VIP Chuyên sâu: PTKT vàng tuần 17 – 21/7: Giữ được nền $1950 thì mọi thứ sẽ ổn

Tóm tắt

  • Vàng ghi nhận tuần tăng tốt nhất 3 tháng khi Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD tuột dốc không phanh.
  • Triển vọng kỹ thuật ngắn hạn của vàng (XAU/USD) là đi lên.
  • Phe mua có thể giữ quyền kiểm soát thị trường miễn là mức hỗ trợ $1950 vẫn được bảo toàn.

Phân tích

Thị trường vàng đã hoàn thành một đột phá tăng giá trong tuần 10 – 14/7 khi Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD sụt giảm sâu vì lạm phát hạ nhiệt. Theo đánh giá của chúng tôi, nếu vàng còn giữ được hỗ trợ $1950 thì những người mua theo kĩ thuật sẽ vẫn ở lại thị trường. Cũng cần lưu ý rằng đây tuần này sẽ không có bất kì bài phát biểu nào của quan chức Fed.

Chuyện gì đã xảy ra trong tuần 10 – 14/7?

Sau đợt bán tháo sau báo cáo việc làm tháng 6 trái chiều vào thứ Sáu 7/7, Đô la Mỹ (USD) gặp rất nhiều khó khăn trong tuần 10 – 14/7. Trong phiên Mỹ vào thứ Hai, Khảo sát hàng tháng về Kỳ vọng của Người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy kỳ vọng lạm phát một năm của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 ở mức 3,8% trong tháng 6 từ mức 4,1% trong tháng 5, khiến lợi suất của Mỹ giảm xuống và ủng hộ vàng đi len.

Trong khi đó, Manheim thông báo rằng Chỉ số giá trị phương tiện đã qua sử dụng từ tháng 5 đến tháng 6 đã ghi nhận mức giảm lớn nhất trong một tháng kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus. Các nhà đầu tư bắt đầu định giá theo hướng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 4% vào thứ Ba, giúp vàng (XAU/USD) tiếp tục phục hồi.

Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS) ngày 12/7 cho biết rằng lạm phát ở Hoa Kỳ, được đo lường bằng sự thay đổi của chỉ số CPI, đã giảm xuống 3% hàng năm vào tháng 6 từ mức 4% trong tháng 5. Lạm phát CPI cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, cũng giảm xuống 4,8% từ 5,3% hàng năm của tháng 5. Trên cơ sở hàng tháng, CPI và CPI cơ bản đều tăng 0,2%, thấp hơn dự báo. Đồng USD chịu áp lực giảm giá nặng nề và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ mất hơn 2% sau dữ liệu lạm phát, khi các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang. Ngay lập tức, vàng phản ứng tích cực, đẩy giá lên trên vùng cao nhất gần một tháng là $1960.

Vào thứ Năm, BLS tiếp tục cho thấy lạm phát hạ nhiệt, thông qua Chỉ số giá sản xuất (PPI) hàng năm giảm xuống 0,1% trong tháng 6 từ mức 0,9% trong tháng 5. Các chỉ số chính của Phố Wall mở cửa tăng mạnh sau khi dữ liệu lạm phát yếu của nhà sản xuất và việc bán tháo USD tiếp tục. Tuy nhiên, vàng không tận dụng được đà giảm sâu của khi cả (XAU/EUR) và (XAU/GBP) đều giảm, cho thấy dòng vốn chảy ra khỏi USD đã chuyển sang Euro và Bảng Anh thay vì vàng.

Theo Công cụ FedWatch của CME Group, xác suất Fed tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản (bps) vào tháng 12, ngoài mức tăng 25 bps vào tháng 7, đã giảm xuống dưới 20% sau khi số liệu CPI và PPI, so với mức 32% đầu tuần.

Trước cuối tuần, Đại học Michigan đã báo cáo rằng Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã cải thiện lên 72,6 vào đầu tháng 7 từ 64,4. Dữ liệu này tốt hơn kỳ vọng của thị trường là 65,5 và giúp USD giữ vững vị thế, đồng thời hạn chế mức tăng của vàng (XAU/USD).

Thị trường tuần này cần lưu ý điều gì?

Ngay trong sáng thứ Hai đầu tuần, nhà đầu tư đã đón nhận loạt thông tin từ Trung Quốc:

  • Doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1% so với cùng kì năm ngoái, thấp hơn dự báo là 3,2% và mức tăng 12,7% của tháng 5.
  • GDP Trung Quốc quý II tăng 0,8% hàng quý (cao hơn dự báo là 0,5% nhưng thấp hơn mức 2,2% của quý I).
  • GDP Trung Quốc quý II tăng 6,3% so với cùng kì năm ngoái (thấp hơn dự báo là 7,3% nhưng cao hơn mức 4,5% của quý I).
  • Tỷ lệ thất nghiệp Trung Quốc tháng 6 giữ nguyên ở mức 5,2%.
  • Đầu tư tài sản cố định Trung Quốc tháng 6 tăng 3,8% hàng năm – cao hơn dự báo là 3,5%.

Các dữ liệu trái chiều từ Trung Quốc khiến giới đầu tư vàng khá phân vân, tuy nhiên, nhà đầu tư dường như vẫn kì vọng chính quyền nước này gia tăng thêm các biện pháp kích thích tài chính, hỗ trợ thị trường và qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng.

Vào thứ Ba, dữ liệu Doanh số bán lẻ Mỹ tháng 6, được dự báo sẽ tăng 0,5% sau khi mở rộng 0,3% trong tháng 5. Mặc dù dữ liệu này không có khả năng làm thay đổi định giá thị trường về triển vọng lãi suất của Fed, nhưng nếu doanh số bán lẻ tăng cao thì USD sẽ có khả năng hồi phục tốt, gây ảnh hưởng tới vàng.

Dữ liệu về Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần và Doanh số bán nhà hiện có sẽ ảnh hưởng tới tâm lí thị trường ngày thứ Năm.

Thời gian tạm ngừng hoạt động của Fed đã bắt đầu vào thứ Bảy, ngày 15/7 và các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể đưa ra ý kiến về chính sách tiền tệ cho đến khi lãi suất được công bố vào ngày 26/7. Do đó, khả năng vàng sẽ chạy theo các tin tức kinh tế và triển vọng kĩ thuật.

Triển vọng kỹ thuật

Khu vực $1950/$1955, bao gồm mức thoái lui Fibonacci 23,6% của xu hướng tăng dài hạn, Đường trung bình động đơn giản (SMA) 50 ngày và SMA 100 ngày, được coi là mức kỹ thuật chính cho vàng (XAU/USD). Miễn là vàng giữ được vùng $1950 là hỗ trợ, phe mua hoàn toàn có thể kì vọng nhắm mục tiêu $1980 (mức tĩnh) và $2000 (mức tĩnh, mức tâm lý).

Trong trường hợp vàng tuột khỏi vùng $1950 – $1955, hãy chú ý tới $1930 (SMA 20 ngày) là vùng giá hỗ trợ tiếp theo. Thủng mức này, rủi ro vàng về $1910 (đường xu hướng bị phá vỡ) và $1900/$1890 (mức tâm lý, mức thoái lui Fibonacci 38,2%) sẽ là mục tiêu của phe bán.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Giá vàng giằng co hẹp, triển vọng ngắn hạn thiếu chắc chắn

Read Next

VIP Tin 24/7: GDP quý II Trung Quốc tăng 6,3% – CK châu Á chịu áp lực chốt lời

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular