Trong phiên cuối tuần 21/04, giá vàng giảm tới 30USD, rời xa mốc $2000 khiến cho một số nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về vị thế của kim loại quý. Tuy vậy, các nhà phân tích trấn an rằng, thị trường sẽ xuất hiện đủ lực mua để đẩy giá tăng trở lại.
Sự biến động đáng kể của đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu Kho bạc đã khiến giá vàng ghi nhận phiên tệ nhất nhiều tuần. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,4% xuống $1976,27/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 1,5% còn $1987,10/oz. Theo đó, giá vàng mất 1,2 trong tuần.
Thời gian ngừng ‘hoạt động’ của Fed cũng bắt đầu vào thứ Bảy tuần này, có nghĩa là các quan chức Cục Dự trữ Liên bang sẽ không phát biểu công khai kể từ ngày 22/04 cho tới cuộc họp FOMC ngày 3/5. Theo CME FedWatch Tool, các thị trường hiện đang định giá 89% cơ hội Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào đầu tháng sau. Theo chiến lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures Frank Cholly:
Dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng tới. Và có rất nhiều điều không chắc chắn khi vàng ở trên hoặc dưới $2000. Tôi vẫn lạc quan khi vàng ở vùng giá hiện tại. Chúng ta sẽ đến thời điểm mà Fed phải tạm dừng và ‘điều đó sẽ hỗ trợ vàng, vốn sẽ giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại từ nay đến cuối năm’.
Tuần tới, các thị trường sẽ tập trung vào loạt dữ liệu vĩ mô quan trọng, bao gồm GDP quý I của Hoa Kỳ và chỉ số giá PCE.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết:
Loạt tin kinh tế Mỹ sắp được công bố, đặc biệt là dữ liệu GDP và chỉ số giá PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, có thể gây ra một số biến động trên thị trường vàng.
Ngày hôm qua, dữ liệu sản xuất và dịch vụ của Hoa Kỳ tốt hơn dự kiến, gây áp lực lên thị trường vàng. Chỉ số S&P Global Flash PMI sản xuất của Hoa Kỳ đã tăng lên 50,4 vào tháng 4 từ mức 49,2 của tháng 3. Đây là lần đầu tiên PMI chuyển sang vùng tăng trưởng/mở rộng từ ngưỡng thu hẹp kể từ tháng 9 năm ngoái.
Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities đánh giá:
Các thị trường đang tìm kiếm một sự suy giảm trong hoạt động sản xuất dịch vụ tại Mỹ. Ngoài ra, mọi người nghĩ rằng đồng đô la Mỹ sẽ giảm và đặt vị thế bán khống. Và với dữ liệu kinh tế tăng cao hơn, chúng ta có thể thấy một số hoạt động bù đắp vị thế bán khống buộc phải xuất hiện.
Fed có nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì lập trường diều hâu đó. Trong tháng 5, Fed đang trên đà thực hiện một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản và có nguy cơ sẽ tăng thêm một lần nữa sau đó.
Các mức giá chính cần theo dõi đối với vàng
Melek lưu ý rằng mức hỗ trợ tốt cho vàng là khoảng $1962. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả nằng vàng có thể giảm xuống dưới mức đó, đồng thời cho biết thêm việc vàng biến động ra sao phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và lợi suất thay đổi thế nào. Với ông:
Về mặt kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy hỗ trợ đáng kể ở mức trên $1960/oz. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hi vọng xu hướng kim loại quý là đi lên ngưỡng $2100/oz vào cuối quý II năm 2023.
Lạc quan hơn một chút, Cholly đánh giá vàng có khả năng giữ được phạm vi $1975-80 trong tuần cuối tháng 4. Ông đánh giá “thị trường có xu hướng quá mức theo cả hai hướng. Mức $1975 sẽ là hỗ trợ tương đối tốt. Tôi không cho rằng vàng sẽ xuống dưới $1965. Mặt khác, kháng cự gần nhất là $2025 và sau đó là $2050-60”.
Cuộc hop tháng 5 có tính chất quyết định
Nhà kinh tế Mỹ Andrew Hunter của Capital Economics tin rằng đợt tăng lãi suất tháng 5 khả năng cao là lần nâng lãi suất cuối cùng của Fed. Ông chia sẻ:
Chúng tôi ngày càng tin tưởng rằng đợt tăng lãi suất tháng 5 sẽ là lần cuối cùng của chu kỳ này… Và kỳ vọng của chúng tôi rằng lãi suất sẽ bị cắt giảm một lần vào cuối năm nay. Điều đó dựa trên quan điểm lâu dài của chúng tôi rằng nền kinh tế đang hướng tới suy thoái, cuối cùng sẽ kéo lạm phát xuống nhanh hơn mức mà Fed cho phép.
Triển vọng tăng giá dài hạn của vàng vẫn còn nguyên vẹn. Và ngay khi thị trường ổn định bởi Fed không nâng lãi suất, vàng sẽ tăng.
Ngay bây giờ, có nguy cơ Fed lạm dụng thắt chặt quá mức. Khi nền kinh tế chậm lại, tốc độ suy giảm sẽ rất nhanh chóng. Đối với vàng, điều quan trọng là tiềm năng xoay trục đang diễn ra và có một rủi ro đáng kể là ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ không nghiêm túc tuân thủ mục tiêu lạm phát 2%.
Và điều đó có nghĩa là Fed có thể sẽ bỏ qua lạm phát gia tăng và tiếp tục bổ sung các biện pháp điều chỉnh, qua đó duy trì xu hướng tăng giá của vàng. Melek chỉ ra:
Điều này có nghĩa là lãi suất thực thấp hơn so với các chu kỳ trước. Các ngân hàng trung ương và người tiêu dùng đang mua vàng như một hàng rào để duy trì sức mua của họ.
Các nhà đầu tư cũng một lần nữa nhận ra rằng có nhiều hơn một lý do để sở hữu vàng, Cholly lập luận:
Mua vàng trú ẩn an toàn sẽ là một yếu tố kích hoạt giá. Vàng không chỉ là hàng rào chống lại đồng đô la Mỹ và lãi suất. Căng thẳng địa chính trị đang gia tăng trở lại, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Mọi người bắt đầu cảm thấy có đủ sự không chắc chắn. Và chúng ta sắp bước vào thời kỳ suy thoái. Giá vàng sẽ vẫn mạnh.
Dữ liệu quan trọng cần theo dõi của tuần sau
- Thứ Ba: Niềm tin của người tiêu dùng CB, doanh số bán nhà mới của Mỹ.
- Thứ Tư: Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ.
- Thứ Năm: GDP quý I, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, doanh số bán nhà đang chờ xử lý của Mỹ.
- Thứ Sáu: Chỉ số giá PCE của Mỹ.
Kết luận
Thị trường vàng đóng tuần dưới $2000 cho thấy con đường chinh phục mức đỉnh kỉ lục của vàng vẫn khá chông gai. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng với việc Fed ngừng tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 5 cùng các bất ổn địa chính trị và rủi ro suy thoái, vàng vẫn có tiềm năng chạm đỉnh kỉ lục vào cuối năm 2023.
Giavang.net