VIP Tin 24/7: Giảm mạnh trong tháng 6, Vàng Nhẫn vẫn giữ đà tăng trong quý II; SJC đi ngang quanh vùng giá 67 triệu đồng

Tóm tắt

  • Giá vàng thế giới giảm hơn 1 triệu đồng /lượng trong quý II.
  • SJC loanh quanh vùng giá 67 triệu đồng/lượng.
  • Đà giảm của vàng thế giới khiến đà tăng của vàng nhẫn trong quý II bị hạn chế.
  • Chuyên gia khuyên nên mua nhẫn nếu có tiền nhàn rỗi.

Nội dung

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần, cuối tháng 6 và cuối quý II tại ngưỡng 1.918 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.630 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 55,27 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 55,29 triệu đồng/lượng. Cuối tháng 5, vàng thế giới quy đổi giao dịch tại mốc 56,26 triệu đồng/lượng. Cuối quy II là 56,46 triệu đồng/lượng.

Biến động của giá vàng thế giới trong quý II/2023

Giá vàng thế giới đã giảm 2,5% trong quý II – ghi nhận quý giảm đầu tiên trong 3 quý qua, dù vào tháng 5 có lúc giá vàng vượt 2.000 USD/ounce lên gần mức cao kỷ lục mọi thời đại. Ở thời điểm đó, vàng được hỗ trợ bởi nỗi lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất vào cuối năm.

Gần đây, khi các cuộc khủng hoảng ngân hàng tạm lắng xuống và thị trường cũng dần từ bỏ kỳ vọng lãi suất giảm và cho rằng Fed dẽ còn nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát Mỹ đang chậm lại. Điều này khiến giá vàng chịu áp lực giảm, có lúc tụt dưới 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày thứ Năm tuần này.

“Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm vì thị trường cho là Fed sẽ phải dừng tăng lãi suất… Nhưng khả năng đó giờ không còn nữa, và triển vọng lãi suất còn tăng gây áp lực giảm giá lên vàng”, chiến lược gia cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures nói với hãng tin Reuters.

“Trong ngắn hạn, triển vọng Fed tăng lãi suất kết hợp với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ còn tăng sẽ tiếp tục đặt ra thách thức đối với giá vàng”, chiến lược gia Ole Hansen của Saxo Bank nhận định trong một báo cáo.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ mức 3,4% vào đầu tháng 4 lên mức 3,8% hiện nay, bằng với mức vào thời điểm đầu năm.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Sáu (30/6) ở mức 102,9 điểm, giảm hơn 1% trong tháng này, tăng 0,4% trong quý II, và giảm 0,6% từ đầu năm tới nay.

Nhìn theo hướng tích cực, một số chuyên gia vẫn lạc quan về vàng trong tương lai khi cho rằng kim loại quý này vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn vẫn hiện hữu.

Chuyên gia phân tích Neils Christensen nói rằng, “các nhà đầu tư không cần phải tìm kiếm rủi ro tiềm tàng trong nền kinh tế, những diễn biến gần đây tại Nga đang cho thấy kết cấu xã hội trên thế giới lỏng lẻo thế nào”. Ông nói thêm, “người tiêu dùng trên toàn cầu phải đối mặt với giá lương thực tăng cao và các ngân hàng trung ương thắt chặt các điều kiện tín dụng. Điều này có thể sẽ tạo bất ổn”.

Bên cạnh đó, bất chấp kết quả kinh doanh quý I vững chắc, nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ vẫn còn khi Fed tiếp tục thắt chặt lãi suất. Chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư Axel Merk của Merk Investments cho rằng, ngân hàng trung ương khó có thể duy trì lập trường tích cực này.

Thị trường vàng trong nước tuần 26/6-1/7/2023

Vàng miếng SJC tại công ty CP SJC Sài Gòn chốt phiên cuối tuần (1/7) ở mốc 66,35 – 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua và 50.000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần 26/6. Chênh lệch mua – bán ở mức 700.000 đồng, tăng 100.000 đồng so với cuối tuần trước.

Vàng nhẫn 9999 cùng thương hiệu trên cũng giảm trong tuần này. Cụ thể, với giao dịch mua – bán hiện tại ở mức 55,25 – 56,25 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần. Chênh lệch mua – bán tương đương với cuối tuần trước – mức 1 triệu đồng.

Với thương hiệu BTMC, giá vàng miếng trong tuần này giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và đi ngang chiều bán, giao dịch chốt tuần tại mốc 66,37 – 66,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Vàng nhẫn 9999 tại đơn vị này cũng giảm 140.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán và chốt tuần tại mốc 55,51 – 56,36 triệu đồng /lượng (MV – BR).

Vàng miếng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới 11,6 triệu đồng, giảm 200.000 đồng so với cuối tuần trước dù trong tuần có lúc giá vàng miếng cao hơn vàng thế giới hơn 12 triệu đồng.

Tương tự, vàng nhẫn cũng thu hẹp khoảng cách với vàng thế giới từ mức 1,2 triệu đồng cuối tuần trước xuống 900.000 đồng ở thời điểm hiện tại. Trong tuần, có lúc vàng nhẫn cao hơn vàng thế giới tới 1,5 triệu đồng.

Giá vàng trong nước tháng 6 và quý II/2023

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, giá mua – bán của vàng miếng SJC đứng tại mốc 66,35 – 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với phiên 1/6. So với ngày 1/4 – tức phiên giao dịch đầu quý II, SJC tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán.

Biến động của giá vàng SJC trong quý II/2023

Nhìn chung, giá vàng SJC trong tháng 6 hay trong quý II/2023 đều giao dịch ổn định quanh vùng giá 67 triệu đồng/lượng mặc những biến động mạnh của giá vàng thế giới.

SJC ổn định trong khi vàng thế giới giảm mạnh nên chênh lệch giữa hai măt hàng này cũng biến động mạnh theo chiều hướng gia tăng. Kết thúc tháng 6/2023, SJC cao hơn vàng thế giới 11,7 triệu đồng, tăng 900.000 đồng so với mức 10,8 triệu đồng cuối tháng 5 và tăng 1,1 triệu đồng so với cuối quý I.

Vàng nhẫn trải qua tháng 6 đầy tiêu cực với xu hướng giảm mạnh, nhưng tính cả quý II thì đà tăng của mặt hàng này vẫn được duy trì.

Cụ thể, nhẫn 9999 của SJC chốt tháng 6 ở mức 55,10 – 56,10 triệu đồng/lượng (MV – BR), giảm 550.000 đồng/lượng chiều mua và 500.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên 1/6. So với đầu quý II, giá mua – bán của vàng nhẫn tăng khoảng 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán.

Tương tự, giá nhẫn tại BTMC cũng giảm trong tháng 6 và tăng trong quý II. Cụ thể, với giao dịch mua – bán chốt tháng 6 tại mốc 55,43 – 56,28 triệu đồng/lượng, giảm 130.000 đồng/lượng chiều mua và 280.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên 1/6. So với đầu quý II (ngày 1//4) giá mua tăng 550.000 đồng/lượng, giá bán tăng 450.000 đồng/lượng.

Do giá vàng thế giới giảm nên đà tăng của vàng nhẫn trong quý II cũng bị hạn chế vì vàng nhẫn thường bám sát với diễn biến của giá vàng thế giới. Trong quý I, khi giá vàng thế giới tăng “bùng nổ” gần 8% thì vàng nhẫn cũng bật tăng gần 2 triệu đồng/lượng.

Kết thúc tháng 6, vàng nhẫn cao hơn vàng thế giới 1 triệu đồng, tăng mạnh so với mức gần 300.000 đồng cuối tháng 5. Cuối quý I, giá vàng nhẫn thấp hơn vàng thế giới khoảng 600.000 đồng. Nhưng nhìn chung mức chênh lệch giữa hai mặt hàng này là tương đối thấp so với mức 12 triệu đồng chênh lệch giữa SJC và vàng thế giới.

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, nếu có tiền nhàn rỗi mà muốn mua vàng tích trữ thì nên mua vàng nhẫn, không nên mua vàng miếng SJC vì vàng SJC vẫn đang giữ mức chênh lệch rất cao với giá vàng thế giới.

“Dù vàng thế giới có tăng cao, vàng SJC cũng khó tăng thêm, ngược lại vàng nhẫn sẽ tăng cùng chiều với giá thế giới. Chưa kể, vàng nguyên liệu làm nhẫn không bị hạn chế về nguồn cung”, ông Trần Duy Phương nói.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Dự báo giá vàng tuần 3-7/7: Nguy cơ mất ngưỡng $1900 vẫn còn; Main Street tỏ thái độ ‘chán nản’

Read Next

VIP Chuyên sâu: Tại sao vàng vẫn trụ được mốc $1900 dù ông Powell ‘không do dự’ khi nói về 2 đợt tăng lãi suất?

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular