VIP Chuyên sâu: Quý II: Vàng Việt Nam đứng vững trước ‘sự vùi dập’ của thị trường quốc tế. Ôm SJC vẫn là lựa chọn hàng đầu?

Thị trường vàng thế giới vừa trải qua một tháng 6 cực kì tiêu cực, dẫn tới giá giảm gần 3% trong quý II – xác nhận quý tệ nhất từ tháng 9 năm ngoái. Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước nắm giữ vàng SJC có thể coi là ‘thành công’ khi thị trường lặng sóng…

Vàng thế giới chịu áp lực từ Fed

Sau khi chạm đỉnh kỉ lục $207x vào ngày 4/5, giá vàng bất ngờ ghi nhận đà giảm trong tháng 5 bởi Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận trần nợ dễ dàng hơn rất nhiều so với dự báo trước đó của giới phân tích. Sang tháng 6, vàng không hề hồi phục như kì vọng mà còn chịu áp lực thêm bởi kì vọng thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed cùng các Ngân hàng trung ương lớn khác như ECB, BOE.

Khởi động tháng 6, giá vàng giao ngay đứng tại $1959/oz. Thị trường ngay lập tức gặp khó khăn trong ngày 2/6 khi Báo cáo thị trường lao động Mỹ tháng 5 được công bố:

  • Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ tháng 5 đạt 339 nghìn, cao hơn hẳn dự báo là 180 nghìn. Số liệu tháng 4 được điều chỉnh tăng từ 253 nghìn lên 294 nghìn.
  • Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 tăng lên 3,7% từ mức 3,4% và cao hơn dự báo là 3,5%.
  • Mỹ: Thu nhập trung bình theo giờ tháng 5 tăng 0,3% hàng tháng (thấp hơn dự báo là 0,4%) và tăng 4,3% hàng năm.
  • Bảng lương phi nông nghiệp tư nhân tháng 5 đạt 283 nghìn, cao hơn dự báo là 160 nghìn.

Các số liệu kinh tế lạc quan đã khẳng định tính mạnh mẽ bền vững của thị trường lao động Mỹ, ảnh hưởng tới kì vọng Fed tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, về cơ bản, thị trường không sụt quá sâu trước thềm cuộc họp chính sách tháng 6 bởi nhà đầu tư khá tin tưởng vào việc Fed tạm dừng nâng lãi suất trong ngày 14/6. Trong ngày họp đầu tiên của Fed, số liệu lạm phát Mỹ công bố phản ánh sự suy giảm giá tiêu dùng:

  • Mỹ: Chỉ số CPI lõi tháng 5 tăng 0,4% hàng tháng và tăng 5,3% hàng năm như dự báo.
  • Mỹ: Chỉ số CPI tháng 5 tăng 0,1% hàng tháng và tăng 4% hàng năm, thấp hơn dự báo là 0,2% và 4,1% tương ứng.
  • Mỹ: Thu nhập thực tế tháng 5 giảm 0,1% hàng tháng – trái ngược dự báo tăng 0,1%.

Trên thực tế, Fed đã hành động như kì vọng. Tuy nhiên, chủ tịch Fed không hề tỏ ra ôn hòa như kì vọng. Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Powell vẫn nói sẽ bám sát các số liệu kinh tế và sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ nếu cần thiết. Trao đổi với các phóng viên tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính thức, nhà lãnh đạo Fed nói:

Tại cuộc họp này, xem xét mức độ tăng lãi suất nhanh và cao của mình, chúng tôi đánh giá việc tạm dừng là phù hợp. Tôi không gọi đó là bỏ qua. Đó là ý tưởng cố gắng làm cho đúng.

Ông Powell cũng nhấn mạnh rằng ‘gần như tất cả’ những người tham gia FOMC đều xem việc tăng lãi suất nhiều hơn là cần thiết.

Quyết định tạm dừng chỉ là quyết định tại cuộc họp hôm nay. Cuộc họp tháng 7 sẽ là cuộc họp trực tiếp.

Đồng thời, biểu đồ dotplot cũng cho thấy các nhà chức trách FOMC đang nghĩ về 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2023.

Ngoài ra, ông Powell cũng dập tắt kì vọng của thị trường về việc hạ lãi suất trong năm. Khi được hỏi về việc cắt giảm lãi suất, Powell cho biết Fed chỉ có thể xem xét việc nới lỏng chính sách trong hai năm – khi lạm phát giảm đáng kể.

Việc cắt giảm lãi suất vào thời điểm đó là phù hợp khi lạm phát giảm thực sự đáng kể, và một lần nữa, chúng ta đang nói về một vài năm tới. Không một người nào trong ủy ban đưa ra quan điểm cắt giảm lãi suất trong năm nay, tôi cũng không nghĩ rằng hành động hạ lãi suất là phù hợp. Nếu bạn nghĩ về nó, lạm phát phải thực sự giảm xuống. Chúng ta sẽ phải giữ lãi suất cao lâu hơn.

Trong phiên Á ngày thứ Năm 15/6, giá vàng rơi nhanh về vùng $193x và tiếp tục chịu áp lực kéo dài cho tới cuối tháng.

Cùng chung hành động với Fed, các Ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới như BOE và ECB, SNB cũng nâng lãi suất, khiến cho vàng – tài sản không mang lại bất kì khoản lãi nào trở nên kém hấp dẫn.

  • Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 15/6 tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 3,5% và phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng trong cuộc họp tháng 7 kèm theo cảnh báo rằng sẽ mất nhiều thời gian để khống chế lạm phát.
  • Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) ngày 22/6 thông báo quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1,75%. Đây là lần tăng thứ năm liên tiếp và được xem là động thái nhằm xử lý các vấn đề liên quan tới tình trạng lạm phát ở quốc gia châu Âu này.  Thông báo của SNB khẳng định quyết định trên được đưa ra nhằm “kiểm soát áp lực lạm phát có thể tăng trở lại trong trung hạn”.
  • Cùng ngày 22/6, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã gây bất ngờ cho thị trường với việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm như nhiều nhà đầu tư dự đoán.

Xu hướng thắt chặt tiền tệ kéo dài khi các nhà chức trách thấu hiểu rõ ràng rằng lạm phát chưa thực sự hạ nhiệt và rủi ro kéo dài hơn dự báo. Đây cũng là những gì mà Chủ tịch Fed, Chủ tịch ECB và Thống đốc BOE chia sẻ tại Diễn đàn ECB vào tuần qua. Đáng lưu ý, Chủ tịch Fed còn không hề ngần ngại khẳng định rằng các thành viên FOMC khá ủng hộ hai lần tăng lãi suất.

Diễn biến giá vàng, đồng USD và Lợi suất tháng 6.

Diễn biến vàng – USD – Lợi suất quý II/2023

Dòng tiền rời xa vàng

Trong tháng 6 này, nhà đầu tư có xu hướng chuyển tiền tới thị trường chứng khoán khi cổ phiếu công nghệ và trí tuệ nhân tạo tăng cao. Trong tháng 6, chỉ số S&P 500 đã tăng 6,5%, xác nhận tháng tốt nhất kể từ tháng 10/2022. Nasdaq Composite đi lên 6,6%. Cả hai chỉ số đều ghi nhận tháng đi lên thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 4,6%, đánh dấu kết quả tốt nhất kể từ tháng 11/2022.

So sánh hiệu suất của vàng – S&P 500 trong tháng 6

Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust cũng bán vàng khá quyết liệt. Lượng vàng của quỹ chốt phiên 31/5 đạt 939,6 tấn. Lượng vàng của quỹ nắm giữ chốt phiên 30/6 là 921,9 tấn. Theo đó, quỹ đã bán ra 17,7 tấn. So với mức 928,02 tấn vàng chốt ngày 31/3 thì quỹ cũng đã bán ròng hơn 7 tấn vàng trong cả quý II.

Thị trường vàng nội có phần ổn định hơn vàng thế giới

Câu chuyện mà chúng ta thường nói trong thời gian qua là: “vàng trong nước hờ hững với diễn biến thị trường thế giới” vẫn tiếp tục kéo dài trong tháng 6. Tuy rằng trước những điều chỉnh của vàng thế giới, vàng trong nước cũng đã có những nhịp giảm, nhưng có lẽ là không xi nhê gì với vàng thế giới.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, giá mua – bán của vàng miếng SJC đứng tại mốc 66,35 – 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với phiên 1/6. So với ngày 1/4 – tức phiên giao dịch đầu quý II, SJC tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán.

Biến động của giá vàng SJC trong quý II/2023

Nhìn chung, giá vàng SJC trong tháng 6 hay trong quý II/2023 đều giao dịch ổn định quanh vùng giá 67 triệu đồng/lượng mặc những biến động mạnh của giá vàng thế giới.

SJC ổn định trong khi vàng thế giới giảm mạnh nên chênh lệch giữa hai măt hàng này cũng biến động mạnh theo chiều hướng gia tăng. Kết thúc tháng 6/2023, SJC cao hơn vàng thế giới 11,7 triệu đồng, tăng 900.000 đồng so với mức 10,8 triệu đồng cuối tháng 5 và tăng 1,1 triệu đồng so với cuối quý I.

Vàng nhẫn trải qua tháng 6 đầy tiêu cực với xu hướng giảm mạnh, nhưng tính cả quý II thì đà tăng của mặt hàng này vẫn được duy trì.

Cụ thể, nhẫn 9999 của SJC chốt tháng 6 ở mức 55,10 – 56,10 triệu đồng/lượng (MV – BR), giảm 550.000 đồng/lượng chiều mua và 500.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên 1/6. So với đầu quý II, giá mua – bán của vàng nhẫn tăng khoảng 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán.

Tương tự, giá nhẫn tại BTMC cũng giảm trong tháng 6 và tăng trong quý II. Cụ thể, với giao dịch mua – bán chốt tháng 6 tại mốc 55,43 – 56,28 triệu đồng/lượng, giảm 130.000 đồng/lượng chiều mua và 280.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên 1/6. So với đầu quý II (ngày 1//4) giá mua tăng 550.000 đồng/lượng, giá bán tăng 450.000 đồng/lượng.

Thông tin cụ thể hơn mời Anh/Chị tham khảo bài viết

Kết luận

Thị trường vàng thế giới vừa trải qua quý II khá tồi tệ dù có một khởi đầu khá suôn sẻ. Cũng chính từ diễn biến giá vàng quý II, chúng ta càng khẳng định được bản chất của vàng là một tài sản có sự gắn liền với USD và triển vọng lãi suất. Trong thời gian tới, nếu các Ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed tiếp tục duy trì động thái thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất lên mức cao hơn thì vàng còn gặp khó.

Riêng với thị trường Việt Nam, giá vàng vẫn đang duy trì tốt hơn các diễn biến tiêu cực của vàng quốc tế. Nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn vàng như một mặt hàng giữ giá ổn định để cân bằng danh mục đầu tư khi các tài sản như bất động sản vẫn gặp khó, chứng khoán có nhiều rung lắc.

Giavang.net

Read Previous

VIP Chuyên sâu: Tại sao vàng vẫn trụ được mốc $1900 dù ông Powell ‘không do dự’ khi nói về 2 đợt tăng lãi suất?

Read Next

Bảng giá vàng sáng 3/7: Mở cửa phiên đầu tuần, SJC tăng mua – giảm bán

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular