VIP Chuyên sâu: Sẽ thế nào nếu Fed tăng lãi suất 50 điểm vào tháng 3?

Thị trường vàng gần đây thực sự rất khó khăn, giá liên tục đi xuống bởi nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang sẽ cần mạnh tay hơn nữa thì mới có thể đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Kỳ vọng lạc quan sau đợt tăng giá khủng từ cuối tháng 11 dần dần tan biến, thay vào đó là nhiều nỗi lo và áp lực bủa vây đối với kim loại quý.

Trong tuần này, giá vàng chịu áp lực bởi loạt dữ liệu kinh tế Mỹ cao hơn dự kiến, đặc biệt là thông tin về lạm phát tháng 1. Theo đó, hợp đồng vàng tháng 4 trên sàn Comex mất khoảng 1,2% trong tuần, chốt tại vùng tâm lí $1850.

Đánh giá về kinh tế Mỹ, nhà chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities Bart Melek cho hay:

Kiểm soát lạm phát tại Mỹ đang khó khăn hơn rất nhiều người dự đoán. Chúng ta vừa chứng kiến loạt tin kinh tế cao hơn dự báo, quan trọng nhất là lạm phát vẫn rất cao. Động thái tiếp theo của Fed có thể là tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Và, ngân hàng trung ương có thể chưa dừng lại ở đó. Kịch bản này kéo theo lãi suất cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn.

Vấn đề mà vàng đang phải đối mặt là đồng đô la Mỹ đảo chiều tăng giá.

Giả thuyết cho rằng đồng đô la Mỹ sẽ suy yếu nhanh chóng đang bị nghi ngờ.

Đối với những người thuộc trường phái đầu tư vàng dài hạn, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA chỉ ra rằng có hai động lực cần theo dõi. Điều đầu tiên mà họ cần chú ý chính là kỳ vọng mới về việc Fed siết chặt tiền tệ thêm nữa.

Fed rõ ràng sẽ tiếp tục tích cực trong việc thắt chặt. Mức 50 điểm cơ bản khiến nhiều nhà giao dịch giật mình. Mặc dù việc tăng lãi suất nửa điểm có thể không diễn ra, nhưng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, tháng 5 và có thể là cả tháng 6 nữa.

Công cụ FedWatch CME hiện nhận thấy 18% cơ hội Fed tăng 50 bps vào tháng 3.

Điều thứ hai cần theo dõi là rủi ro suy thoái, sẽ bắt đầu tăng lên khi Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Có vẻ như nền kinh tế đang dần rơi suy thoái. Đây là một nền kinh tế chấp nhận suy thoái để giảm lạm phát. Và thị trường sẽ bắt đầu tin vào điều đó.

Đến cuối cùng, khi suy thoái dần hiện ra, đó là lúc vàng được giải cứu.

Mức giá $1800 cần được theo dõi

Các nhà phân tích phần lớn vẫn giữ thái độ trung lập với vàng trong ngắn hạn khi họ thấy mức $1800/oz vẫn có thể giữ được. Moya bình luận:

Tôi không nghĩ mức $1800 sẽ bị phá vỡ. Đó là mức hỗ trợ rất lớn.

Tuần tới, các nhà phân tích sẽ xem xét biên bản cuộc họp tháng 2 của FOMC, dữ liệu PMI, thước đo lạm phát ưa thích của Fed – PCE cốt lõi và bình luận của các quan chức Fed.

Về dài hạn, Melek lạc quan rằng kim loại quý vẫn có thể đạt $2000 vào cuối năm hoặc đầu năm 2024. Theo nhận định của ông:

Thị trường sẽ phản ứng với sự xoay trục chính sách tiền tệ. Câu hỏi đặt ra là liệu Fed sẽ thực hiện vào cuối năm 2023 hay đầu năm 2024. Khi nền kinh tế chậm lại, Fed sẽ quyết định rằng hoạt động kinh tế chậm lại sẽ gây hại nhiều hơn là đưa lạm phát xuống 2%.

Lịch kinh tế tuần sau

  • Thứ Ba: Doanh số bán nhà hiện tại của Hoa Kỳ, PMI sản xuất
  • Thứ Tư: Biên bản cuộc họp tháng 2 của FOMC, thành viên FOMC Williams phát biểu
  • Thứ Năm: GDP quý 4 của Hoa Kỳ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Hoa Kỳ
  • Thứ Sáu: Chỉ số giá PCE của Hoa Kỳ, doanh số bán nhà mới của Hoa Kỳ

Kết luận

Thị trường vàng đang gặp khó khăn trước sự thay đổi về kì vọng chính sách tiền tệ Mỹ. Trước mắt, nhà đầu tư hi vọng vàng giữ được mức $1800. Các số liệu kinh tế tuần sau dự báo sẽ tiếp tục khắc họa bức tranh kinh tế Mỹ và nếu bức tranh đó tươi sáng, vàng dễ gặp áp lực điều chỉnh sâu hơn.

Giavang.net

Read Previous

VIP Tin 24/7: Dự báo tuần 20 – 24/2: Vàng tiếp tục ”lao đao” trước Fed, thử thách mốc $1800

Read Next

VIP Tin 24/7: Tuần 13/2-18/2: SJC ‘gồng mình’ giữ mốc 67 triệu đồng; Đà tăng mạnh phiên cuối tuần không kéo nổi vàng nhẫn khỏi ‘lỗ’

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular