lớn.
Giavang.net