VIP Chuyên sâu: Nhận định thị trường Vàng – USD năm 2023: (Phần 4 – hết): Triển vọng đồng USD trong năm 2023

Đô la Mỹ có còn thống trị trong năm 2023 – Chú bò USD sẽ có đợt tấn công cuối cùng trước khi dừng bước?

Xem các phần trước tại

Nhìn lại diễn biến đồng USD

Đồng đô la Mỹ là một trong những tài sản đầu tư mà giới thương nhân mong muốn sở hữu nhất trong năm 2022. Chỉ số DXY đã đạt đỉnh vào tháng 9, chạm mức cao nhất trong 20 năm và tăng khoảng 20% so với rổ tiền tệ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu đồng USD có thể tiếp tục thống trị trong năm tới khi tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm hơn, lo ngại suy thoái kinh tế bủa vây và các yếu tố bên ngoài khác như Trung Quốc mở cửa trở lại?

2022 là năm đầy lạc quan của đồng bạc xanh, lực mua đồng USD bắt đầu tăng mạnh sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3. Kể từ đó, Fed đã tăng tổng cộng 425 điểm cơ bản, đưa lãi suất tại Mỹ lên phạm vi 4,25% -4,5%.

Fed là một trong những động lực chính đẩy đồng đô la Mỹ lên cao hơn. Quan trọng hơn là, hoạt động kém hiệu quả của thị trường chứng khoán đã khiến nhiều nhà đầu tư coi đồng bạc xanh như một đồng tiền trú ẩn an toàn.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số đô la Mỹ (DXY) tăng gần 9% lên 104,54 sau khi chạm mức cao nhất trong 20 năm qua là 144 vào tháng 9.

Triển vọng đồng USD trong năm 2023

Hướng tới năm 2023 rất gần, Fed vẫn tỏ ra diều hâu mặc dù mức tăng nhỏ hơn một chút là 50 bps trong tháng 12 so với mức tăng 75 bps được thực hiện trong 4 cuộc họp trước đó.

Tại cuộc họp báo tháng 12, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lãi suất không ‘đủ thắt chặt’ ngay cả sau chu kỳ tăng lãi suất ấn tượng nhất lịch sử của năm nay. Ông Powell từng khẳng định:

“Chúng tôi đã tăng lãi suất 425 điểm cơ bản trong năm nay và lãi suất đang ở vùng hạn chế. Bây giờ việc nâng lãi suất với biên độ như thế nào không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng hơn nhiều là mức lãi suất cuối cùng là bao nhiêu. Và … chúng ta sẽ duy trì mức đỉnh lãi suất đó bao lâu? Đó sẽ trở thành câu hỏi quan trọng nhất”.

Câu hỏi quan trọng đối với đồng đô la Mỹ trong năm tới là Fed sẽ cần giữ lãi suất cao trong bao lâu. Trong năm tới, dự báo lãi suất trung bình theo SEP tháng 12 là 5,1%, với GDP dự kiến ở mức 0,5% và lạm phát PCE sẽ giảm xuống 3,1% vào năm 2023, theo dự báo kinh tế mới nhất của Fed.

Dưới đây chúng tôi đã tổng hợp những nhận định của các Ngân hàng, các nhà phân tích về triển vọng đồng USD năm 2023.

Kịch bản: Đồng USD tăng giá đầu năm rồi chững lại

Nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng đồng USD có thể duy trì sức mạnh cho tới giữa năm sau. Khi thị trường đánh giá được thái độ của các ngân hàng trung ương cũng như lạm phát tại Mỹ ra sao, họ sẽ phản ứng mua hay bán đồng USD một cách rõ ràng nhất. Chris Turner Francesco Pesole – hai chiến lược gia ngoại hối của ING cho biết:

Thị trường ngoại hối đang cho rằng các ngân hàng trung ương có thể đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về lạm phát và đưa ra các chu kỳ nới lỏng khiêm tốn để đảm bảo hạ cánh an toàn vào năm 2023. Chúng tôi nghi ngờ rằng thị trường tài chính đang hơi mơ mộng. Chúng tôi ủng hộ đồng đô la mạnh hơn vào đầu năm 2023.

Ngân hàng Hà Lan cũng đưa ra dự báo Fed tăng lãi suất lên 5,00%.

Các đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong nửa cuối năm 2023 có thể không đủ để làm suy yếu đồng đô la nếu châu Âu và Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng.

Wells Fargo thì đánh giá 2023 là “cú bứt phá cuối cùng” của đồng bạc xanh trước khi xu hướng giảm bắt đầu. Wells Fargo cho biết trong báo cáo triển vọng năm 2023:

Đồng bạc xanh có thể gia tăng sức mạnh vào đầu năm 2023. Với việc Fed có khả năng đưa ra nhiều đợt tăng lãi suất hơn so với mức định giá của thị trường, một Fed hiếu chiến sẽ ủng hộ đồng bạc xanh. Chúng tôi tin rằng Fed có khả năng tăng lãi suất nhiều hơn so với thị trường tài chính đangđịnh giá và thực sự thắt chặt hơn nhiều ngân hàng trung ương khác.

Tuy nhiên, vào giữa năm sau, triển vọng sẽ thay đổi khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu chậm lại, gây áp lực lên đồng bạc xanh. Wells Fargo nhận định:

Bắt đầu từ giữa năm tới, chúng tôi tin rằng sự khác biệt về tăng trưởng giữa Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn của nước ngoài sẽ bắt đầu có lợi cho các nước G10 trên thế giới và những động lực tăng trưởng này sẽ là động lực góp phần vào sự mất giá kéo dài của đồng đô la.

Chúng tôi cho rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm tới.

Kịch bản USD đã chạm đỉnh và liên tục đi xuống

Tỷ phú ông “Vua trái phiếu” Jeffrey Gundlach nhận thấy Fed sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 2, với lãi suất có khả năng đạt đỉnh 5% vào năm tới.

Nhưng ông Gundlach không tin rằng Fed sẽ có thể giữ lãi suất ở mức cao này trong hơn một cuộc họp trước khi buộc phải cắt giảm. Giám đốc điều hành của DoubleLine Capital, Gundlach cho biết trong một webcast tháng 12 như sau:

Fed nâng lãi suất tới 5%, duy trì mức này thì thị trường sẽ bắt đầu nghĩ về việc hạ lãi suất. Thị trường trái phiếu đang định giá rằng lãi suất mà Fed áp dụng sẽ bằng với lãi suất được áp dụng tại cuộc họp tháng 12. Điều này khiến tôi tự hỏi, tại sao lại phải bận tâm đến những đợt tăng lãi suất đầu năm 2023? Bạn đào một cái lỗ lên, rồi sau đó lại đổ đất lấp đầy nó. Hành động ấy là dư thừa.

Gundlach cảnh báo rằng Fed thậm chí có thể không chạm tới mức lãi suất 5% vì dữ liệu đang “suy yếu quá nhanh”.

Giám đốc điều hành DoubleLine Capital cho rằng đồng USD sẽ giảm trong 2023, nói rằng “đồng đô la đã đạt đỉnh”. Gundlach giải thích rằng vào năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang có thể trở nên ôn hòa hơn các ngân hàng trung ương khác, đó là điều mà các nhà giao dịch đô la có thể đã dự đoán trước.

CrossBorderCapital cho biết chỉ số đô la Mỹ có thể điều chỉnh từ 15% -20% vào năm tới.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn khiến các tài sản rủi ro rơi vào thị trường giá xuống trong năm 2022. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ và dòng vốn nước ngoài đổ xô vào các tài sản Mỹ nhằm tìm nơi trú ẩn an toàn đã nâng đỡ đồng tiền của họ. Năm 2023 có thể sẽ chứng kiến sự đảo ngược của cả hai yếu tố thúc đẩy khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng củng cố tính thanh khoản của các thị trường nợ có chủ quyền đầy mong manh và do đó gây ra sự điều chỉnh 15-20% đối với đồng đô la Mỹ.

Kịch bản USD đi ngang

Chúng tôi thấy được dự báo đồng USD chiếm đa số khi các nhà phân tích chia sẻ về triển vọng năm 2023. Nhóm chiến lược gia tại TD Securities cho biết:

Triển vọng của USD phụ thuộc vào sự giao thoa của 1) tăng trưởng toàn cầu 2) định giá lãi suất cuối cùng, 3) hoạt động thương mại. Mặc dù USD có thể đã chạm đỉnh năm 2022, nhưng tăng trưởng toàn cầu vẫn chưa đủ mạnh để đảm bảo một sự đảo chiều rõ ràng của đồng tiền này. Chúng tôi dự kiến sự đồng USD đi ngang trong quý I và sau đó điều chỉnh.

Đến giữa và cuối năm 2023, triển vọng của ING đối với đồng đô la sẽ hạn chế hơn và chứa đầy sự biến động gia tăng.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến đồng đô la Mỹ

Sự phục hồi tại các thị trường mới nổi là một yếu tố không thể bỏ qua bởi nó có thể gây tổn hại cho đồng bạc xanh vào năm tới. Tim Hayes, chiến lược gia đầu tư trưởng của Ned Davis Research, cho biết:

Cổ phiếu của các thị trường mới nổi có khả năng phục hồi khi đồng tiền của các thị trường mới nổi mạnh lên và đồng đô la Mỹ suy yếu. Chúng ta đang bước vào năm 2023 với quan điểm đồng đô la giảm giá được giả định vào tháng 11. Và khi nhận ra mối tương quan nghịch đảo của đồng đô la với vàng, ảnh hưởng tích cực của việc lợi suất giảm và tín hiệu mua gần đây từ các chỉ số tổng hợp trong báo cáo Gold Watch của chúng tôi, chúng tôi đã quyết định chuyển sang nhận định vàng tăng giá.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một chủ đề khác cần theo dõi vào năm 2023, đặc biệt là khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid dù số ca nhiễm cao kỉ lục. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pepperstone, Chris Weston cho biết:

Trung Quốc được ví là một ‘con voi trong phòng’ khi nói đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 – một nửa đầu năm 2023 có vẻ yếu, nhưng sau đó sẽ là tăng trưởng mạnh hơn nhiều trong nửa cuối năm 2023 – sau một năm 2022 tồi tệ, tài sản của Trung Quốc có thể thực sự vượt trội hơn vào năm 2023.

Marc Chandler, trưởng mảng chiến lược gia thị trường ngoại hối toàn cầu của Bannockburn, lưu ý rằng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 và một số sự mất cân bằng kinh tế. Ông nhấn mạnh:

Chúng ta có thể lạc quan hơn khi Trung Quốc kích thích kinh tế nhằm phục hồi thị trường bất động sản và nới lỏng các hạn chế của Covid trong nửa đầu năm tới. Việc mở lại chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển giảm mạnh và năng lượng có thể giúp giảm bớt tác động của việc thắt chặt để cho phép các biến động trên thị trường ngắn và nông hơn.

Kết luận

Triển vọng của đồng USD nhìn chung là không khả quan bằng năm 2022 khi hầu hết chính sách tiền tệ thắt chặt đã được định vào giá. Tương tự như vàng, USD sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách tiền tệ của Fed và cách thể hiện nền kinh tế Mỹ. Nếu Fed tiếp tục phải đối mặt với lạm phát tăng cao và lãi suất vượt 5% thì đồng USD sẽ hồi sinh. Ngược lại, nếu lạm phát giảm nhanh, Fed không cần nâng lãi suất vượt 5% hoặc thậm chí ngỏ ý muốn hạ lãi suất vào cuối năm thì USD chắc chắn sẽ giảm.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: CK châu Á tăng nhẹ ngày cuối năm, 10% khách Trung Quốc đến Rome dương tính Covid-19

Read Next

Bảng giá vàng sáng 31/12: SJC tăng vọt – lấy lại mốc 67 triệu đồng, vàng nhẫn cũng kịp về mốc 54 triệu đồng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular