Tóm tắt
- Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu được kì vọng giảm từ mức cao kỷ lục, về 10,4% trong tháng 11.
- Chỉ số lạm phát lõi có khả năng giữ ổn định ở mức 5,0%.
- Kì vọng ECB nâng lãi suất 50bps trong tháng 12 bắt đầu bị lung lay.
- Nếu lạm phát Mỹ cao kỉ lục, tỷ giá EUR/USD có thể vượt ngưỡng 1,0500.
Phân tích
Hôm thứ Hai, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã phát biểu rằng lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chưa đạt đỉnh dù đã rất cao trong tháng 10. Vậy, trong chiều tối nay, số liệu lạm phát tháng 10 châu Âu liệu có gây bất ngờ?
Chỉ số giá tiêu dùng Khu vực đồng tiền chung châu Âu bất ngờ tăng lên hai con số là 10,6% trong tháng 10, ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất kể từ 1997. Thị trường hiện dự báo con số này tháng 11 giảm nhẹ còn 10,5%. Trong khi đó, chỉ số lạm phát lõi đã tăng lên 5,0% YoY trong tháng 10 so với mức 4,9% dự kiến và 4,8% được ghi nhận vào tháng 9.
Lạm phát giảm từ mức cao kỷ lục
Lạm phát chung khu vực EU dự kiến sẽ giảm xuống 10,4% trong tháng 11, với lạm phát lõi được giữ ổn định ở mức 5,0%. Trên cơ sở hàng tháng, lạm phát tháng 11 ở lục địa già dự kiến sẽ không thay đổi ở mức 1,5% trong khi lạm phát lõi cũng không thay đổi ở mức 0,6%. Dữ liệu được công bố vào lúc 10:00 GMT.
Các số liệu lạm phát của khối có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì dữ liệu giúp các nhà đầu tư đánh giá triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Chúng ta luôn biết rằng mục tiêu lạm phát của ECB là 2% và lạm phát hiện tại đang gấp nhiều lần kì vọng.
Theo Eurostat, giá năng lượng tăng 41,9% kết hợp với giá thực phẩm tăng 13% đã khiến lạm phát lên mức cao kỷ lục trong tháng 10. Mặc dù giá điện và khí đốt tự nhiên đã giảm trong thời gian qua, nhưng do tác động giá trễ nên lạm phát sẽ chỉ giảm dần chứ không giảm nhanh được.
Trong khi đó, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ dịu đi ở bốn nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với lạm phát sơ bộ hàng năm của Đức đã giảm xuống 11,3% trong tháng 11 so với 11,6% được ghi nhận trước đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định lạm phát đã đạt đỉnh.
Những bình luận của Lagarde hôm thứ Hai cho thấy rằng ECB đã nhìn thấy được một chặng đường dài trong việc kiểm soát lạm phát. “Cho dù đó là thực phẩm và hàng hóa nói chung hay năng lượng, chúng tôi không thấy có đủ cơ sở hoặc chỉ báo để tin rằng chúng ta đã đạt đến mức lạm phát cao nhất và nó sẽ giảm trong thời gian ngắn,” bà nhấn mạnh.
Do đó, ECB nhiều khả năng sẽ tiếp tục cuộc chiến giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Các thị trường đang định giá mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng 12, vì ECB vẫn thận trọng khi lạm phát cao dai dẳng và nền kinh tế Eurozone gần như bước vào suy thoái.
Các kịch bản EUR/USD với số liệu lạm phát
Hiện tại, EUR/USD đang nỗ lực phục hồi lên trên mức 1,0400 trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các quy định chống dịch và suy thoái kinh tế sắp xảy ra ở châu Âu.
- Cặp EUR/USD cần số liệu lạm phát và lạm phát lõi rất cao thì mới chinh phục được ngưỡng 1,0500. Nếu lạm phát cao kỉ lục thì Ngân hàng ECB sẽ phải tính tới phương án nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng sau, hỗ trợ đồng EUR.
- Đồng Euro có thể giảm trở lại mức 1,0200USD trong trường hợp dữ liệu lạm phát giảm. Số liệu lạm phát giảm khiến thị trường có thể nghĩ rằng lạm phát đạt đỉnh và triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ từ ECB sẽ bớt quyết liệt hơn.
Kết luận
Trong ngắn hạn, cặp EUR/USD sẽ chịu ảnh hưởng bởi số liệu lạm phát châu Âu. Khả năng cao lạm phát châu Âu sẽ có nhịp giảm nhưng không đáng kể. Vì vậy, đồng EUR có thể chạy theo kịch bản giảm nhưng không quá sâu. Sang phiên Mỹ, nhà đầu tư cần theo dõi kĩ bài phát biểu của Chủ tịch Fed để có hướng đi cho các giao dịch của mình.
Giavang.net