VIP Tin 24/7: Credit Suisse phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán Mỹ, Vàng vẫn là ‘thiên đường của nhà đầu tư’ khi Dầu rơi thảm 5%

Trong lúc các nhà đầu tư vẫn chưa hết bất an sau sự sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, thị trường lại có thêm lý do để lo lắng khi cổ phiếu Credit Suisse có lúc cắm đầu 30% trong phiên sáng 15/3.

Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sỹ và là một trong những nhà băng lớn nhất châu Âu, đồng thời có hoạt động đáng kể tại Mỹ. Theo Bloomberg, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse – ngày 15/3 đã trả lời “tuyệt đối không” khi được hỏi có xem xét bơm thêm vốn cho ngân hàng Thụy Sỹ này hay không.

Các số liệu kinh tế Mỹ công bố hôm 15/03 tương đối trái chiều, làm nhiễu khả năng Fed nâng lãi suất trong thời gian tới.

  • Chỉ số PPI lõi tháng 2 tăng 0% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kì năm ngoái, thấp hơn dự báo tăng 0,4% và 5,2%.
  • Doanh số bán lẻ lõi tháng 2 giảm 0,1% hàng tháng.
  • Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 2 giảm 0,1% và tăng 4,6% so với cùng kì năm ngoái, thấp hơn dự báo là tăng 0,3% và 5,4%.
  • Kiểm soát bán lẻ tháng 2 tăng 0,5% hàng tháng, cao hơn nhiều dự báo giảm 0,3%.
  • Doanh số bán lẻ tháng 2 giảm 0,4% hàng tháng và tăng 5,39% hàng năm,
  • Tồn kho kinh doanh tháng 1 giảm 0,1% hàng tháng, tốt hơn dự báo là tăng 0,1%.

Phố Wall chao đảo vì ngành ngân hàng, hồi phục vào sát cuối phiên

Thị trường chứng khoán Mỹ mở phiên thứ Tư đỏ lửa, hòa chung áp lực bán tháo với thị trường châu Âu khi cổ phiếu các ngân hàng trên toàn cầu bị bán rất mạnh. Dòng tiền bắt đáy phiên trước đó gần như bị triệt tiêu khi lo ngại rủi ro ngành tài chính lan rộng trên toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones rớt 280,83 điểm (tương đương 0,9%) xuống 31.874,57 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,7% còn 3.891,93 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,05% lên 11.434,05 điểm. Các chỉ số chính khép phiên rút khỏi các mức đáy trong phiên. Dow Jones có thời điểm sụt 725 điểm, và S&P 500 tích tắc xoá sạch đà tăng trong năm 2023.

Vào cuối phiên thị trường có sự hồi phục, dẫn đầu là nhóm ngành viễn thông, tiện ích.

Phiên 15/3, giá cổ phiếu các ngân hàng Mỹ cùng đi xuống theo các đối tác ở châu Âu. Wells Fargo và Goldman Sachs cùng mất hơn 3%, JPMorgan Chase và Morgan Stanley rớt tương ứng 4,7% và 5,1%. Chứng chỉ quỹ Financial Select Sector SPDR Fund (XLF) giảm 2,7%.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực nhỏ (regional bank) của Mỹ từng phục hồi trong phiên 14/3 đã quay lại lao dốc vào phiên 15/3. First Republic Bank và PacWest Bancorp sụt lần lượt 21,4% và 12,9%. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu tài chính là một trong những nhóm giảm mạnh hơn thị trường chung.

Tỷ giá

Động thái bán tháo tài sản giúp đồng USD hồi phục khá tốt trong ngày 15/03. DXY đóng phiên tại 104,745 (+1,09%).

  • Cặp EUR/USD sụt 1,46% về 1,05764.
  • Cặp GBP/USD mát 0,81% còn 1,20557.
  • Đồng JPY cũng là một vịnh tránh bão của nhà đầu tư, cặp USD/JPY mất 0,62% về 133,375.

Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm rơi nhanh 6,34% về 3,459% khi nhà đầu tư đặt cược Fed chưa vội nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 3.

Dầu thô rớt thảm, nhà đầu tư đua nhau bán tháo

Giá dầu giảm hơn 5 USD/thùng xuống mức thấp nhất hơn 1 năm, do lo ngại về Credit Suisse dấy lên mối lo sợ về thị trường thế giới, làm lu mờ kỳ vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc hồi phục.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu WTI sụt hơn 5% xuống 67,61 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Hợp đồng dầu Brent mất 4% còn 74,36 USD/thùng.

Cả hai loại dầu đều chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 và giảm 3 phiên liên tiếp. Trong phiên trước đó, cả hai loại dầu đều giảm hơn 4%, chịu áp lực bởi lo ngại về sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) vào tuần trước và các vụ phá sản khác của ngân hàng Mỹ, có thể gây ra 1 cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm bởi đồng USD tăng mạnh so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác, khiến giá dầu trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Vàng tiếp tục chinh phục mức cao mới khi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn

Giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2023, do lo ngại khủng hoảng mới trong lĩnh vực ngân hàng, khiến các nhà đầu tư rời xa các tài sản rủi ro hơn và tìm kiếm vàng thỏi là tài sản trú ẩn an toàn.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,2% lên $1924,63 và vàng kỳ hạn tháng 4/2023 trên sàn New York tăng 1,1% lên $1931,3.

Dòng tiền tiếp tục trú ngụ vào vàng, quỹ tín thác SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới mua vào 1,45 tấn – nâng lượng nắm giữ của quỹ lên 914,72 tấn.

Kết luận

Thị trường tài chính toàn cầu đang phát đi những tín hiệu cực kì tiêu cực với sự phá sản của Ngân hàng tại Mỹ cũng như tin mới nhất từ Credit Suisse. Theo đó, sự bán tháo cổ phiếu xuất hiện từ Âu sang Mỹ và kì vọng tiếp tục mở rộng trong phiên Á hôm nay. Chính vì thế, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong thời điểm này; chưa vội bắt đáy. Với các vị thế nắm giữ vàng dài hạn, nhà đầu tư đang có lãi lớn và cũng là một trạng thái giao dịch tốt nhất lúc này, nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ.

Trong phiên hôm nay, cuộc họp chính sách tháng 3 của ECB sẽ được tổ chức, nhà đầu tư cũng cần theo sát kĩ vì phản ứng của ECB cũng như bài phát biểu của Chủ tịch Lagarde. Có thể xu hướng nâng lãi suất toàn cầu sẽ chấm dứt sớm hơn dự báo.

Giavang.net tổng hợp

Read Previous

VIP Chuyên sâu: Khủng hoảng ngành ngân hàng báo hiệu ‘thủy triều xuống’ của nền kinh tế. Vàng sẽ lên 3000$ – Bloomberg Intelligence

Read Next

Bảng giá vàng sáng 16/3: Biến động không đáng kể khiến giá mua bán của SJC tiếp tục bị “khóa” trong ngưỡng trên 66 và dưới 67 triệu đồng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Most Popular