VIP Chuyên sâu: Tháng 2: Vàng thế giới rớt thảm 6% vì loạt tin kinh tế Mỹ chấn động. SJC và 9999 cũng không thoát nổi vòng xoáy đi xuống

Những tưởng sau 3 tháng tăng mạnh gần 300USD, vàng thế giới sẽ tự tin bước vào tháng 2 với tâm thế ‘thừa thắng xông lên’ và tiếp tục ghi nhận những mức cao mới. Nhưng không, vàng tháng 2 khiến bất kì nhà đầu tư giá lên nào cũng phải ‘đổ máu’…

Thị trường vàng thế giới giảm với tốc độ ‘thang máy’

Sau khi thiết lập mạch tăng 6 tuần liên tục – mạch tăng tuần dài nhất kể từ mùa hè năm 2020 cũng như bước tiến 5% trong tháng 1, vàng khởi động tháng 2 tại vùng $1920. Tuy nhiên, câu chuyện tháng 2 chỉ mang một gam màu buồn bã với 4 tuần giá liên tục đi xuống.

Giá vàng tăng khá nhanh và chạm đỉnh $1960 dù Fed có đưa ra quyết định nâng lãi suất 25 điểm trong ngày 01/02. Động thái này được đánh giá là ‘ôn hòa’ sau khi Fed đã nâng lãi suất hơn 400 điểm chỉ trong năm 2022.

Tuy nhiên, giá vàng đã rớt tới 40USD ngay phiên sau đó (02/02), bởi Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh cùng phát đi tín hiệu sẽ nâng lãi suất thêm nhằm kiểm soát lạm phát. Thái độ không mấy diều hâu của cả BOE và ECB đã hỗ trợ đồng USD và qua đó dẫn tới vàng bị bán tháo. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, vàng mất khoảng 50USD bởi loạt số liệu ngày 03/02 khi các số liệu kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt xa dự báo:

  • Bảng lương phi nông nghiệp tháng 1 đạt 517 nghìn, cao gần 3 lần so với dự báo là 185 nghìn. Số liệu tháng 12 được điều chỉnh tăng lên 260 nghìn.
  • Thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,3% hàng tháng và tăng 4,4% hàng năm.
  • Bảng lương phi nông nghiệp tư nhân tháng 1 đạt 443 nghìn, cao hơn dự báo là 190 nghìn.
  • Tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,4% – thấp hơn dự báo là 3,6%.
  • PMI hỗn hợp của S&P Global tháng 1 đạt 46,8 – cao hơn dự báo 46,6.
  • Chỉ số PMI dịch vụ tháng 1 đạt 46,8 – cao hơn dự báo là 46,6.
  • Hoạt động kinh doanh phi sản xuất ISM tháng 1 đạt 60,4 – cao hơn dự báo 54,5.
  • Chỉ số PMI phi sản xuất của ISM tháng 1 đạt 55,4 – cao hơn dự báo 50,4.

Kết quả NFP cao gần gấp 3 lần dự báo đã tạo nên một sự chấn động với thị trường tài chính toàn cầu. Trong phiên Mỹ 03/02, phố Wall rơi gần 2%, vàng mất 3% và dầu thô sụt mạnh 3%. Tăng trưởng thị trường lao động vượt dự báo cho thấy việc làm tại Mỹ chưa bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng.

Trước đó, tại cuộc họp báo sau phiên họp FOMC ngày 01/02, Chủ tịch Powell cũng cảnh báo về việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong khi ghi nhận tiến trình giảm lạm phát, mà theo ông là ở giai đoạn đầu. Ông khẳng định Fed sẽ tiếp tục theo dõi các số liệu kinh tế để đánh giá triển vọng nâng lãi suất. Và thật không may với vàng, lạm phát tại Mỹ tháng 1 giảm nhưng không sâu khiến cho khả năng Fed nâng lãi suất trong các cuộc họp tiếp sau lớn dần.

Vào ngày 14/2, số liêu công bố cho thấy Lạm phát tại Mỹ tháng 1 tăng 6,4% so với cùng kì năm ngoái, cao hơn so với ước tính 6,2%. Đồng thời, lạm phát lõi cũng cao hơn dự báo, ở mức 5,6% hàng năm so với 5,5% dự kiến.

Sau số liệu lạm phát tháng 1, Cục dự trữ Liên bang Mỹ không thể quá lạc quan về quá trình kiểm soát lạm phát của mình. Lạm phát tại Mỹ vẫn còn quá cao so với mức mục tiêu 2% và tốc độ giảm lạm phát cũng bắt đầu thu hẹp.

Chính vì vậy, thị trường đang bắt đầu thay đổi ước tính về số lần Fed nâng lãi suất trong năm 2023. Với lạm phát cao dai dẳng và bảng lương phi nông nghiệp cao gần gấp 3 dự báo, thị trường bắt đầu định giá mức đỉnh lãi suất của Fed thậm chí đạt tới 5,25% hoặc cao hơn nữa. Tâm lí này ngay lập tức đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm trở lại mức cao nhất kể từ tháng 11 và tạo động lực cho đồng USD. Trước sức mạnh của đồng USD và lợi suất, vàng có lúc rơi xuống sát ngưỡng $1840 cũng là điều dễ hiểu.

Sau đó, thị trường vàng tiếp tục dò đáy mới từ đầu năm 2023 khi USD mạnh lên và chỉ số lạm phát ưa thích của Fed cũng cao hơn dự báo. Hôm 24/02, loạt số liệu công bố tiếp tục dìm chết giá vàng.

  • Chỉ số giá PCE lõi tháng 1 tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kì năm ngoái, cao hơn dự báo là 0,4% và 4,2% tương ứng.
  • Chỉ số giá PCE tháng 1 tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kì năm ngoái, cao hơn dự báo là 0,5% và 5% tương ứng.
  • Thu nhập cá nhân tháng 1 tăng 0,6% so với tháng trước, thấp hơn dự báo là 1%.
  • Chi tiêu cá nhân tháng 1 tăng 1,8% so với tháng trước, cao hơn dự báo là 1,3%.

Trước đó, biên bản cuộc họp FOMC cũng chỉ ra rằng một số thành viên Fed cũng ủng hộ quan điểm nâng lãi suất 50 điểm trong cuộc họp tháng 2 thay vì quyết sách cuối cùng là 25 điểm.

Mới đây, Thống đốc Fed Phillip Jefferson cũng có vẻ hơi không chắc chắn khi ông nói rằng ông “không ảo tưởng” rằng lạm phát sẽ nhanh chóng quay trở lại mục tiêu 2% của Fed và lưu ý rằng chỉ số Chi tiêu cá nhân vẫn “tăng cao”. Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cũng nhấn mạnh:

Fed sẽ cần nhiều nỗ lực hơn để đưa lạm phát đi theo con đường giảm bền vững xuống 2%.

Trước một loạt các yếu tố cơ bản không ủng hộ, thái độ diều hâu của quan chức Fed, vàng đã giảm 6% trong tháng 2 này. Cùng nhìn lại toàn cảnh thị trường vàng dưới góc nhìn của vàng – USD.

Các yếu tố kĩ thuật của vàng cũng rất xấu, vàng rơi vào thế quá bán trên các khung thời gian và giá vàng đã rơi xuống dưới cả đường trung bình động 20 và 50 ngày.

SJC trụ vững, vàng 4 số 9999 mất giá mạnh

Sau khi tăng trưởng khá tích cực trong tháng đầu năm, giá vàng trong nước cũng điều chỉnh trong tháng 2 theo vàng thế giới.

Vàng SJC khởi động tháng 2 ở mức 66,6 – 67,4 (triệu đồng/lượng: mua vào – bán ra) và hiện đóng phiên 28/02 tại 66,10 – 66,80 (triệu đồng/lượng: mua vào – bán ra). Như vậy, trong tháng 2, giá vàng SJC chỉ giảm 500 nghìn chiều mua và giảm 600 nghìn chiều bán.

Nguồn: bảng giá vip.giavang.net

Đà giảm giá diễn ra rõ rệt hơn ở mảng vàng nhẫn, với giá vàng nhẫn BTMC ngày 1/2 ở mức 54,23 – 55,18(triệu đồng/lượng: mua vào – bán ra). Tới chốt phiên hôm nay 28/2, giá vàng nhẫn BTMC ở mức 53,16 – 54,01 (triệu đồng/lượng: mua vào – bán ra). Như vậy, giá vàng đã giảm 1,07 triệu đồng chiều mua và hạ 1,17 triệu đồng/lượng chiều bán. Giá vàng nhẫn trong nước bao giờ cũng bám sát thị trường thế giới hơn.

Nguồn: bảng giá vip.giavang.net

Thị trường vàng những ngày tháng 2 diễn biến chưa thực sự tương xứng với đà giảm của vàng thế giới. Tuy nhiên, biên độ giảm nhỏ hơn nên chênh lệch giữa vàng SJC và vàng thế giới ở mức trên 13 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí).

Giavang.net

Read Previous

VIP Chuyên sâu: Vàng đối mặt với tháng giảm mạnh nhất từ tháng 6/2021 vì ‘bóng ma lãi suất của Fed’

Read Next

VIP Tin 24/7: Cuối tháng 2: Vàng – Dầu đi lên; Phố Wall vẫn chìm trong sắc đỏ

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular