Trong tuần cuối cùng của quý II, giá vàng từng có thời điểm thủng mốc $1900 sau đó bật lên khá ngoạn mục. Thị trường dường như đã nỗ lực cứu lấy chính mình khỏi một xu hướng bán tháo đáng kể vì chỉ cần đóng phiên dưới mức tâm lí, áp lực điều chỉnh sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Vàng kết thúc quý II với mức giảm tới 80USD mỗi ounce – xác nhận quý tệ nhất từ quý III năm ngoái. Đóng cửa phiên giao dịch 30/6, hợp đồng vàng tháng 8 tiến 0,6% lên $1929,40/oz.
Tuy rằng bối cảnh chung của thị trường khá xấu, chúng ta vẫn thấy được những dấu hiệu khả quan nhất định. Xu hướng giảm của vàng diễn ra khá chậm và ổn định, không đột ngột và dốc. Ngoài ra, cho tới cuối quý II, vàng vẫn đóng phiên trên mức $1900/oz.
Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pepperstone, khá bất ngờ về diễn biến thị trường:
Tôi ngạc nhiên về khả năng phục hồi của vàng trước những động thái trên thị trường trái phiếu Mỹ. Hiện tại, tôi vẫn đặt câu hỏi liệu xu hướng tăng trưởng của chứng khoán (chẳng hạn như NAS100) có tiếp tục mở rộng thêm nữa hay không nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng. Quan trọng nhất là bối cảnh thị trường sẽ diễn ra như thế nào?
Thông điệp của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell về ít nhất hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay đã lan truyền khắp thị trường, khiến vàng giảm giá và đẩy đồng đô la Mỹ lên cao hơn.
Nhưng thực tế là vàng đã không đóng phiên dưới $1900/oz cho thấy khả năng phục hồi của thị trường là khá tốt, với tâm lý ngày càng tăng rằng xu hướng tăng giá của cổ phiếu sẽ không kéo dài.
Nhà phân tích thị trường của Kinesis Money, Rupert Rowling cho biết:
Mặc dù môi trường mà lãi suất có khả năng tiếp tục tăng sẽ không có lợi cho loại tài sản không mang lại bất kì khoản lãi như vàng, nhưng các nhà đầu tư vẫn không tin vào kịch bản đi lên của chứng khoán, đặc biệt là với một số quốc gia có khả năng đã bị suy thoái.
Điều gì đang giúp vàng không sụt quá sâu?
Nếu mốc $1900 bị thủng, sẽ có một đợt bán kỹ thuật đáng kể, theo nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA Edward Moya.
Moya chỉ ra rằng một trong những lý do khiến vàng tăng giá là do thị trường vẫn chưa định giá theo kịch bản Fed nâng thêm lãi suất 2 lần nữa trong năm nay. Theo CME FedWatch Tool, có gần 90% cơ hội Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7 nhưng cũng có tới 70% xác suất Fed tạm dừng vào tháng 9. Theo Moya:
Liệu lạm phát có trở nên khó khăn hơn không, và liệu Fed có đưa ra thêm hai đợt tăng lãi suất nữa không? Nó đã được định giá chưa? Không. Dữ liệu PCE hôm thứ Sáu 30/6 cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.
Hiện tại, vàng không hấp dẫn lắm, nhưng nó có thể trở lại xu hướng đi lên khi thị trường đánh giá lại mức độ quyết liệt của Fed để giảm lạm phát, Moya nói thêm.
Việc tăng lãi suất của Fed thường làm giảm giá vàng. Nhưng với bối cảnh thị trường hiện taij, chúng ta có thể thấy thị trường chứng khoán bị bán tháo và nhu cầu trú ẩn an toàn quay trở lại mạnh mẽ. Đó không phải là một môi trường mà vàng sẽ sụp đổ.
Moya đang dự đoán vàng sẽ đi ngang trong phạm vi hiện tại thời gian tới, với rủi ro giảm giá xuất hiện nếu vàng nhúng xuống dưới $1900/oz.
Nếu thị trường chọc thủng mức tâm lí, câu chuyện có thể trở nên tồi tệ. Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra.
Kiểu giao dịch hiện tại của thị trường có thể đủ để giữ cho vàng không giảm xuống thấp hơn. Nhưng đồng thời, rất khó để vàng tăng mạnh trong ngắn hạn, Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities, cho biết. Vị này giải thích:
Ở mức 4,6%, PCE cốt lõi trong tháng 5 của Hoa Kỳ thấp hơn một chút so với dự kiến và với chi tiêu cá nhân của cá nhân trong tháng 5 yếu hơn, lợi suất trái phiếu giảm nhẹ. Cùng với đó, USD đã hạ nhiệt và vàng bật lên một cách thuyết phục trên $1900/oz. Điều này làm giảm nguy cơ vàng thủng trung bình động 200 ngày.
Sean Lusk, đồng giám đốc của Walsh Trading, nói với Kitco News rằng với nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh, việc bán tháo vàng có thể đã diễn ra theo đúng lộ trình của nó. Lusk nói:
Nhưng vàng nên giữ mức $1900. Vàng cần vượt hẳn $1966 để chuyển sang xu hướng tăng giá.
Kim loại quý sẽ chỉ tăng cao hơn sau khi thị trường chứng khoán đảo ngược xu hướng di lên của nó, Lusk nói thêm. Ông nói:
Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục bứt phá, nhu cầu mua vàng sẽ ít hơn. Các đợt phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ làm tăng lạm phát và điều đó sẽ khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất, với đồng đô la Mỹ là người chiến thắng. Đừng nghĩ rằng thị trường chứng khoán sẽ mở rộng khi chúng ta bước sang quý III.
Lusk cho biết thêm, sức mạnh của đồng đô la Mỹ là lý do tại sao mỗi lần vàng tăng lại gặp áp lực bán ra.
Nếu vàng giảm xuống dưới $1900/oz, các nhà đầu tư nên chú ý đến mức $1850-$1814.
Nếu chúng ta không thể giữ được các mức hỗ trợ trên, thì việc giảm xuống còn $1720 là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là một kịch bản giá xuống.
Các dữ liệu cần chú ý trong tuần 3 – 7/7
- Thứ Hai: Chỉ số PMI sản xuất ISM.
- Thứ Năm: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần của Mỹ, việc làm phi nông nghiệp ADP, PMI dịch vụ ISM.
- Thứ Sáu: Bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 của Mỹ.
Kết luận
Thị trường vàng vừa trải qua quý tệ nhất từ cuối tháng 9 năm ngoái, tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là quý kim vẫn giữ được mốc tâm lí $1900. Động thái này của vàng nhìn chung đã giúp nhà đầu tư phần nào không quá bi quan về kim loại quý.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ cần bám sát số liệu thị trường lao động Mỹ (gần nhất là báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 vào ngày 7/7) và tình hình lạm phát để đánh giá triển vọng nâng lãi suất của Fed. Cho tới thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chỉ đặt cược một lần tăng lãi suất trong tháng 7 và đó cũng chính là nguyên nhân khiến vàng chưa sụt quá sâu.
Giavang.net